Ông Trần Phú Lộc Thành, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ:
Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa bắt nhịp chuyển đổi số, gia tăng lợi thế cạnh tranh
Năm 2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP Cần Thơ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp (DN). Đặc biệt là tập trung triển khai Chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa (DNNVV) chuyển đổi số (CĐS). Chia sẻ về công tác hỗ trợ phát triển DN trên các mặt hoạt động, trong đó có CĐS, ông Trần Phú Lộc Thành, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TP Cần Thơ, cho biết:
- Trong năm 2022, thành phố đã ban hành Kế hoạch số 38/KH-UBND ngày 24-2-2022 với 21 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm đạt được mục tiêu đến cuối năm phát triển mới thêm hơn 1.400 DN, đạt lũy kế trên 11.000 DN đang hoạt động; hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho trên 600 DN thông qua các khóa đào tạo tập huấn; tăng cường công tác hỗ trợ DN tiếp cận CĐS trong đó ít nhất 20 DN được hỗ trợ tham gia CĐS; đồng thời tiếp tục duy trì Hội nghị gặp gỡ giữa Chính quyền thành phố và DN định kỳ ít nhất 2 lần/năm nhằm lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của DN và tìm giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ.
* Ông có đánh giá gì về nhu cầu của DN hiện nay đối với CĐS?
- Theo báo cáo thường niên năm 2021 về CĐS của DN do Bộ KH&ĐT công bố có khoảng 26,3% DN chưa có nhu cầu chuyển đổi số và chỉ mong muốn học tập và nghiên cứu để quyết định có CĐS hay không; 22,1% DN có nhu cầu muốn CĐS và đang tìm hiểu cách thức để thực hiện; 39,5% DN đã ứng dụng các giải pháp số, công nghệ số vào quá trình hoạt động và sẽ tiếp tục thực hiện các bước để CĐS. Các DN còn lại khi tiếp cận CĐS vì mục đích đào tạo nội bộ hoặc đào tạo tư vấn cho bên thứ ba có nhu cầu về CĐS và các mục đích khác. Thực tế trong quá trình hoạt động, các DN có quy mô khác nhau thì mục đích và mức độ tiếp cận CĐS cũng sẽ khác nhau. Đồng thời, nội dung báo cáo của Bộ cũng chỉ ra 9 rào cản của các DN khi tham gia CĐS.
Những kết quả trên được Bộ KH&ĐT thực hiện khảo sát trên cả nước. Từ kết quả này chúng ta có thể nhận định sơ bộ tình trạng nhu cầu chuyển đổi của các DN tại Cần Thơ đó là: tỷ lệ các DN chưa quyết định và đã quyết định sẽ tham gia CĐS ở mức tương đương gần bằng nhau và số DN đã có áp dụng các giải pháp số cũng ở mức cao nên có thể thấy đa số các DN đã nhận thức được tầm quan trọng của CĐS và sẵn sàng tham gia chuyển đổi, vấn đề còn lại là giải quyết được các rào cản khó khăn trong quá trình thực hiện và nâng cao hơn nữa nhận thức cho các DN, chủ DN, ban lãnh đạo đơn vị về tầm quan trọng của CĐS đối với quá trình phát triển trong thời đại công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ.
Đại diện DN đến nhận kết quả đăng ký kinh doanh tại Bộ phận một cửa Sở KH&ĐT TP Cần Thơ.
* Như vậy, Chương trình hỗ trợ DNNVV CĐS của thành phố sẽ tập trung vào những mục tiêu nhiệm vụ gì, thưa ông?
- Theo Kế hoạch số 241/KH-UBND ngày 30-11-2021 của UBND thành phố về CĐS TP Cần Thơ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Sở KH&ĐT giao tham mưu ban hành Chương trình hỗ trợ DNNVV tham gia CĐS. Dự thảo Chương trình đang trong quá trình lấy kiến của các cơ quan, DN để hoàn thiện và trình UBND thành phố vào cuối tháng 3-2022 để tổ chức thực hiện.
Mục tiêu chung của Chương trình là hỗ trợ các DNNVV trên địa bàn thành phố tham gia CĐS để tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất, năng lực quản trị DN, gia tăng lợi thế cạnh tranh. Từ đó, góp phần xây dựng thành phố thông minh và chính quyền số theo chủ trương của thành phố. Chương trình với các mục tiêu cụ thể như Xây dựng và đưa vào vận hành chuyên trang thông tin về CĐS cho DNNVV của thành phố; phấn đấu 100% DNNVV được nâng cao nhận thức về CĐS; tối thiểu có 500 DNNVV được hỗ trợ đào tạo, tư vấn về CĐS; 100% cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ DN CĐS được đào tạo, nâng cao năng lực tư vấn, hỗ trợ. Đồng thời, hình thành được mạng lưới tư vấn CĐS chuyên nghiệp và danh mục các tổ chức cung cấp các giải pháp, nền tảng CĐS cho DNNVV với sự tham gia tối thiểu của 10 đơn vị.
* Các nội dung hỗ trợ DNNVV CĐS sẽ được cụ thể hóa bằng những chính sách gì, thưa ông?
- Nội dung hỗ trợ DNNVV tham gia CĐS sẽ tập trung vào 3 nhóm chính sách chính: Một là chính sách về tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về tầm quan trọng của CĐS thông qua sổ tay hướng dẫn CĐS cho DNNVV trên địa bàn thành phố, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, chương trình hội nghị, hội thảo. Hai là chính sách về cung cấp thông tin (về giải pháp CĐS, nhà cung cấp dịch vụ, đơn vị tư vấn CĐS…) thông qua hình thức hội chợ, hội nghị, chuyên trang thông tin (Cổng thông tin), giúp DN tiếp cận các thông tin cần thiết phục vụ cho quá trình CĐS của đơn vị. Ba là xây dựng các gói hỗ trợ kỹ thuật cụ thể: về chữ ký số, hóa đơn điện tử, các phần mềm (kế toán, quản lý bán hàng, quản lý quan hệ khách hàng…), văn phòng điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử… trong từng giai đoạn CĐS của DN.
Việc hỗ trợ DNNVV tham gia CĐS là một nội dung quan trọng trong các chính sách hỗ trợ của thành phố nhằm giúp DN giảm chi phí vận hành, tiếp cận khách hàng trong thời gian dài, quản lý dễ dàng và tối ưu hóa được năng suất công việc từ đó làm tăng tính hiệu quả trong hoạt động cũng như sự cạnh tranh của DN được nâng cao. Vì vậy, sau khi lấy ý kiến góp ý của các sở ngành, thu thập nhu cầu liên quan đến CĐS của DN, Sở sẽ nhanh chóng tổng hợp, báo cáo, tham mưu UBND thành phố để ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện để sớm đi vào triển khai trong năm 2022 và các năm tiếp theo.
* Xin cám ơn ông!
MINH HUYỀN (thực hiện)
Nguồn: baocantho.com.vn