Các địa phương trên địa bàn TP Cần Thơ luôn quan tâm, thực hiện có hiệu quả công tác chuyển đổi số (CÐS). Qua đó, người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận các dịch vụ, khoảng cách số dần được thu hẹp thông qua việc phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Công chức Bộ phận Một cửa UBND huyện Cờ Ðỏ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cho người dân.
Thanh toán không dùng tiền mặt
Chị Hồ Thị Hồng Trinh ở phường Thới An, quận Ô Môn, về thăm gia đình sau nhiều năm xa xứ và có dịp mua sắm tại chợ Ô Môn. Chị bộc bạch: “Ði chợ mua sắm, tôi thích nhất là được thanh toán qua mạng mà không cần đem theo tiền mặt. Hầu hết tiểu thương sử dụng điện thoại để thanh toán qua mạng khá thành thạo nên tôi không phải mất nhiều thời gian. Ðiều này vừa tiện lợi, vừa an toàn”.
Ðó là tín hiệu vui kể từ khi UBND quận Ô Môn phối hợp Viettel Cần Thơ thực hiện mô hình “Chợ 4.0 - Thanh toán không dùng tiền mặt” tại chợ Ô Môn. Theo ông Ngô Văn Tứng, Phó Giám đốc Viettel Cần Thơ, Ô Môn là một trong những quận, huyện trên địa bàn thành phố mà Viettel triển khai mô hình chợ 4.0. Với mô hình này, tiểu thương và người dân có thể mua bán hàng hóa, thanh toán tại chợ bằng cách quét mã QR, hay chuyển tiền qua số điện thoại trên ứng dụng Viettel Money, rất nhanh chóng, thuận tiện.
Anh Phạm Duy Phương, chủ cửa hàng bách hóa Minh Phương ở chợ Ô Môn, bộc bạch: “Tôi đã cài đặt, sử dụng Viettel Money. Sau thời gian sử dụng, tôi thấy cách thanh toán này rất tiện lợi, chỉ cần có số điện thoại đăng ký ứng dụng là có thể chuyển tiền mua bán hàng hóa”. Chị Nguyễn Thúy Oanh, tiểu thương chợ Ô Môn, cũng đã thành thạo sử dụng Viettel Money. Những ngày đầu mới được triển khai, số lượng thanh toán chưa nhiều, nhưng hiện tại, mỗi ngày, cửa hàng của chị Oanh đã có nhiều khách hàng thực hiện qua quét mã QR.
Hiện nay, ở quận Ô Môn đã có hơn 100 tiểu thương kinh doanh bên trong và xung quanh chợ Ô Môn đăng ký thanh toán không dùng tiền mặt qua ứng dụng Viettel Money. Ông Tạ Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND quận Ô Môn, cho biết: “Mô hình chợ 4.0 thực hiện tại chợ Ô Môn thu hút đông đảo tiểu thương, khách hàng tham gia. Ðây là xu hướng tất yếu mang lại nhiều tiện ích cho người dùng. Sắp tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp các đơn vị tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng cũng như Ban Quản lý chợ để việc triển khai mô hình thanh toán không dùng tiền mặt được đồng bộ, hiệu quả”.
Tạo thuận lợi cho người dân thực hiện thủ tục hành chính (TTHC)
Kế thừa và khai thác có hiệu quả hạ tầng kỹ thuật đã được đầu tư đồng bộ từ thành phố đến huyện và từ huyện đến các xã, thị trấn là một trong những ưu tiên quan trọng của quá trình xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin và CÐS trên địa bàn huyện Cờ Ðỏ.
Hiện nay, Bộ phận Một cửa tại UBND huyện Cờ Ðỏ và các xã, thị trấn được bố trí đầy đủ trang thiết bị, phục vụ tốt nhất cho người dân, như: hệ thống quầy giao dịch trang bị đồng bộ, các trang thiết bị hiện đại với máy tra cứu TTHC, máy lấy số thứ tự giao dịch, máy tính bảng để người dân đánh giá sự hài lòng, máy in, máy scan, máy photo, màn hình hiển thị thông tin, camera giám sát, màn hình tivi. Bên cạnh đó, các TTHC được đơn giản hóa, số hóa trong xử lý hồ sơ; thái độ của cán bộ, công chức, viên chức phục vụ người dân, doanh nghiệp ân cần, chu đáo. Do đó, TTHC được giải quyết nhanh chóng, thuận tiện, công khai, minh bạch và hạn chế khâu trung gian, rút ngắn thời gian giải quyết so với quy định.
Ðến nhận giấy khai sinh cho con tại Bộ phận Một cửa UBND xã Thới Ðông, huyện Cờ Ðỏ, ông Phạm Văn Hùng cho biết: “Các TTHC được thực hiện nhanh, gọn. Thậm chí ngồi ở nhà, chỉ cần điện thoại có kết nối internet, tôi đã làm được giấy đăng ký khai sinh cho con”. Theo ông Lê Phước Ðức, Chủ tịch UBND xã Thới Ðông, việc đưa vào vận hành Bộ phận Một cửa theo hướng hiện đại giúp rút ngắn thời gian làm thủ tục cho người dân. Có thể thực hiện hồ sơ, thủ tục bằng cách trực tuyến, người dân rất hài lòng.
Theo đánh giá của UBND huyện Cờ Ðỏ, tất cả cán bộ, công chức Bộ phận Một cửa UBND huyện, UBND cấp xã đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, khai thác và ứng dụng hiệu quả các phần mềm, thiết bị công nghệ, để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Ðồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp cùng chung tay xây dựng chính quyền điện tử và CÐS. Các ngành, địa phương ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành, nhất là sử dụng có hiệu quả phần mềm quản lý văn bản, thư điện tử (mail công vụ), cổng dịch vụ công trực tuyến, hệ thống một cửa điện tử...
Năm 2022, huyện Cờ Ðỏ tiếp nhận 2.799 hồ sơ; trong đó, giải quyết đúng hẹn 2.542 hồ sơ, trễ hẹn 3 hồ sơ, 224 hồ sơ còn lại đang trong thời hạn giải quyết. Thực hiện 1.553/4.582 hồ sơ hồ sơ trực tuyến một phần (117/1.951 hồ sơ cấp huyện, 1.436/2.631 hồ sơ cấp xã) và 563/1.730 hồ sơ dịch vụ công trực tuyến toàn phần (73/442 hồ sơ cấp huyện, 490/1.308 hồ sơ cấp xã)...
Ông Nguyễn Trường Thọ, Chủ tịch UBND huyện Cờ Ðỏ, cho biết: “Chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, CÐS theo hướng thuận lợi cho nhân dân và doanh nghiệp. Ðồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền việc giao dịch thanh toán trực tuyến; tăng cường công tác tuyên truyền và hỗ trợ về thực hiện dịch vụ công trực tuyến, tập trung thực hiện đạt tỷ lệ chỉ tiêu giải quyết hồ sơ trực tuyến đã được UBND thành phố giao...”.
Bài, ảnh: CHẤN HƯNG
Nguồn: baocantho.com.vn