Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với chuyển đổi số (CÐS) là một trong những giải pháp góp phần xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch. Trên cơ sở đó, từ đầu năm đến nay, các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa TTHC gắn với CÐS, cải thiện chất lượng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp giao dịch hồ sơ trên môi trường mạng.
Công chức Bộ phận Một cửa UBND phường Cái Khế, quận Ninh Kiều tiếp nhận và xử lý hồ sơ TTHC của người dân.
Trong công tác cải cách hành chính, cải cách TTHC là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Theo các chuyên gia, cải cách TTHC cần phải song hành với CĐS và tương hỗ cùng phát triển.
Tại phiên họp thứ 6 của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, bà Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, cho biết các hệ thống thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp được các bộ, ngành, địa phương quan tâm, thúc đẩy thực hiện với trọng tâm là đẩy mạnh triển khai cung cấp DVCTT toàn trình theo quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và DVCTT của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. Đồng thời, đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông để nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ rà soát, cấu trúc lại quy trình TTHC để tích hợp vào Cổng Dịch vụ công quốc gia; tăng cường kết nối, thanh toán trực tuyến để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Tính đến ngày 10-11-2023, đã có 4.419 TTHC cung cấp trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, trong đó có nhiều dịch vụ công được người dân, doanh nghiệp quan tâm như: đăng ký cấp biển số xe, cấp điện mới từ lưới điện hạ áp, đổi giấy phép lái xe, cấp lại, đổi, điều chỉnh thông tin trên sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế…
Theo thống kê của Văn phòng Chính phủ, đến ngày 10-10-2023, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã kết nối, tích hợp với 150 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các cơ quan, đơn vị phục vụ xác thực định danh, đăng nhập một lần và giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công, trong đó đã công khai, đồng bộ thông tin 6.413 TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC với các Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh; tích hợp, cung cấp gần 4.500 DVCTT, chiếm hơn 70%; phục vụ xác thực, định danh và đăng nhập một lần của gần 10 triệu tài khoản.
Tại TP Cần Thơ, tính đến tháng 11-2023, đã cập nhật, tích hợp 1.515 DVCTT lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, trong đó có 957 DVCTT toàn trình và 558 DVCTT một phần. Tất cả cơ quan hành chính nhà nước từ cấp thành phố đến cấp xã đã triển khai trợ lý ảo trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và truy cập trên nền tảng di động. Tính đến giữa tháng 11-2023, tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia của TP Cần Thơ tăng hơn 10,1 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Ông Nguyễn Văn Chung, chủ hộ kinh doanh ở phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, chia sẻ: “Việc thực hiện TTHC qua mạng và thanh toán qua ngân hàng, tôi thấy rất tiện ích vì công khai, minh bạch. Hơn nữa, TP Cần Thơ cũng có kênh phản hồi ý kiến qua Tổng đài 1022 hoặc có thể gửi phán ánh, kiến nghị và theo dõi tiến độ xử lý của ngành chức năng trên ứng dụng “Can Tho Smart City””. Đó là mục tiêu hướng đến của việc thúc đẩy CĐS trong giải quyết TTHC, nhằm phát huy vai trò giám sát của người dân, doanh nghiệp đối với hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.
Tuy nhiên, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, việc kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu của các cơ quan nhà nước chưa thông suốt, chất lượng cung cấp và hiệu quả sử dụng DVCTT còn hạn chế; công tác an toàn, an ninh mạng nhiều nơi còn chưa được bảo đảm. Việc khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong giải quyết TTHC còn bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập, có nơi, có lúc gây phiền hà cho người dân; việc rà soát, đồng bộ kết quả giải quyết hồ sơ TTHC lên Cổng Dịch vụ công quốc gia ở một số nơi chưa kịp thời; việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC còn hạn chế; tình trạng công chức nộp hồ sơ trực tuyến thay cho công dân diễn ra khá phổ biến.
Theo Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sử dụng hiệu quả DVCTT; có giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân theo Đề án 06 của Chính phủ. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, quy định kinh doanh gắn với CĐS; đẩy mạnh gửi, nhận, xử lý hồ sơ trên môi trường điện tử, từng bước hiện đại hóa nền hành chính.
Bài, ảnh: QUỐC THÁI
Nguồn: baocantho.com.vn