Thủ tướng Phạm Minh Chính:
Đến cuối năm 2024, người đứng đầu phải chỉ đạo, điều hành trên môi trường số
(TTXVN) - Sáng 19-7, chủ trì Hội nghị trực tuyến Thường trực Chính phủ với các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số yêu cầu người đứng cầu các bộ, ngành, tỉnh, thành phố quyết liệt hơn trong chỉ đạo chuyển đổi số với “5 trọng tâm”, trên tinh thần là “5 đẩy mạnh”, “5 bảo đảm” gắn với “5 không”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan và địa phương thảo luận, đánh giá tình hình, nêu các mô hình hay, bài học quý, cách làm hiệu quả; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số thời gian tới, nhất là trong việc xây dựng, kết nối dữ liệu; ứng dụng các nền tảng công nghệ trong quản lý hành chính, điều hành; phát triển hạ tầng số; hướng dẫn thực hiện các quy định, cơ chế chính sách cho chuyển đổi số; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số…
Hội nghị đánh giá, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện được triển khai quyết liệt, đồng bộ với quyết tâm cao từ Trung ương đến cơ sở; nhận thức và hành động về chuyển đổi số quốc gia tiếp tục chuyển biến tích cực, có sự lan tỏa ở các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là người đứng đầu; công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách tạo khuôn khổ pháp lý và tạo thuận lợi cho chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 được triển khai tích cực...
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cơ bản thống nhất với nội dung các báo cáo, tham luận, ý kiến phát biểu thẳng thắn, tâm huyết, mang tính xây dựng của các đại biểu về những kết quả đạt được, những điểm nghẽn, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân cũng như các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đến năm 2025 và giai đoạn tiếp theo trong công tác chuyển đổi số.
Thủ tướng yêu cầu chuyển đổi số với tinh thần là 5 “đẩy mạnh”, 5 “bảo đảm” gắn với 5 “không”. Trong đó, “5 đẩy mạnh” gồm: Đẩy mạnh thống nhất nhận thức và hành động của người lãnh đạo trong chuyển đổi số, phát huy tính tiên phong, nêu gương, đi đầu; Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, để thúc đẩy chuyển đổi số, phù hợp với thông lệ quốc tế; thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số; Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng số quốc gia thông suốt, phát triển nền tảng số, dữ liệu số, hệ sinh thái số thuận tiện; Đẩy mạnh an ninh mạng, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu, bảo vệ chủ quyền không gian mạng quốc gia từ sớm, từ xa; Đẩy mạnh xây dựng văn hóa số, góp phần xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và hội nhập thế giới.
Thủ tướng chỉ rõ “5 bảo đảm” gồm: Bảo đảm triển khai chuyển đổi số, Đề án 06 đồng bộ, hiệu quả tại tất cả các bộ, ngành, địa phương, các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường để người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng; Bảo đảm nguồn lực cho chuyển đổi số quốc gia, nhất là đầu tư phát triển hạ tầng số, nền tảng số, đào tạo nhân lực số; Bảo đảm 100% dịch vụ công trực tuyến thiết yếu cho người dân, tiếp cận dễ dàng, an toàn, tiện lợi, tiết giảm chi phí; Bảo đảm nhân lực cho chuyển đổi số và các ngành kinh tế mới nổi, chú trọng đào tạo kỹ năng số gắn với nhu cầu thị trường; Bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững.
Việc thực hiện “5 đẩy mạnh”, “5 bảo đảm” phải gắn với “5 không”: Không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; không bàn lùi, chỉ bàn làm; Không để ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia, triển khai Đề án 06; Không tiền mặt, hướng tới mọi giao dịch thông qua phương thức điện tử, phòng chống tham nhũng; Không giấy tờ, hướng tới số hóa toàn diện; Không tiếp xúc, hạn chế giao dịch trực tiếp; hướng tới tự động hóa, sản xuất thông minh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đến cuối năm 2024, tất cả các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phải chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc trên môi trường mạng và ký số. Đến tháng 6-2025, từ chuyên viên đến lãnh đạo cấp phòng, cấp vụ, lãnh đạo các bộ, ngành, chuyên viên, lãnh đạo UBND cấp xã, huyện, tỉnh phải xử lý công việc trên môi trường mạng và ký số. Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn thương hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành “Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030”.
PHẠM TIẾP
Nguồn: baocantho.com.vn