Công bố Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công (PAPI) năm 2019
Sáng 28 tháng 4 năm 2020, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã chính thức công bố Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2019 của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Theo báo cáo, điểm tổng hợp chỉ số PAPI của thành phố Cần Thơ đạt 45,71 điểm – đứng thứ 8/63 tỉnh, thành phố, nằm trong nhóm 16 tỉnh, thành phố đạt điểm cao nhất; xếp thứ 3/13 tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, xếp sau tỉnh Bến Tre và Đồng Tháp.
Theo đó, kết quả điểm chỉ số thành phần là: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở là 5,12 điểm; Công khai minh bạch là 5,72 điểm; Trách nhiệm giải trình với người dân là 5,02 điểm; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công là 7,54 điểm; Thủ tục hành chính công là 7,59 điểm; Cung ứng dịch vụ công là 7,46 điểm; Quản trị môi trường là 4,37 điểm; Quản trị điện tử là 2,89 điểm.
So với năm 2018, Chỉ số PAPI năm 2019 của Cần Thơ có 06 chỉ số nội dung tăng điểm, 02 chỉ số nội dung giảm điểm, tăng cao nhất là chỉ số Kiểm soát tham nhũng (+0,56 điểm), giảm nhiều nhất là chỉ số Quản trị môi trường (-1,46 điểm).
Tổng quan về Chỉ số PAPI
Chỉ số PAPI bao gồm 8 chỉ số nội dung (Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong ra quyết định; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị môi trường và Quản trị điện tử); 28 nội dung thành phần, hơn 120 tiêu chí, hơn 550 câu hỏi về nhiều vấn đề chính sách của Việt Nam.
Chương trình nghiên cứu Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) là nỗ lực hợp tác hiệu quả giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ cộng đồng và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam từ năm 2009.
Chỉ số PAPI đo lường trải nghiệm và cảm nhận của người dân thường niên, nhằm mục đích so sánh hiệu quả và chất lượng quản trị, điều hành của bộ máy Nhà nước và cung cấp dịch vụ công của chính quyền 63 tỉnh, thành phố, thúc đẩy quản trị hiệu quả và chủ động đáp ứng nhu cầu của người dân.
Từ khi được khảo sát lần đầu cách đây 11 năm, nghiên cứu PAPI đã thu thập ý kiến của 131.501 công dân được chọn ngẫu nhiên trên phạm vi toàn quốc để tham gia đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công dựa trên trải nghiệm tương tác trực tiếp của họ với chính quyền các cấp.
Năm 2019, 14.138 người dân đã tham gia khảo sát PAPI, chia sẻ đánh giá về hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền trong năm vừa qua. Dữ liệu và thông tin thực chứng từ Chỉ số PAPI cho thấy bức tranh thực tế về hiệu quả của các cấp chính quyền trong đáp ứng yêu cầu của người dân.
Việt Uyên
Sở Nội vụ Cần Thơ