Công bố Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2018
Sáng ngày 02 tháng 04 năm 2019, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES) thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã tổ chức công bố chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2018.
Bà Caitlin Wiesen - quyền Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam phát biểu tại buổi công bố báo cáo
Quang cảnh buổi hội nghị công bố Chỉ số PAPI năm 2018
Theo đó, Bến tre và Lạng Sơn là 2 địa phương có tổng điểm cao nhất đều là 47,05 điểm; thấp nhất là Bình Định với 41,04 điểm. Tổng số điểm chỉ số PAPI của Hà Nội đạt 42,32 điểm. Thành phố Cần Thơ đạt 46,06/80 điểm (năm 2017 đạt 38,31/60 điểm) xếp thứ 08/63 tỉnh, thành phố trong cả nước tăng 01 bậc so với năm 2017; xếp thứ 2/13 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, sau tỉnh Bến Tre.
Tiến sỹ Đặng Hoàng Giang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng trình bày báo cáo kết quả PAPI năm 2018
Kết quả PAPI 2018 cho thấy Công khai, minh bạch trong lập danh sách hộ nghèo có cải thiện; công khai minh bạch quy hoạch/kế hoạch sử dụng đất còn hạn chế; vòi vĩnh trong dịch vụ y tế huyện/quận và giáo dục tiểu học công lập giảm; song, lót tay để có việc làm trong khu vực nhà nước, vòi vĩnh trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lạm dụng công quỹ chưa giảm; tham nhũng ở cấp xã thì ít phổ biến so với các cấp chính quyền cao hơn; Hiệu quả cung ứng một số dịch vụ công được cải thiện, trừ dịch vụ giáo dục tiểu học công lập;
Đói nghèo tiếp tục là vấn đề đáng quan ngai nhất, mặc dù năm 2018 Việt Nam đạt tỷ lệ tăng trưởng khá cao. Bên cạnh đó bảo vệ môi trường, dự án đầu tư “sạch” và năng lượng sạch nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ.
Báo cáo PAPI 2018 đánh dấu chặng đường 10 năm của nghiên cứu PAPI kể từ khi khởi xướng năm 2009. Qua hơn 10 năm, với 117.000 lượt người dân Việt Nam từ khắp các tỉnh, thành phố đã chia sẻ về trải nghiệm và cảm nhận của họ qua nghiên cứu PAPI, khiến PAPI trở thành một nguồn dữ liệu khách quan, cập nhật về hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương vì lợi ích của mọi người dân Việt Nam.
Trung Hậu – Phòng CCHC