Công bố Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2017

Công bố Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2017

Sáng ngày 04 tháng 04 năm 2018, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES) thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã tổ chức công bố chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2017.

Quang cảnh buổi hội nghị công bố Chỉ số PAPI năm 2017

Theo đó, vị trí dẫn đầu của thành phố Cần Thơ được thay thế bởi tỉnh Quảng Bình và xếp ở vị trí thứ 9/63 tỉnh, thành phố.

Kết quả PAPI 2017 cho thấy một số xu thế tích cực, 5/6 nội dung được cải thiện về điểm số. Đặc biệt, năm 2017 chứng kiến sự gia tăng về điểm ở chỉ số lĩnh vực “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” sau 3 năm liên tục giảm điểm. Tuy nhiên mức độ chịu đựng tham nhũng tiếp tục có xu hướng gia tăng mức tiền bị vòi vĩnh trung bình là 27,5 triệu đồng, tăng 2 triệu đồng so với số liệu PAPI năm 2016.

Bồi thường thu hồi đất vẫn là vấn đề đáng quan ngại, bởi tỉ lệ người bị thu hồi đất hài lòng với số tiền bị thu hồi đất giảm dần qua các năm. Năm 2014, 36% số người bị thu hồi đất cho rằng giá bồi thường xấp xỉ giá thị trường; đến năm 2017 tỉ lệ này giảm xuống còn 21%.

Đói nghèo tiếp tục là vấn đề đáng quan ngại nhất trong 3 năm liên tiếp từ năm 2015 đến 2017. Có đến 28% số người được hỏi cho rằng đói nghèo là vấn đề quan trọng nhất, tiếp đến là tăng trưởng kinh tế và việc làm. Môi trường là vấn đế đáng quan ngại thứ tư sau khi nổi lên thành vấn đề hệ trọng năm 2016.

Khảo sát PAPI đã được triển khai thực hiện thường niên từ năm 2011 đến nay. Báo cáo Chỉ số PAPI 2017 phản ánh ý kiến đánh giá của 14.097 người dân được chọn ngẫu nhiên từ 63 tỉnh, thành phố. 

Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) hướng tới cải thiện hiệu quả phục vụ nhân dân của chính quyền địa phương nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngày càng cao của nhân dân thông qua việc: (i) tạo tập quán cạnh tranh lành mạnh và văn hóa học hỏi kinh nghiệm giữa các chính quyền địa phương; và (ii) tạo cơ hội cho người dân nâng cao năng lực đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền đồng thời đồng thời vận động chính quyền cải thiện cung cách phục vụ nhân dân. Chỉ số gồm có 6 chỉ số nội dung (Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công), 22 chỉ số nội dung thành phần, hơn 90 chỉ tiêu chính, hơn 500 câu hỏi về nhiều vấn đề chính sách của Việt Nam.

Trung Hậu – Phòng CCHC