Công bố Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh năm 2022: Cần Thơ nằm trong nhóm B

 Ngày 19 tháng 4 năm 2023, tại trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ tổ chức Phiên họp thứ tư của Ban Chỉ đạo và Công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dưới sự chủ trì của đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ. Phiên họp được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham gia của Lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam và Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại điểm cầu các địa phương.

Quang cảnh Hội nghị

- Kết quả Chỉ số CCHC 2022 của các tỉnh, thành phố được phân theo 3 nhóm như sau:

+ Nhóm A, đạt kết quả Chỉ số từ 90% trở lên, gồm 02 tỉnh, thành phố.

+ Nhóm B, đạt kết quả Chỉ số từ 80% - dưới 90%, gồm 56 tỉnh, thành phố.

+ Nhóm C, đạt kết quả Chỉ số từ 70% - dưới 80%, gồm 05 tỉnh, thành phố.

Theo đánh giá, Chỉ số CCHC năm 2022 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương 84.79% và là năm thứ 4 liên tiếp đạt giá trị trung bình trên 80%. Nhìn chung, năm 2022, các địa phương đã có nhiều nỗ lực chỉ đạo và tổ chức triển khai công tác CCHC một cách toàn diện và hiệu quả; kết quả đánh giá nhiều tiêu chí cho thấy sự chuyển biến rõ nét so với năm 2021, phương pháp chỉ đạo, điều hành CCHC có nhiều sáng tạo, đổi mới tích cực. Năm 2022 có 34 tỉnh, thành phố đạt Chỉ số CCHC cao hơn giá trị trung bình cả nước; 58 địa phương đạt kết quả trên 80%, trong số đó có 02 địa phương đạt kết quả trên 90%. Ngoài ra, còn có 05 địa phương cho kết quả dưới 80%. Đáng chú ý, trong 5 năm liên tiếp không có địa phương nào đạt Chỉ số CCHC dưới 70%.

Quang cảnh Hội nghị

Tuy nhiên, qua đánh giá cũng cho thấy giá trị trung bình Chỉ số CCHC năm 2022 thấp hơn 1.58% so với năm 2021. Nguyên nhân chính là do năm 2022 bổ sung một số tiêu chí đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ CCHC theo các quy định mới của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (nhất là các tiêu chí mới đánh giá nội dung xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số); một số nội dung các địa phương đang triển khai, kết quả mới đạt được bước đầu. Ngoài ra còn một số nguyên nhân chủ quan khác đã được phản ánh vào trong kết quả đánh giá như: Một số địa phương có lãnh đạo quản lý các cấp còn sai phạm trong thực thi công vụ dẫn đến phải xử lý kỷ luật, hình sự; vẫn còn một số cơ quan, đơn vị tại địa phương sai phạm trong thực hiện các quy định về quản lý tài chính - ngân sách; việc số hóa giấy tờ, hồ sơ và cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở một số nơi còn hình thức, hiệu quả chưa cao. So sánh biến động Chỉ số CCHC 2022 của các địa phương cho thấy, 09 địa phương có Chỉ số CCHC tăng cao hơn so với năm 2021, tăng cao nhất là Kiên Giang (+4.33%); 54 địa phương có chỉ số giảm, giảm nhiều nhất là Bắc Ninh (-7.10%)

Theo kết quả đánh giá, Quảng Ninh trở lại vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2022 với kết quả đạt 90.10%; đây là lần thứ 5 Quảng Ninh đạt ngôi vị quán quân bảng xếp hạng Chỉ số CCHC, tương đương với thành phố Đà Nẵng - địa phương từng có 5 năm liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng (từ 2012 - 2016). Đứng vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2022 là thành phố Hải Phòng với kết quả đạt 90.09%; đây cũng là lần thứ 10 liên tiếp Hải Phòng nằm trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu Chỉ số CCHC.

Đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2022 là tỉnh Phú Yên, đạt 75.99%, thấp hơn 5.42% so với kết quả của Tỉnh này trong năm 2021 và cũng thấp hơn 3.98% so với đơn vị đứng cuối bảng xếp hạng của năm 20213. Xét trong chu kỳ 5 năm gần nhất, kết quả Chỉ số CCHC của tỉnh Phú Yên cũng khá khiêm tốn khi luôn nằm trong nhóm 5 địa phương thấp nhất cả nước và cũng có 02 lần đứng cuối bảng xếp hạng. Ngoài ra, một số địa phương khác cũng có kết quả Chỉ số CCHC năm 2022 khá thấp là Bình Thuận, đạt 79.45%, xếp vị trí thứ 60/63; Bắc Kạn, đạt 79.35%, xếp vụ trí thứ 61/63; Cao Bằng, đạt 77.55%, xếp vị trí thứ 62/63.

Đánh giá chung, kết quả Chỉ số CCHC năm 2022 của các tỉnh, thành phố đã cơ bản phản ánh khá chính xác, toàn diện thực tiễn triển khai công tác CCHC tại các bộ, cơ quan, địa phương. Qua đó cho thấy, nhiều nội dung, nhiệm vụ CCHC tiếp tục có sự tăng trưởng tích cực, ổn định; đồng thời, những nỗ lực, quyết tâm đẩy mạnh cải cách hành chính của chính quyền các cấp ở bộ, ngành, địa phương đã mang lại hiệu quả rõ rệt, ngày càng được người dân, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, kết quả đánh giá, xếp hạng cũng cho thấy một số tiêu chí, tiêu chí thành phần cho kết quả đánh giá còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra và cũng có sự phân hóa rõ rệt giữa các địa phương trong việc triển khai các nội dung này. Những hạn chế, bất cập này xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan; qua đây cũng là dịp để các bộ, ngành, địa phương có điều kiện nghiên cứu, phân tích dữ liệu, từ đó, ban hành và triển khai các giải pháp, biện pháp khắc phục đối với từng nội dung, nhiệm vụ cụ thể, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý và nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Trong 11 năm qua, Chỉ số CCHC luôn được khẳng định qua thực tiễn là một trong những công cụ có ý nghĩa quan trọng trong chỉ đạo, điều hành triển khai các Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước phù hợp với từng giai đoạn cụ thể. Thông qua Chỉ số CCHC, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương xác định được mục tiêu, định hướng, nội dung, nhiệm vụ và giải pháp cho cải cách hành chính nhà nước giai đoạn tiếp theo. Các bộ, ngành, địa phương luôn coi việc triển khai đo lường đánh giá Chỉ số cải cách hành chính là công cụ hữu ích trong công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; kết quả đánh giá giúp xác định rõ tồn tại, hạn chế, chỉ rõ trách nhiệm của tập thể và làm cơ sở quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân trong thực thi công vụ và của tổ chức trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, Chỉ số cải cách hành chính cũng là công cụ có sự tác động nhất định, tạo ra những áp lực đối với các cơ quan quản lý để tạo ra sự thay đổi và cải cách.

Nguyễn Hoàng