Công bố Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh năm 2021: Cần Thơ nằm trong nhóm B
Ngày 25 tháng 5 năm 2022, tại trụ sở Bộ Nội vụ, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức Hội nghị Công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dưới sự chủ trì của đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo. Hội nghị có sự tham gia của Lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam và Trung ương Hội Cựu Chiến binh Việt Nam; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Kết quả Chỉ số CCHC 2021 của các tỉnh, thành phố được phân theo 3 nhóm:
+ Nhóm A, đạt kết quả Chỉ số từ 90% trở lên, gồm 03 tỉnh, thành phố.
+ Nhóm B, đạt kết quả Chỉ số từ 80% - dưới 90%, gồm 59 tỉnh, thành phố.
+ Nhóm C, đạt kết quả Chỉ số từ 70% - dưới 80%, gồm 01 tỉnh, thành phố.
- Năm 2021, Chỉ số CCHC 2021 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có giá trị trung bình cao nhất từ trước đến nay, đạt 86.37%, cao hơn 2.65% so với năm 2020 (đạt 83.72%) và có năm thứ 3 liên tiếp đạt giá trị trung bình trên 80%; 40/63 đơn vị đạt kết quả Chỉ số CCHC cao hơn mức giá trị trung bình; 62 địa phương đạt kết quả Chỉ số CCHC trên 80%, nhiều hơn các năm 2020 và 2019 lần lượt là 4 và 18 đơn vị. Khoảng cách chênh lệch kết quả Chỉ số giữa đơn vị cao nhất và thấp nhất tiếp tục duy trì xu hướng giảm trong 5 năm gần đây, năm 2021 khoảng cách này là 11.83%, giảm 5.96% so với năm 2020 (17.79%). Có 60 tỉnh, thành phố đạt kết quả Chỉ số CCHC tăng cao hơn năm 2020; tăng cao nhất là tỉnh Quảng Ngãi (+13.20%), tăng thấp nhất là Đồng Tháp (+0.03%). Ngoài ra, vẫn còn 03 địa phương có kết quả Chỉ số CCHC giảm nhẹ so với năm 2020 là Đồng Nai (-0.49%), Tiền Giang (-0.51%) và Hà Nam (-1.94%).
Quang cảnh hội nghị.
- Theo kết quả xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2021: Thành phố Hải Phòng lần đầu tiên bứt phá lên ngôi vị quán quân Chỉ số CCHC năm 2021, với kết quả đạt 91.80%, cao hơn 0.66% so với đơn vị xếp vị trí thứ 2 là Quảng Ninh (đạt 91.14%). Thành phố Đà Nẵng đã có sự trở lại ấn tượng trong tốp 5 địa phương dẫn đầu sau 2 năm vắng bóng ở nhóm này, năm 2021 đạt 90.25% xếp vị trí thứ 3/63; trong khi đó, Vĩnh Phúc cũng có lần đầu tiên lọt nhóm 5 địa phương dẫn đầu, với kết quả năm 2021 đạt 89.28%, xếp vị trí thứ 5/63. Ngoài ra, Thừa Thiên Huế tiếp tục duy trì được thành tích cao trên bảng xếp hạng, với kết quả Chỉ số CCHC đạt 89.32%, xếp vị trí thứ 4/63 tỉnh, thành phố. Đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2021 là tỉnh Kiên Giang, đạt 79.97% và là địa phương duy nhất có kết quả Chỉ số CCHC dưới 80%. Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp Kiên Giang nằm trong nhóm 5 địa phương có kết quả Chỉ số CCHC thấp nhất cả nước (năm 2020, đạt 77.91%, xếp vị trí thứ 61/63).
- So sánh giá trị trung bình Chỉ số CCHC giữa các vùng kinh tế: Năm 2021, tất cả 6 vùng kinh tế đều có giá trị trung bình Chỉ số CCHC tăng cao hơn so với năm 2020 và đều đạt giá trị trên 80%. Khu vực Đồng bằng sông Hồng có giá trị trung bình Chỉ số CCHC cao nhất so với các khu vực còn lại, đạt 87.58%. Xếp vị trí thứ 2 trong số các vùng kinh tế là khu vực Trung du - Miền núi phía Bắc, đạt 87.04%. Tiếp theo là khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung đứng ở vị trí thứ 3, với kết quả đạt 86.45%, cao hơn 4.16% so với năm 2020 và cũng là khu vực có sự tăng trưởng cao nhất trong số 6 khu vực kinh tế. Xếp vị trí thứ 4 và thứ 5 lần lượt là khu vực Đông Nam Bộ, đạt 86.06% và Tây Nguyên, đạt 85.63%; kết quả đánh giá cũng chỉ ra, Đông Nam Bộ là khu vực có giá trị tăng trưởng thấp nhất trong số 6 khu vực kinh tế, chỉ tăng 1.12% so với năm 2020. Khu vực Tây Nam Bộ có giá trị trung bình Chỉ số CCHC thấp nhất, đạt 84.96%; đây cũng là khu vực có nhiều địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 lần thứ 2 ở nước ta.
- Phân tích các chỉ số thành phần, cho thấy: Giá trị trung bình của các chỉ số thành phần tiếp tục thể hiện sự cải thiện tích cực trong năm 2021; 8/8 chỉ số thành phần đều có giá trị trung bình tăng cao hơn so với năm 2020; 7/8 chỉ số thành phần tăng trưởng liên tiếp trong 4 năm gần nhất, từ năm 2018 - 2021; số lượng chỉ số thành phần đạt giá trị trung bình trên 80% tiếp tục tăng cao, với năm 2021 là 7/8 chỉ số, trong khi đó, năm 2020 có 6/8 chỉ số và năm 2019 có 5/8 chỉ số.
+ Chỉ số thành phần “Cải cách TTHC” có giá trị trung bình cao nhất trong 8 chỉ số thành phần, đạt 95.15%. Xếp thứ 2 là Chỉ số thành phần ”Công tác chỉ đạo điều hành CCHC“, đạt 92.34%, cao hơn 2.63% so với năm 2020.
+ Chỉ số thành phần "Hiện đại hóa hành chính" tiếp tục có sự cải thiện mạnh mẽ cả về điểm số và thứ hạng; năm 2021 Chỉ số thành phần này đạt 89.19%, cao hơn 4.04% so với năm 2020, xếp vị trí thứ 3/8 chỉ số thành phần. Chỉ số thành phần “Xây dựng và tổ chức thực hiện VBQPPL của tỉnh” tiếp tục thể hiện sự tăng trưởng bền vững, năm 2021 đạt giá trị trung bình là 89.14%, cao hơn 1.32% so với năm 2020, xếp vị trí thứ 4/8 chỉ số thành phần. Đứng ở vị trí thứ 5 là Chỉ số thành phần "Cải cách tổ chức bộ máy hành chính", đạt giá trị trung bình 86.28%, cao hơn 1.87% so với năm 2020. Chỉ số thành phần "Xây dựng và nâng cao chất lượng CBCCVC" đạt giá trị trung bình là 85.32%, xếp vị trí thứ 6/8 chỉ số thành phần.
+ Tiếp tục duy trì xếp hạng ở vị trí thứ 7 là Chỉ số thành phần “Cải cách tài chính công”, đạt 81.63%, cao hơn 3.29% so với năm 2020; đây là cũng là lần đầu tiên Chỉ số thành phần này đạt giá trị trung bình trên 80% kể từ năm 2016.
+ Chỉ số thành phần “Tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển KT - XH của tỉnh“ có giá trị trung bình đạt 75.92%, là năm thứ 2 liên tiếp đứng cuối bảng xếp hạng của 8 chỉ số thành phần đánh giá. Nhìn chung, kết quả Chỉ số CCHC năm 2021 của các tỉnh, thành phố tiếp tục có sự tăng trưởng tích cực, cho thấy những nỗ lực, quyết tâm đẩy mạnh cải cách hành chính của chính quyền các cấp ở địa phương đã mang lại hiệu quả rõ rệt, ngày càng được người dân, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, năm 2021, những nguyên nhân khách quan từ dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả điểm, xếp hạng Chỉ số CCHC của một số địa phương, nhất là những tỉnh, thành phố hay khu vực kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, phải thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội trong thời gian dài, dẫn đến việc thực hiện một số nhiệm vụ CCHC và thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương, khu vực này bị gián đoạn, kết quả hoàn thành thấp hơn so với các địa phương, vùng kinh tế bị ảnh hưởng ít nghiêm trọng hơn. Do đó, kết quả điểm và xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2021 cũng cho thấy có sự phân hóa khá rõ giữa các chỉ số thành phần; giữa các tỉnh, thành phố và giữa các khu vực kinh tế. Lĩnh vực nào hoặc địa phương, khu vực nào chịu tác động nghiêm trọng bởi dịch bệnh COVID-19 thì thường có kết quả Chỉ số CCHC thấp hơn so với phần còn lại.
Hoàng Nhân