(CT) - Theo UBND huyện Cờ Đỏ, thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, huyện triển khai nhiều giải pháp xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Về phát triển chính quyền số, đến tháng 1-2023, tất cả cơ quan, đơn vị đã được triển khai và tập huấn sử dụng phần mềm số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính (năm 2022, tỷ lệ số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính của huyện đạt hơn 70%). UBND huyện quan tâm công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng, tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền về an toàn thông tin trong cơ quan - nhà nước, tổ chức, cá nhân. Sở Thông tin và Truyền thông thành phố đã phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ 2 cho hệ thống mạng LAN của huyện.
Về kinh tế số, năm 2022, UBND huyện phối hợp VNPT Cần Thơ và Mobifone Cần Thơ tổ chức 2 hội thảo giới thiệu, quảng bá sản phẩm số, công nghệ số đến các ban, ngành, đoàn thể huyện để phục vụ công tác quản lý, điều hành. Các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, hiện có 3/9 sản phẩm OCOP tham gia các sàn thương mại điện tử. Trong năm 2022, có 2.389 hộ sản xuất nông nghiệp được tập huấn, hướng dẫn đăng ký, sử dụng các sàn thương mại điện tử. Về xã hội số, huyện đã thành lập 74 Tổ Công nghệ số cộng đồng phụ trách tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ số: ứng dụng “Can Tho SmartCity, Cổng Dịch vụ công thành phố, tổng đài 1022 Cần Thơ và các sàn giao dịch thương mại điện tử. Hạ tầng viễn thông trên địa bàn huyện được chú trọng đầu tư, phát triển. Theo đó, sóng truyền hình số mặt đất và mạng thông tin di động băng rộng (3G, 4G) phủ đến 100% dân cư, huyện đã hoàn thành mạng băng rộng đến 100% xã, thị trấn, Internet kết nối đến 100% trường học; hiện toàn huyện có 20 điểm phục vụ dịch vụ viễn thông, 20 đại lý Internet và 14 điểm phát wifi công cộng hơn 75% người trưởng thành có thiết bị di động...
Quốc Thái
Nguồn: baocantho.com.vn