Chuyển đổi số là một trong những giải pháp căn cơ làm thay đổi cách thức giải quyết các hồ sơ hành chính trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh tư pháp. Việc chuyển đổi số trong lĩnh vực này giúp người dân, cán bộ, công chức được thụ hưởng nhiều tiện ích: hồ sơ hành chính được giải quyết thuận tiện, nhanh chóng; không bị giới hạn về không gian, thời gian; nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước; người dân tiếp cận, khai thác văn bản pháp luật nhanh chóng...
Công chức tư pháp Bộ phận Một cửa UBND quận Thốt Nốt hướng dẫn thủ tục cho người dân.
Số hóa hồ sơ, giấy tờ, thủ tục
Xác định rõ chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay, lãnh đạo Sở Tư pháp đã ban hành nhiều văn bản có liên quan nhằm tập trung triển khai có hiệu quả công tác này. Các văn bản: kế hoạch về cải cách hành chính (CCHC) của Sở Tư pháp giai đoạn 2021-2025; kế hoạch về công tác CCHC; kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC); quyết định về việc thành lập Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả theo cơ chế một cửa tại Sở Tư pháp; quyết định về việc thành lập Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số Sở Tư pháp… đều hướng đến phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và phục vụ người dân tốt hơn.
Hiện nay, Sở Tư pháp thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với 13/119 TTHC, chiếm tỷ lệ 10,9%; mức độ 4 là 100/119 THTC, chiếm tỷ lệ 84%. Năm 2022, Sở tiếp nhận 1.379 hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Số hóa được 1.792 kết quả giải quyết TTHC.
Bên cạnh đó, hằng năm, UBND thành phố quan tâm bố trí kinh phí đảm bảo việc số hóa sổ hộ tịch, thường xuyên chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp các ngành có liên quan đẩy nhanh hoạt động số hóa sổ hộ tịch, đảm bảo dữ liệu được số hóa theo đúng quy định. Ðể thực hiện tốt công tác này, Sở Tư pháp thành phố đã bố trí máy tính, máy in và máy quét dùng chung cho tất cả công chức phụ trách công tác quản lý nhà nước về hộ tịch tại Sở. Tất cả các máy tính này đều có kết nối mạng internet gồm 2 đường truyền song song là đường truyền số liệu dùng chung do Sở Thông tin và Truyền thông triển khai và đường truyền mạng internet Viettel do Sở Tư pháp thuê từ nguồn kinh phí tự chủ. Ða số máy tính đều có cấu hình tương đối phù hợp phục vụ việc đăng ký, quản lý hộ tịch.
Theo ông Hồ Văn Gia, Giám đốc Sở Tư pháp TP Cần Thơ, Sở đã chỉ đạo phòng tư pháp các địa phương phối hợp cơ quan, đơn vị có liên quan để trao đổi, hướng dẫn xử lý đối với những trường hợp báo lỗi cấp số định danh cá nhân cho trẻ em trên phần mềm “Khai sinh điện tử”; đẩy nhanh hoạt động số hóa sổ hộ tịch, đảm bảo dữ liệu hộ tịch được số hóa theo đúng thời hạn; tăng cường kiểm tra, rà soát, bảo đảm tất cả các sự kiện hộ tịch được đăng ký đầy đủ, chính xác, đúng quy định pháp luật hộ tịch và cập nhật kịp thời trên phần mềm “Ðăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung”. Sau khi thông tin hộ tịch được đăng ký vào phần mềm, việc điều chỉnh, sửa chữa, hủy bỏ thông tin, dữ liệu hộ tịch điện tử phải được thực hiện theo quy định pháp luật. Trong quá trình rà soát, đối chiếu, cập nhật đồng bộ dữ liệu trong phần mềm “Ðăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung” theo nhiệm vụ được giao, nếu phát hiện có thông tin chưa chính xác hoặc chưa thống nhất thì cần kiểm tra kỹ hồ sơ, sổ đăng ký hộ tịch (được lưu trữ tại UBND cấp huyện và UBND cấp xã) và căn cứ các quy định pháp luật bảo đảm phù hợp theo đúng quy định của pháp luật hộ tịch.
Tạo thuận lợi cho người dân
Sở Tư pháp thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) gắn với các phong trào hành động, các hội thảo, hội thi, hội nghị tập huấn... Ðặc biệt, các cấp, các ngành đã tận dụng ưu thế của Internet, mạng xã hội để triển khai các văn bản chỉ đạo của cấp trên; đồng thời chia sẻ, lan tỏa những thông tin hay, câu chuyện đẹp của các cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên nhằm khơi gợi tinh thần thi đua, xung kích và khát vọng cống hiến. Bên cạnh đó, với trang thông tin điện tử PBGDPL dùng chung cho thành phố, người dân tiếp cận pháp luật dễ dàng nên đến nay đã có hàng nghìn lượt truy cập. Bà Phạm Thu Hương, Trưởng Phòng Tư pháp quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, nói: “Nội dung cũng như hình thức tuyên truyền được chúng tôi thực hiện đa dạng, giúp người dân dễ dàng cập nhật các quy định pháp luật một cách chính xác. Hoặc thông qua nhóm Zalo, người dân có thể trao đổi những vấn đề còn vướng mắc liên quan đến pháp luật”.
Sở Tư pháp phối hợp với nhà mạng viễn thông quân đội Vietel, thiết lập hệ thống tin nhắn SMS để tuyên truyền PBGDPL theo từng chủ đề sự kiện một cách nhanh chóng, kịp thời. Hướng dẫn tư pháp quận, huyện thành lập các nhóm Zalo có đại diện của trưởng ấp/khu vực, tổ hòa giải... và đại diện từng hộ gia đình tham gia để thuận tiện trong việc truyền tải thông tin tuyên truyền PBGDPL.
Theo ông Hồ Văn Gia, Giám đốc Sở Tư pháp TP Cần Thơ, để từng bước số hóa các thủ tục, Sở thường xuyên rà soát, duy tu, sửa chữa hạ tầng kỹ thuật phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tại đơn vị, đảm bảo vận hành ổn định, an toàn, hiệu quả các ứng dụng phần mềm đã triển khai, như: phần mềm quản lý văn bản và điều hành, hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu TTHC thành phố, quản lý cán bộ, công chức, viên chức, cổng thông tin điện tử, hộp thư điện tử, hệ thống họp trực tuyến… và các phần mềm chuyên dụng khác. Bên cạnh đó, Sở tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao kiến thức, trình độ công nghệ thông tin cho công chức, viên chức, góp phần thực hiện tốt chủ đề năm của thành phố và các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác ngành Tư pháp năm 2023.
Bài, ảnh: Hoàng Yến
Nguồn: baocantho.com.vn