Chuyển đổi số lĩnh vực công
TP Cần Thơ đã và đang triển khai nhiều hạng mục thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) trên các lĩnh vực công. Bên cạnh phát triển các hệ thống nền tảng, dữ liệu dùng chung, thành phố cung cấp nhiều ứng dụng, dịch vụ số phục vụ doanh nghiệp và người dân, trong đó ưu tiên lĩnh vực hành chính, y tế, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp và du lịch…
Đào tạo nguồn nhân lực, kỹ năng số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của quá trình CĐS mà TP Cần Thơ đề ra. Trong ảnh: Học viên tham gia khóa học Quản trị mạng máy tính tại Trường Trung cấp Hồng Hà TP Cần Thơ.
Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 4-8-2021 của Thành ủy Cần Thơ về CĐS TP Cần Thơ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, UBND thành phố tập trung đầu tư, triển khai các hạng mục trên 3 lĩnh vực trụ cột: chính quyền số, xã hội số và kinh tế số. Đối với nhiệm vụ phát triển chính quyền số, thành phố tập trung ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực hành chính công như: hệ thống quản lý văn bản, điều hành được triển khai đến tất cả cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp từ cấp thành phố đến cấp xã; đã triển khai kết nối trục liên thông văn bản của thành phố với trục liên thông văn bản quốc gia; hệ thống quản lý văn bản và điều hành phiên bản trên thiết bị di động có tích hợp chữ ký số. Đến cuối năm 2021, tỷ lệ văn bản điện tử được ký số và văn bản điện tử gửi, nhận thông qua trục liên thông văn bản của thành phố đạt 96%.
Tại buổi làm việc với đoàn chuyên gia Microsoft Việt Nam bàn các giải pháp về CÐS khối hành chính công và giáo dục cho TP Cần Thơ vào cuối tháng 3-2022, ông Nguyễn Hữu Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố, cho biết: “Các cấp, các ngành đang triển khai Đề án xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành thành phố đô thị thông minh, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đến nay, bước đầu đạt một số kết quả: đã khai trương Trung tâm điều hành đô thị thông minh và thí điểm 8 dịch vụ đô thị thông minh; triển khai Cổng thông tin du lịch và ứng dụng di động du lịch thông minh; xây dựng nền tảng hạ tầng dữ liệu không gian đô thị thông minh; hệ thống thông tin quản lý rủi ro ngập cho thành phố”. Bên cạnh đó, thành phố đã triển khai 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đủ điều kiện, với 1.163 thủ tục hành chính. Các sở, ban, ngành cũng đã triển khai phần mềm cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ công tác chuyên môn.
Ở một số lĩnh vực ưu tiên: y tế, giáo dục, nông nghiệp và du lịch… cũng đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành. Trao đổi với đoàn chuyên gia Microsoft Việt Nam, ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ, cho rằng dịch COVID-19 là “cú hích” đẩy nhanh quá trình CĐS trong ngành Giáo dục và Đào tạo. Giáo viên và học sinh dần thích ứng với học trực tuyến. Riêng về công tác quản lý, ngành đã triển khai kho học liệu số, bài giảng điện tử E-learning. Tất cả cơ sở giáo dục từ tiểu học đến THPT sử dụng phần mềm quản lý học sinh SMAS. Ngoài ra, các trường học còn thực hiện hồ sơ, sổ sách điện tử và các phần mềm: VNEDU quản lý trường mầm non, tuyển sinh trực tuyến… Tuy nhiên, qua kết quả học tập của học sinh bằng hình thức trực tuyến cho thấy, tỷ lệ khá, giỏi tăng đột biến, chưa phản ánh chính xác năng lực của học sinh. Do đó, ông đề xuất Microsoft Việt Nam hỗ trợ hệ thống phần mềm về đánh giá học sinh đảm bảo khách quan, công bằng, đồng thời đào tạo, bồi dưỡng giáo viên về kiến thức và kỹ năng số. Bà Đoàn Tường Vân, Giám đốc khối giáo dục công Microsoft Việt Nam, đề xuất phối hợp ngành Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ trong công tác đào tạo nguồn nhân lực số, nhất là giáo viên ở các trường phổ thông. Theo đó, Microsoft Việt Nam thí điểm xây dựng 2-3 trường học điển hình, với các hạng mục: phòng học thông minh, đầu tư trang thiết bị học tập trực tuyến và đào tạo, bồi dưỡng giáo viên sáng tạo.
Bên cạnh đó, Microsoft Việt Nam còn đề xuất phối hợp với thành phố triển khai các giải pháp dịch vụ xã hội và y tế cộng đồng. Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ ghi nhận các đề xuất của Microsoft Việt Nam, đồng thời cho biết, mục tiêu đến năm 2025, thành phố đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực số. Phấn đấu đến năm 2025, có 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau; 90% hồ sơ công việc tại cấp thành phố, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Phó Chủ tịch UBND thành phố mong Microsoft Việt Nam tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan của thành phố để nắm bắt thực trạng về quá trình CÐS, từ đó, khuyến nghị các giải pháp hỗ trợ thành phố đẩy nhanh quá trình CÐS. Đồng thời, giao lãnh đạo Sở Giáo dục và Ðào tạo cùng các ngành liên quan phối hợp Microsoft Việt Nam nghiên cứu, đề ra các phải pháp CÐS trong lĩnh vực giáo dục; Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Ðoàn Thanh niên, LÐLÐ thành phố rà soát, nắm bắt thông tin, khảo sát thực trạng, tham mưu, đề xuất giúp UBND thành phố về công tác CÐS trong thời gian tới.
Bài, ảnh: QUỐC THÁI
Nguồn: baocantho.com.vn