Chuyển đổi số góp phần nâng cao hiệu quả quản trị, điều hành các hoạt động giáo dục

Ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ:

Chuyển đổi số góp phần nâng cao hiệu quả quản trị, điều hành các hoạt động giáo dục

Ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Cần Thơ đã và đang ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số (CĐS) trong hoạt động quản lý, dạy - học, đạt được thành tựu góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, cho biết thêm:

- Từ nhiều năm nay, Sở GD&ĐT thành phố tập trung đẩy mạnh CĐS toàn ngành. Hiện nay 100% cơ sở giáo dục ứng dụng công nghệ thông tin quản lý hồ sơ và sổ sách, hồ sơ điện tử; thực hiện thu học phí, các khoản thu khác không dùng tiền mặt; thông tin giữa Sở và các cơ sở giáo dục triển khai thông qua hệ thống trực tuyến và mạng nội bộ, để ngành quán triệt, chuyển tải thông tin, nhất là thông tin chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Thành ủy - HĐND - UBND TP Cần Thơ. 100% giáo viên đã vận hành và thực hiện giáo án, bài giảng điện tử thông qua ứng dụng công nghệ thông tin; đây là một phần quan trọng trong quá trình CĐS của ngành giáo dục.

Trong công tác quản lý, quản trị nhà trường, ngành Giáo dục thành phố, hệ thống cơ sở giáo dục đã ứng dụng phần mềm để thực hiện quản lý, linh hoạt vận dụng các hình thức tổ chức giảng dạy và học tập. Điển hình đợt triều cường trong năm học vừa qua, các cơ sở giáo dục linh hoạt tổ chức đa dạng hình thức dạy và học, như dạy - học trực tuyến, học tập tại nhà… trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện CĐS để kiểm soát việc tổ chức giảng dạy và học tập, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh. Hiệu quả ứng dụng CĐS trong công tác cải cách hành chính của ngành được duy trì và đánh giá cao, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy và học.

 

Dịp 20-11 tới, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ sẽ ra mắt Trung tâm Điều hành thông minh. Ảnh: B.NG

* Thưa ông, được biết ngành Giáo dục thành phố chuẩn bị ra mắt Trung tâm Điều hành thông minh, ông có thể chia sẻ thêm về trung tâm này?

- Thực hiện kế hoạch CĐS năm 2023 trên cơ sở chỉ đạo của UBND thành phố, ngành GD&ĐT thành phố phối hợp với VNPT, Viettel thực hiện những nội dung trong công tác CĐS của ngành. Trong đó trọng điểm là xây dựng Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) và Trung tâm Dữ liệu số của ngành GD&ĐT TP Cần Thơ. Đến nay, các trung tâm cơ bản đã hoàn thành và dự kiến chạy thử nghiệm vào dịp 20-11. Đây sẽ là những trung tâm thông minh trong lĩnh vực GD&ĐT đầu tiên của khu vực ĐBSCL phục vụ công tác quản trị, điều hành các hoạt động giáo dục trên toàn thành phố. Trong giai đoạn vận hành thử nghiệm, chúng tôi sẽ tiến hành bổ sung, hoàn chỉnh các trung tâm.

Trung tâm Dữ liệu tập trung tất cả thông tin tài nguyên, dữ liệu ngành Giáo dục thành phố từ các cơ sở giáo dục các địa phương, trên cơ sở kết nối thông tin và phục vụ cho IOC. Trong khi đó, IOC sẽ tích hợp, xử lý, quản lý dữ liệu và thông tin giúp nâng cao chất lượng giáo dục thành phố; trên cơ sở mô hình hóa và tích hợp các thông tin các cơ sở giáo dục từ Trung tâm Dữ liệu, để tăng cường công tác lãnh đạo quản lý điều hành của ngành GD&ĐT.

Khi vận hành, đưa vào sử dụng IOC sẽ đảm bảo tiết kiệm nguồn lực, thời gian trong quản lý điều hành. IOC có thể kiểm soát, theo dõi hoạt động cụ thể ở một cơ sở giáo dục hoặc đối với các hoạt động giáo dục của địa phương. Ví dụ, chúng tôi ở tại IOC vẫn có thể kiểm soát được các hoạt động của các cơ sở giáo dục ở quận, huyện và đảm bảo thông tin liên lạc trực tiếp thông qua dữ liệu từ trung tâm; qua đó rút ngắn thời gian, đảm bảo đẩy nhanh công tác cải cách hành chính trong ngành giáo dục.

Cả hai trung tâm của Sở sẽ kết nối với trung tâm chung của thành phố về các dữ liệu kinh tế - xã hội, kết nối với trung tâm dữ liệu của Bộ GD&ĐT. Những nội dung này, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện về mặt pháp lý để đảm bảo tính kết nối giữa các trung tâm của Sở, của thành phố, của Bộ GD&ĐT. Đây là nội dung, phần việc của ngành Giáo dục thành phố nhằm kỷ niệm 20 năm TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương.

* Xin ông cho biết thêm những khó khăn của ngành trong quá trình thực hiện CĐS cũng như định hướng sắp tới nhằm nâng cao hiệu quả công tác này?

- Trong quá trình thực hiện CĐS, bên cạnh những thuận lợi thì ngành Giáo dục thành phố cũng gặp một số khó khăn, cần được tập trung tháo gỡ. Thứ nhất, về số liệu và kết nối thông tin giữa các cơ sở giáo dục cùng với ngành, do sử dụng rất nhiều phần mềm trong công tác quản lý điều hành, nên việc kết nối và cung cấp thông tin cần có thời gian để xử lý. Nhờ sự hỗ trợ của VNPT và Viettel, ngành triển khai tập trung xử lý về mặt kỹ thuật để đảm bảo chính xác trước khi vận hành và đưa vào chạy thử IOC.

Thứ hai, các nguồn vốn của Trung ương, địa phương đầu tư cho lĩnh vực GD&ĐT giúp cơ sở vật chất, các trang thiết bị, đồ dùng dạy học cơ bản đảm bảo yêu cầu; tuy nhiên vẫn còn một vài cơ sở giáo dục ở các huyện còn khó khăn trong việc trang bị các thiết bị đồ dùng dạy học. Sở sẽ phối hợp tốt với các ngành các cấp để đảm bảo đầu tư các phòng học chức năng, phòng học kiên cố và phòng học có đầy đủ các thiết bị đồ dùng dạy học, phòng học thông minh để phục vụ dạy và học. Đồng thời, ngành Giáo dục thành phố tiếp tục quan tâm, thực hiện tốt hơn nữa công tác xã hội hóa; đẩy mạnh đa dạng hóa các nguồn lực để đầu tư, huy động các nguồn lực, trong đó có nguồn lực của xã hội để góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT thành phố.

Có thể nói, ngành GD&ĐT thành phố luôn xác định CĐS là nhiệm vụ quan trọng, nên thời gian sắp tới, ngành tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác thông tin truyền thông đến cán bộ quản lý, giáo viên nhằm nâng cao nhận thức hơn nữa về vị trí và vai trò của CĐS trong ngành. Chúng tôi cũng phát động trong toàn ngành nâng cao chất lượng GD&ĐT, đồng thời tập trung cho công tác CĐS để góp phần vào thành tích chung cũng như các phòng trào thi đua trong thời gian tới.

* Xin cảm ơn ông!

B.Ngọc (Thực hiện)

Nguồn: baocantho.com.vn