Chuyển biến mới trong cải cách hành chính

Trong 6 tháng đầu năm 2023, các cơ quan, đơn vị và địa phương trên địa bàn TP Cần Thơ triển khai và phối hợp thực hiện 42/68 nhiệm vụ, hoạt động cải cách hành chính (CCHC). Những nhiệm vụ, hoạt động còn lại đang triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ đề ra. Bên cạnh tăng cường công tác kiểm soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), kiểm tra kỷ luật và kỷ cương hành chính, các cấp, các ngành duy trì và nhân rộng nhiều mô hình tham gia CCHC, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền dịch vụ công trực tuyến, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân.

Các thí sinh tham gia cuộc thi đánh giá năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đối với cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo quản lý năm 2023, do UBND TP Cần Thơ tổ chức vào tháng 6-2023. Ảnh: CTV

Bà Võ Thị Huỳnh Giao ở phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, vừa được cán bộ Công an phường trực tiếp hướng dẫn cài đặt và kích hoạt tài khoản định danh điện tử VNeID trên điện thoại thông minh. Bà Giao chia sẻ: “Trước kia, tôi có thói quen mang theo căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe trong ví. Cũng có lần tôi sơ ý đánh rơi, phải làm thủ tục đề nghị cấp lại giấy tờ, vừa mất thời gian đi lại vừa tốn kém chi phí. Ứng dụng VNeID tích hợp các loại giấy tờ tùy thân cần thiết, nên tôi không còn lo sợ bị mất giấy tờ”. Bà Huỳnh Thúy Niềm ở phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, cho biết: “Tôi được đoàn viên, thanh niên hướng dẫn cài đặt ứng dụng VNeID và giới thiệu các bước thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và Cổng Dịch vụ công thành phố. Nhờ vậy, tôi biết được một số thủ tục có thể thực hiện trực tuyến dễ dàng như: đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông, đăng ký tạm trú, lưu trú…”.

Theo báo cáo của UBND TP Cần Thơ, tất cả các xã, phường, thị trấn của thành phố đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng, với 607 tổ, gồm 2.417 thành viên. Các cấp bộ Đoàn - Hội cũng thành lập 66 nhóm tình nguyện viên tuyên truyền CCHC. Các tổ công nghệ số cộng đồng và nhóm tình nguyện viên tuyên truyền CCHC đến từng khu dân cư hướng dẫn người dân cách thức thực hiện dịch vụ công trực tuyến, cài đặt và kích hoạt tài khoản định danh điện tử VNeID mức độ 2, các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Đến nay, tất cả 120 cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố chấp nhận tra cứu dữ liệu qua căn cước công dân có gắn chip điện tử để xác thực thông tin, tạo thuận lợi cho người dân khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế. Đến ngày 15-6-2023, Bảo hiểm Xã hội TP Cần Thơ đã đồng bộ, tích hợp thông tin thẻ bảo hiểm y tế của công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đạt tỷ lệ 86%, tạo thuận lợi cho người dân khám chữa bệnh.

Các đơn vị, địa phương duy trì và nhân rộng mô hình tuyên truyền về CCHC. Sở Nội vụ tham mưu UBND thành phố tiếp tục tổ chức cuộc thi đánh giá năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đối với cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo quản lý năm 2023 (có 565 thí sinh dự thi). Cuộc thi giúp cán bộ, công chức, viên chức nâng cao kiến thức về công tác CCHC và chuyển đổi số, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong phục vụ xử lý công việc hằng ngày, kỹ năng sử dụng các phần mềm, soạn thảo văn bản và phát hành văn bản trên phần mềm quản lý văn bản và chỉ đạo điều hành, ký số văn bản. UBND quận Bình Thủy thí điểm mô hình “Giải quyết TTHC cho người dân ngoài giờ hành chính tại UBND phường Trà An”. Theo đó, UBND phường Trà An phân công công chức trực thêm 30 phút ngoài giờ hành chính (sáng và chiều) từ thứ hai đến thứ sáu tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả để giải quyết hồ sơ. UBND quận Ô Môn triển khai mô hình “Quét mã QR trên điện thoại để thực hiện TTHC mức độ 3, mức độ 4”. Hiện nay, quận đã thiết kế và áp dụng 218 mã QR TTHC các lĩnh vực thuộc thẩm quyền. Đồng thời, duy trì mô hình tuyên truyền dịch vụ công trực tuyến tại địa bàn cư. Từ các giải pháp trên, 6 tháng đầu năm 2023, số hồ sơ phát sinh trực tuyến của quận đạt 68%, trong đó tỷ lệ hồ sơ trực tuyến cấp quận đạt 53% và cấp phường đạt 77% (chỉ tiêu đề ra của cấp quận và cấp phường là 46%).

Trong 6 tháng đầu năm 2023, thành phố cũng đã hoàn thành việc rà soát, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, quy trình điện tử để tổ chức kiểm thử, tích hợp 1.566 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt 84,33%. Trong đó, có 366 dịch vụ công trực tuyến một phần và 1.200 dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Có 14.774 giao dịch thanh toán trực tuyến thành công; trong đó có 2.655 giao dịch nộp thuế đất, đạt giá trị khoảng 14,6 tỉ đồng; 12.119 giao dịch phí/lệ phí, đạt hơn 1,4 tỉ đồng. Tỷ lệ TTHC có phát sinh giao dịch thanh toán trực tuyến đạt 50%. Hoạt động kiểm tra kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường; công tác cải cách thể chế, chế độ công vụ, tổ chức bộ máy được quan tâm thực hiện đúng quy định, góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại và hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

QUỐC THÁI

Nguồn: baocantho.com.vn