Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) của thành phố Cần Thơ năm 2018: Những điểm cần cải thiện
Ngày 02 tháng 4 năm 2019, Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNDP); Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES) thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA); Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp tổ chức hội nghị công bố Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) cấp tỉnh năm 2018.
Theo kết quả công bố, thành phố Cần Thơ đạt 46,06/80 điểm nằm trong nhóm 16 tỉnh, thành phố có điểm số cao nhất cả nước, xếp thứ 08/63 tỉnh, thành phố, xếp thứ 2 khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (sau tỉnh Bến Tre), tăng 01 bậc so với năm 2017.
Tuy vị trí của Cần Thơ tăng 1 bậc so với năm 2017, nhưng chỉ duy nhất một chỉ số: Thủ tục hành chính là tăng điểm, còn lại 5 chỉ số giảm điểm và 02 chỉ số mới thực hiện khảo sát trong năm 2018 nên chưa có dữ liệu so sánh, đánh giá. Điều đó cho thấy sự tăng trưởng về thứ hạng này chưa thể phản ánh hết được hiệu quả quản trị của chính quyền các cấp trong thời gian qua.
Trong 28 chỉ số nội dung thành phần thuộc 08 chỉ số nội dung của Chỉ số PAPI năm 2018, có 7 chỉ số nội dung thành phần tăng điểm, 13 chỉ số nội dung thành phần giảm điểm so với năm 2017, 3 chỉ số nội dung thành phần thay đổi và 8 chỉ số nội dung thành phần mới đưa vào khảo sát trong năm 2018. Cho thấy tính bền vững của chỉ số chưa cao, cần sự quyết liệt trong chỉ đạo và thực hiện ở chính quyền các cấp, đặc biệt là chính quyền cấp cơ sở.
Một số điểm sáng của thành phố trong việc cải thiện chỉ số PAPI của năm 2018 đến từ lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính và cải thiện dịch vụ y tế công lập. Trong khi đó, Công khai minh bạch, phòng chống tham nhũng tiếp tục là những điểm trừ cần phải quyết liệt hơn nửa trong thời gian tới, để tạo được sự tin tưởng ngày càng cao trong nhân dân nếu Cần Thơ muốn duy trì được được vị trí và điểm số như hiện tại.
Chỉ số nội dung “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở” đạt 5,03 điểm (giảm 0,53 điểm so với năm 2017). Cả 04 chỉ số thành phần đều giảm điểm, trong đó giảm nhiều nhất là chỉ số Cơ hội tham gia của người dân ở cơ sở với mức giảm 0,29 điểm.
Chỉ 36,26% tỷ lệ người được hỏi cho rằng mình có cơ hội tham gia vào các tổ chức chính trị, chính trị-xã hội, đoàn thể ở địa phương; Trong khi đó, tỷ lệ người trả lời cho biết Ban Thanh tra nhân dân hoặc Ban giám sát đầu tư cộng đồng giám sát việc xây mới/tu sửa công trình chỉ là 30,39% và cũng chỉ có 27,32% tỷ lệ người trả lời cho biết có tham gia đóng góp ý kiến trong quá trình thiết kế để xây mới/tu sửa công trình. Điều này, cho thấy sự tin tưởng của người dân vào hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân hoặc Ban Giám sát đầu tư cộng đồng vẫn chưa cao, chính quyền cơ sở cần phải có những hoạt động thiết thực hơn nữa để nâng cao chất lượng hoạt động của các các Ban này để tạo được sự tin tưởng nơi người dân.
Chỉ số nội dung “Công khai, minh bạch” đạt 5,53 điểm (giảm 0,59 điểm so với năm 2017). Cả ba chỉ số nội dung đều giảm điểm so với năm 2017 với mức giảm cao nhất là 0,69 điểm.
Chỉ số này cho thấy thành phố cần phải chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để tăng cường công khai, minh bạch xét từ điểm số trung bình các tiêu chí. Mức giảm dao động từ 0,3 điểm đến gần 0,7 điểm một số điểm khá lớn trên thang đo 5 điểm. Công khai danh sách hộ nghèo tiếp tục được người dân đánh giá đạt tỷ lệ thấp, có đến 26,38% số người được hỏi cho rằng có những hộ thực tế không nghèo nhưng lại được đưa vào danh sách hộ nghèo và gần 40% số người được hỏi không biết đến danh sách niêm yết hộ nghèo của địa phương.
Công khai, minh bạch trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giá bồi thường thu hồi đất tiếp tục là một trong những chỉ số nội dung người dân đánh giá thấp, chỉ 4,6% người trả lời cho biết họ có dịp góp ý kiến cho quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương và 23,64% người trả lời được biết về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hiện nay của địa phương.
Chỉ số nội dung “Trách nhiệm giải trình với người dân” đạt 4,81 điểm (giảm 0,23 điểm so với năm 2017).
Đây là chỉ số có sự thay đổi lớn về tiêu chí đánh giá, có 2 chỉ số nội dung đã được thay đổi và chỉ còn 1 chỉ số nội dung của năm 2017 được giữ nguyên.
Theo đó, chỉ có 7,27 % tỷ lệ người trả lời cho biết họ đã liên hệ cán bộ HĐND xã/phường để giải quyết khúc mắc và 18,39% tỷ lệ người trả lời cho biết họ đã liên hệ cán bộ đoàn thể để giải quyết khúc mắc. Cho thấy sự tin tưởng của người dân vào chính quyền là chưa cao, đặc biệt là sự tin tưởng vào chính những người mình đã bỏ lá phiếu bầu trước đó. Do đó, Chính quyền cơ sở cần phải có đánh giá toàn diện về phương thức hoạt động và cách tiếp cận của đại biểu hội đồng với người dân để tạo không phụ lòng những người đã tin tươgr giao cho mình trọng trách giám sát.
Chỉ số nội dung “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” đạt 6,98 điểm (giảm 0,18 điểm so với năm 2017).
Đây tiếp tục là chỉ số có cả 03 chỉ số nội dung thành phần đều giảm điểm.
Chỉ 39,87% tỷ lệ người trả lời cho biết người dân KHÔNG phải chi thêm tiền khi làm thủ tục hành chính ở Ủy ban Nhân dân cấp xã. Điều này đồng nhĩa với việc có gần 60% số người đã phải chi thêm tiền để giải quyết thủ tục hành chính. Một con số rất đáng quan ngại và cần phải kiểm chứng tính thực tế. Tuy nhiên chỉ có 30,36% tỷ lệ người bị vòi vĩnh đã tố cáo hành vi đòi hối lộ của công chức địa phương.
Có một tín hiệu đáng mừng là tỉ lệ người trả lời cho biết người dân KHÔNG phải chi thêm tiền để nhận được giấy phép xây dựng giảm mạnh so với năm 2017 từ 72,84% xuống 65,63%.
Chỉ số nội dung “Thủ tục hành chính công” đạt 7,56 điểm (tăng 0,61 điểm so với năm 2017)
Đây là chỉ số có cả 04 chỉ số nội dung thành phần tăng điểm so với năm 2017 và là chỉ số nội dung duy nhất tăng điểm.
Chỉ duy nhất tỷ lệ người đi làm thủ tục cho biết không phải đi qua nhiều ‘cửa’ để làm thủ tục xin cấp phép xây dựng giảm (từ 90,59% xuống 83,32% ) còn lại các tiêu chí khác đều tăng điểm, đặc biệt là mức độ hài lòng về dịch, cụ thể:
+ Mức độ hài lòng với dịch vụ thủ tục hành chính đã nhận được từ UBND xã/phường/thị trấn (tối đa 5 điểm) tăng từ 4,24 điểm lên 4,41 điểm;
+ Mức độ hài lòng với dịch vụ chứng thực, xác nhận đã làm (tối đa 5 điểm) tăng từ 4,32 điểm lên 4,42 điểm
+ Mức độ hài lòng với dịch vụ cấp giấy phép xây dựng đã nhận được (5 điểm) tăng từ 4,26 điểm lên 4,52 điểm
6. Chỉ số nội dung “Cung ứng dịch vụ công” đạt 7,04 điểm (giảm 0,44 điểm so với năm 2017)
Có 02 chỉ số thành phần tăng điểm là Y tế công lập và Cơ sở hạ tầng căn bản, 02 chỉ số thành phần giảm điểm là Giáo dục tiểu học công lập và An ninh trật tự.
Tỷ lệ người trả lời cho biết hộ gia đình mình dùng nước máy là nguồn nước ăn uống chính tăng mạnh từ 85,91% lên 95,06%; bên cạnh đó điểm tổng đánh giá chất lượng bệnh viện tuyến huyện (tối đa 10 điểm) tăng từ 4,52 điểm lên 6,79 điểm
Điểm đánh giá tổng chất lượng trường tiểu học tại địa bàn xã, phường, thị trấn (điểm tối đa là 10 điểm) giảm từ 5,81 xuống còn 5,03 điểm, đặc biệt là tiêu chí mức độ thường xuyên của dịch vụ gom rác thải của chính quyền địa phương (điểm tối đa là 4 điểm) giảm từ 3,17 xuống 2,33 điểm
Chỉ số nội dung “Quản trị môi trường” đạt 5,83/10 điểm
Đây là chỉ số nội dung mới so với năm 2017. Điểm trung bình toàn quốc của chỉ số này là 4,58/10 điểm. Thành phố Cần Thơ xếp thứ 3/63 tỉnh thành phố là chỉ số có xếp hạng cao nhất trong 8 chỉ số.
Chỉ số nội dung “Quản trị điện tử” đạt 2,91/10 điểm
Đây là chỉ số nội dung mới so với năm 2017. Điểm trung bình toàn quốc của chỉ số này là 3,05/10 điểm. Thành phố Cần Thơ xếp thứ 41/63 tỉnh thành phố cùng với chỉ số tham gia của người dân ở cơ sở, trách nhiệm giải trình của người dân có thứ hạng trên 40.
Trung Hậu – Phòng CCHC, XDCQ&CTTN