Thực hiện Công văn số 883/BTP-QLXLVPHC&TDTHPL ngày 13 tháng 02 năm 2020 của Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn triển khai các hoạt động nhằm nâng xếp hạng Chỉ số B1 năm 2020, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ vừa ban hành văn bản chỉ đạo Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan ban, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện và đề nghị Thủ trưởng cơ quan Trung ương được tổ thức theo ngành dọc trên địa bàn thành phố thực hiện một số nhiệm vụ, công việc sau:
Tổ chức triển khai đầy đủ kịp thời, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thuộc chức năng, thẩm quyền theo nội dung hướng dẫn ban hành kèm theo Công văn số 1083/BTP-QLXLVPHC&TDTHPL ngày 29 tháng 3 năm 2019 của Bộ Tư pháp.
Nghiên cứu, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền hoàn thiện các quy định pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu hoặc chưa phù hợp với mục tiêu giảm chi phí tuân thủ pháp luật, chưa đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khả thi.
Bố trí nguồn lực về biên chế, kinh phí phù hợp để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật Việt Nam năm 2020; chú trọng kiện toàn đội ngũ công chức phụ trách công tác pháp chế để thực hiện tốt công tác tham mưu cho Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện các giải pháp cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật.
Tăng cường công tác tập huấn nghiệp vụ pháp luật, đặc biệt là kỹ năng, nghiệp vụ rà soát, đánh giá các quy định về điều kiện kinh doanh để cắt giảm các khoản chi phí tuân thủ pháp luật không hợp lý, không khả thi hoặc có mâu thuẫn, chồng chéo.
Tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông về tổ chức các hoạt động nhằm triển khai các giải pháp giảm thiểu chi phí tuân thủ pháp luật đối với doanh nghiệp, người dân; chủ trương thông tin trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị để cán bộ, công chức thực thi công vụ, cộng đồng doanh nghiệp và người dân hiểu rõ, hưởng ứng, phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp đề ra.
Đồng thời, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố giao Giám đốc Sở Tài chính rà soát, đánh giá toàn bộ các quy định về phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân thành phố; tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố đề xuất Hội đồng nhân dân thành phố phương án giảm phí, lệ phí phù hợp với quy định pháp luật; Giao Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, đánh giá các hoạt động liên quan đến chi phí tuân thủ pháp luật mà các doanh nghiệp đã, đang và sẽ tiếp tục, gặp phải trong quá trình thực hiện; qua đó, tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định không rõ ràng, không khả thi, cản trở điều kiện đầu tư, kinh doanh, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp. Đặc biệt, chú trọng đến việc bãi bỏ các quy định tạo ra chi phí tuân thủ pháp luật về gia nhập thị trường, về xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh theo Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ.
Chi phí tuân thủ pháp luật là các chi phí mà doanh nghiệp, người dân phải gánh chịu trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật. Chi phí tuân thủ pháp luật bao gồm: chi phí hành chính; chi phí đầu tư để tuân thủ quy định; phí, lệ phí; chi phí rủi ro pháp lý (nếu có); chi phí không chính thức. Chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật (gọi tắt là Chỉ số B1) là một trong những chỉ số nằm trong mục Quản trị theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới (World Economic Forum- WEF) được thể hiện thông qua chỉ số: "Burden of goverment regulation". Năm 2018, theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) xếp hạng môi trường kinh doanh, năng lực kinh doanh của Việt Nam trung bình khá trên bình diện quốc tế (xếp hạng 69/160 về môi trường kinh doanh, thứ hạng 77/140 về năng lực cạnh tranh). Riêng Chỉ số B1 của Việt Nam tương đối thấp, đứng thứ 96/140 nước). |
Việt Uyên
Sở Nội vụ Cần Thơ