Cần Thơ: tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị định số 130/2005/NĐ-CP của Chính phủ

Cần Thơ: tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị định số 130/2005/NĐ-CP của Chính phủ

Thành phố Cần Thơ hiện có 288 đơn vị thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2005 của Chính phủ và Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2005 của Chính phủ. Trong đó, có 42 đơn vị hành chính và 05 đơn vị đoàn thể cấp thành phố.

Tất cả các đơn vị đều xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ và Quy chế quản lý tài sản công. Chế độ chi được thực hiện theo đúng quy định, tạo quyền chủ động trong việc quản lý và chi tiêu tài chính, việc trích lập các quỹ được thực hiện theo quy định. Hầu hết cán bộ, công chức, viên chức và người lao động luôn cố gắng phấn đấu tiết kiệm chi, thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong thực hiện nhiệm vụ được giao để có nguồn thu nhập tăng thêm nhằm giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.

Các cơ quan hành chính của thành phố Cần Thơ thực hiện cơ chế tự chủ được chủ động hơn, thực hiện đúng quy định hiện hành trong quản lý nguồn thu và chi tiêu tài chính, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các đơn vị nhận thức rõ tác động tích cực, thiết thực và những hạn chế phát sinh của các nghị định; công khai bàn bạc dân chủ, cụ thể hóa trong từng đơn vị nhằm thực hiện tốt hơn. Các nghị định đã tạo sự thống nhất trong chỉ đạo, điều hành đối với công cuộc cải cách hành chính của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ động trong việc sử dụng biên chế, tài sản và kinh phí nhà nước giao một cách hợp lý, đảm bảo yêu cầu hoạt động của đơn vị.

Từ việc xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ khoa học, phù hợp với tình hình thực tiễn của đơn vị, các cơ quan, đơn vị thực sự quan tâm đến thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Đa số đơn vị lấy mức độ hoàn thành nhiệm vụ làm cơ sở chi tăng thu nhập, từ đó có chuyển biến rõ nét về chất lượng và hiệu quả công việc, tăng cường công tác quản lý trong nội bộ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nâng cao trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, tăng cường sự giám sát của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong việc sử dụng biên chế và kinh phí.

Việc thực hiện cơ chế tự chủ thuận lợi, đảm bảo chi đúng nội dung, định mức trong Quy chế, thực hiện đúng nguyên tắc công khai kết quả tài chính, tiết kiệm, chống lãng phí trong nhiệm vụ được giao. Các đơn vị chủ động trong việc rà soát, sắp xếp bộ máy hoạt động của đơn vị mình tinh gọn, tiết kiệm chi phí. Theo số liệu thống kê năm 2017, tất cả các cơ quan, đơn vị đều có chi tăng thu nhập, hệ số tăng thu nhập dưới 0.3 lần. Đơn vị có người có thu nhập tăng thêm cao nhất là 3.416.000 đồng/người/tháng; đơn vị có người có thu nhập tăng thêm thấp nhất là 73.000 đồng/tháng.

Để đạt được kết quả nêu trên, các cơ quan, đơn vị đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp thực hành tiết kiệm và tăng thu. Cụ thể, các đơn vị chấp hành tốt những nội dung dự toán được duyệt, khai thác tốt các nguồn thu, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính gắn với nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đồng thời, chi đúng các khoản chi theo quy định nên đã tiết kiệm kinh phí chi thường xuyên. Thực hiện nghiêm giờ giấc hành chính theo đúng quy định; không sử dụng điện thoại công vào việc riêng, khi làm việc bằng điện thoại phải có nội dung cụ thể và ngắn gọn để tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, có đơn vị tiến hành khoán kinh phí sử dụng điện thoại tới từng phòng chuyên môn. Sử dụng điện, nước trên tinh thần tiết kiệm, khi hết giờ làm việc tắt toàn bộ các hệ thống sử dụng điện trong phòng làm việc, sử dụng máy lạnh ở nhiệt độ vừa phải. Thực hành tiết kiệm trong mua sắm, sữa chữa trang thiết bị làm việc, nhiên liệu trong việc sử dụng xe ô tô. Nâng cao năng lực sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính, tăng cường thực hiện chủ trương văn bản điện tử, giảm bớt văn bản giấy; sử dụng thư điện tử trong trao đổi công việc; hạn chế tối đa số lượng văn bản in hỏng trên máy tính, văn bản phát hành và số lượng phát hành. Nâng cao chất lượng các cuộc họp quan trọng, giảm các cuộc hội, họp không cần thiết. Tổ chức họp sơ kết, tổng kết bằng hình thức họp trực tuyến nhằm tiết kiệm chi phí đi lại. Thực hiện cơ chế một cửa trong công tác, tạo môi trường thuận lợi, nhanh chóng, chính xác cho khách hàng.

Mặc dù, Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2005 của Chính phủ và Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ đã tạo điều kiện thông thoáng cho đơn vị chủ động nguồn kinh phí để thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập trong quá trình thực hiện. Đó là, chế độ chính sách thường xuyên thay đổi, giá cả thường xuyên biến động nên việc tiết kiệm theo kế hoạch đề ra chưa ổn định. Một số khoản chi thường xuyên phát sinh nhưng do chưa được quy định cụ thể trong Quy chế chi tiêu nội bộ nên thực hiện theo quyết định của Thủ trưởng đơn vị, dẫn tới hạn chế về tính công khai, dân chủ trong quản lý tài chính. Đồng thời, vẫn còn hạn chế trong việc chi trả thu nhập theo mức độ hoàn thành công việc. Có đơn vị chưa xây dựng tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao như: khối lượng công việc hoàn thành trong năm, chất lượng công việc hoàn thành… nên việc chi trả thu nhập tăng thêm trong năm được tính theo hệ số chức vụ cấp bậc công tác./.

Việt Uyên - Sở Nội vụ Cần Thơ