Cần Thơ tập trung chuyển đổi số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Tại hội nghị tổng kết hoạt động năm 2023 mới đây, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và chuyển đổi số (CÐS) TP Cần Thơ nhận định, CÐS của thành phố trong năm qua đã đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Lãnh đạo UBND TP Cần Thơ yêu cầu năm 2024 các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh CÐS; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới, giúp tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng mới góp phần phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường phát biểu chỉ đạo đẩy mạnh CĐS trong năm 2024.

Nhiều chuyển biến tích cực

Năm 2023 là năm thứ 3 Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá Chỉ số CÐS (DTI) của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, kết quả TP Cần Thơ lần đầu tiên lọt vào tốp 5/63 tỉnh, thành và tăng 10 bậc so với năm trước… Thực hiện Kế hoạch số 38/KH-UBND về CÐS năm 2023 trên địa bàn thành phố, trong 26 chỉ tiêu của kế hoạch có 11 chỉ tiêu hoàn thành trên 100%, 10 chỉ tiêu hoàn thành 100%, 4 chỉ tiêu chưa hoàn thành (1 chỉ tiêu đạt 75%, 3 chỉ tiêu đạt 50%), 1 chỉ tiêu chưa xác định; trong 107 nhiệm vụ có 70 nhiệm vụ hoàn thành, 34 nhiệm vụ đang thực hiện, 2 nhiệm vụ chưa thực hiện, 1 nhiệm vụ hoãn.

Năm qua, công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra việc triển khai CÐS trong cơ quan nhà nước gắn kết chặt chẽ với công tác cải cách hành chính; tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập tại tất cả các ấp, khu vực trên toàn địa bàn thành phố. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức CÐS được các ngành, địa phương quan tâm thực hiện qua nhiều hình thức, phương tiện khác nhau như qua phương tiện truyền thông đại chúng, cổng và trang thông tin điện tử, mạng xã hội. Các hệ thống dùng chung như hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đến cấp xã; hệ thống quản lý văn bản và điều hành thành phố phục vụ việc gửi nhận văn bản điện tử liên thông 4 cấp; hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; Tổng đài 1022 tiếp nhận xử lý phản ánh kiến nghị của người dân… Nỗ lực này bước đầu góp phần nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo; đồng thời tiết kiệm thời gian, chi phí, tăng công khai, minh bạch trong hoạt động cơ quan nhà nước.

Một số cơ quan, địa phương làm tốt CÐS như Sở Nội vụ đã hoàn thành triển khai hệ thống quản lý cán bộ, công chức và viên chức và đang trong giai đoạn đồng bộ dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức lên cơ sở dữ liệu quốc gia; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã hoàn thành cơ sở dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội chuẩn hóa dữ liệu đối tượng hưởng trợ cấp xã hội tỷ lệ 100%; Sở Thông tin và Truyền thông đã hoàn thành triển khai trợ lý ảo cho hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thành triển khai hệ thống cổng du lịch thông minh... Quận Bình Thủy, huyện Phong Ðiền và huyện Vĩnh Thạnh đã triển khai thử nghiệm Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tại UBND quận, huyện; quận Ô Môn đã hoàn thành triển khai áp dụng mô hình giáo dục STEM/STEAM cho 25/25 cơ sở giáo dục các cấp từ tiểu học đến trung học phổ thông…

Về phát triển hạ tầng số, hạ tầng viễn thông trên địa bàn thành phố đã được chú trọng đầu tư, phát triển. Ðến nay, thành phố có trên 80% hộ gia đình có kết nối mạng cáp quang, thí điểm mạng di động 5G, đã hoàn thành mạng băng rộng đến 100% xã, phường, các trường học, cơ sở y tế. Hạ tầng IoT được đầu tư một số thiết bị giám sát chất lượng không khí và chất lượng nước mặt, đồng thời cho phép xây dựng các mô hình cảnh báo về chất lượng môi trường với độ chính xác cao. Mạng truyền số liệu chuyên dùng TP Cần Thơ đã triển khai đến 100% xã, phường, thị trấn, các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội thuộc thành phố. Trung tâm dữ liệu thành phố hiện được triển khai phục vụ CÐS theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây.

Tiếp tục đẩy mạnh CĐS

Ông Huỳnh Hoàng Mến, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ, cho rằng: Năm qua, công tác CÐS của thành phố có nhiều chuyển biến tích cực, trong đó có sự đóng góp của các ngành, các địa phương. Thời gian qua, với nhiều hình thức tuyên truyền công tác CÐS khác nhau đã đem lại hiệu quả, một trong số đó là tương tác qua các kênh mạng xã hội.

Xuất phát từ nhiệm vụ đối với công tác quản lý ngành và công tác CÐS, Sở Giáo dục và Ðào tạo TP Cần Thơ đã triển khai Trung tâm điều hành giáo dục thông minh (IOC). Việc triển khai xây dựng Trung tâm IOC đánh dấu việc đặt nền móng vững chắc cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Giáo dục trên địa bàn thành phố. Trung tâm ra đời nhằm trực quan hóa (cung cấp các biểu đồ số liệu, chức năng tra cứu hồ sơ trường học, nhân sự, học sinh, kết quả học tập, thông tin kiểm định chất lượng giáo dục); thống kê báo cáo (cung cấp các báo cáo thống kê số liệu các cấp); lịch công tác; đồng bộ dữ liệu giáo dục: quản lý và đồng bộ tự động dữ liệu từ cơ sở dữ liệu ngành sang Trung tâm; quản lý và đồng bộ tự động dữ liệu giáo dục của thành phố sang hệ thống cơ sở dữ liệu ngành của Bộ Giáo dục và Ðào tạo…

Ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo TP Cần Thơ, cho biết: Xác định được tầm quan trọng của việc xây dựng Trung tâm IOC, Sở Giáo dục và Ðào tạo đã phối hợp với VNPT Cần Thơ triển khai xây dựng; hệ thống phần mềm lõi vận hành đã được khảo sát, phân tích, thiết kế đáp ứng yêu cầu quản lý, chỉ đạo, điều hành của ngành, được VNPT Cần Thơ hỗ trợ về hạ tầng, cài đặt, vận hành và khai thác hệ thống trên Trung tâm tích hợp dữ liệu đạt tiêu chuẩn quy định… Thời gian tới, Sở Giáo dục và Ðào tạo TP Cần Thơ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành, tích hợp vào kho dữ liệu dùng chung của thành phố; phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông tích hợp Trung tâm IOC và Trung tâm Ðiều hành thành phố thông minh…

Theo báo cáo của UBND huyện Phong Ðiền, thời gian qua, huyện Phong Ðiền đã tập trung xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số trong hoạt động của cơ quan nhà nước, xem đây là nền tảng để xây dựng dịch vụ công trực tuyến; tập trung giải quyết các vấn đề thuộc từng lĩnh vực cụ thể; giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho cơ quan, đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện cũng như nhân rộng các mô hình hay về công tác cải cách hành chính và CÐS… Trung tâm Ðiều hành thông minh huyện hiện đã được tích hợp với các hệ thống trên nhiều lĩnh vực như các chỉ tiêu đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội; giám sát trực quan trên bản đồ số; chất lượng dịch vụ y tế; camera trí tuệ nhân tạo giám sát giao thông trực tiếp; quá trình thực hiện văn bản chỉ đạo điều hành và giải quyết dịch vụ hành chính công… Trong đó, có nhiều hệ sinh thái đang cung cấp dữ liệu thời gian thực như hệ thống chiếu sáng thông minh, tình hình thu ngân sách, giải ngân đầu tư công…; hiện trên địa bàn huyện có trên 500 camera đang vận hành, quản lý; mỗi xã một mô hình ấp thông minh nhằm góp phần hiệu quả cho công tác CÐS của huyện.

Tại hội nghị tổng kết hoạt động Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và CÐS TP Cần Thơ trong năm 2023, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh: Các thành viên Ban Chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh CÐS; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới, giúp tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng mới góp phần phát triển kinh tế - xã hội; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu Công nghệ thông tin tập trung Cần Thơ góp phần phát triển công nghiệp công nghệ thông tin thành phố, phát triển doanh nghiệp công nghệ số; triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa CÐS. Phát triển xã hội số, hỗ trợ người dân tiếp cận dịch vụ công... Tiếp tục triển khai CÐS trong một số ngành, lĩnh vực như tài chính - ngân hàng, thương mại, dịch vụ, y tế, giáo dục, giao thông vận tải, nông nghiệp, tài nguyên, môi trường, du lịch… Trong năm 2024, phấn đấu thuộc nhóm các tỉnh, thành phố thực hiện CÐS tốt (phấn đấu giữ vững Chỉ số CÐS (DTI) hạng 5/63 tỉnh, thành cả nước trở lên).

Bài, ảnh: ANH KHOA

Nguồn: baocantho.com.vn