Cần Thơ sẽ đưa thanh toán không dùng tiền mặt trong TMĐT đạt 50% vào cuối năm 2025
Đưa tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử (TM ĐT) đạt 50% vào cuối năm 2025 là 1 mục tiêu của kế hoạch phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2025.
Kế hoạch phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2025 mới được UBND thành phố ban hành, nhằm tổ chức triển khai hiệu quả các nội dung thuộc phạm vi, thẩm quyền, trách nhiệm của địa phương theo Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Đề án) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi tháng 10/2021.
Kế hoạch cũng cụ thể hóa các mục tiêu, giải pháp tại Đề án, đồng thời xác định nhiệm vụ và gắn trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện mục tiêu đã đề ra.
Tỷ lệ cá nhân, tổ chức trên địa bàn Cần Thơ sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40% vào cuối năm 2025. (Ảnh minh họa: Internet) |
UBND tỉnh Cần Thơ đặt mục tiêu tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt, thay đổi dần tập quán sử dụng tiền mặt trong hoạt động thanh toán đối với tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
Đồng thời, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cách mạng 4.0 để nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt...
Các chỉ tiêu cụ thể mà kế hoạch hướng tới hiện thực hóa vào cuối năm 2025 gồm có: Giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GRDP; Thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; Từ 80% người dân 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác; Tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân, tăng số lượng điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên trên 9.000 điểm.
Về mục tiêu tăng trưởng sử dụng phương tiện, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20 - 25%/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 50 - 80%/năm và giá trị giao dịch đạt 80 - 100%/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân số lượng và giá trị giao dịch qua kênh Internet đạt 35 - 40%/năm; tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%.
Đối với mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt với dịch vụ công, theo Kế hoạch, vào cuối năm 2025, từ 90% trở lên cơ sở giáo dục ở Cần Thơ chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; từ 90% trở lên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố triển khai thanh toán học phí trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia;
60% các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn Cần Thơ chấp nhận thanh toán dịch vụ y tế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; 60% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn thành phố được chi trả thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, UBND thành phố Cần Thơ đã xác định 6 nhóm giải pháp chủ yếu gồm: Giải pháp về cơ chế, chính sách; Nâng cấp, phát triển hạ tầng các hệ thống thanh toán hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả; Phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, ứng dụng thành tựu của cách mạng 4.0;
Đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực dịch vụ hành chính công; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán; Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng trong thanh toán không dùng tiền mặt.
Trước đó, tại hướng dẫn một số nhiệm vụ quan trọng trong thúc đẩy chuyển đổi số năm 2022, Bộ TT&TT cũng đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai 22 nhiệm vụ, giải pháp vừa mang tính trung hạn, vừa mang tính ưu tiên triển khai năm nay, trong đó có việc ban hành kế hoạch hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế tại địa phương.
Các chỉ tiêu cần được bộ, ngành, địa phương chú trọng gồm có: Số trường học, cơ sở giáo dục thực hiện chuyển đổi số, áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt; Tỷ lệ số tiền thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục; Số bệnh viện, cơ sở y tế thực hiện chuyển đổi số, áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt; Tỷ lệ số tiền thanh toán không dùng tiền mặt trong các bệnh viện, cơ sở y tế.
Vân Anh
Nguồn: itcnews.vietnamnet.vn