Cần Thơ: ban hành kế hoạch đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính, cung ứng dịch vụ sự nghiệp công và nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập
Thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và Chương trình số 28-CTr/TU ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành Kế hoạch số 124/KH-UBND ngày 09 tháng 8 năm 2018 về việc đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính, cung ứng dịch vụ sự nghiệp công và nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập với mục đích là: nhằm giảm mạnh đầu mối các đơn vị sự nghiệp công lập, khắc phục tình trạng chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng nhiệm vụ, gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp; giảm chi và nâng cao hiệu quả chi ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập; phát triển thị trường dịch vụ sự nghiệp công và thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia vào cung ứng và phát triển dịch vụ sự nghiệp công.
Theo Kế hoạch, trong thời gian tới thành phố thực hiện bốn nội dung quan trọng, cụ thể là:
Thứ nhất, đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công
a) Đẩy mạnh xã hội hóa việc cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.
b) Đối với việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập sang mô hình tự chủ hoàn toàn về biên chế, chi đầu tư, chi thường xuyên: Xây dựng Đề án tự chủ tài chính các đơn vị sự nghiệp công lập đoạn 2018 - 2020 và những năm tiếp theo đảm bảo thực hiện đúng lộ trình đẩy mạnh về thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính theo Kế hoạch số 47/KH-UBND ngày 13/3/2018 của Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ và Chương trình số 28-CTr/TU ngày 29/12/2017 của Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và theo các văn bản quy định của ngành, lĩnh vực về thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính; thực hiện quản lý, kế toán theo mô hình doanh nghiệp. Các đơn vị được Nhà nước giao vốn, tài sản để thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, từng bước tính đủ chi phí đầu vào (kể cả khấu hao) để xác định giá dịch vụ. Các đơn vị đã bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên được quyền quyết định số lượng người làm việc, tiền lương theo kết quả hoạt động, được Nhà nước hỗ trợ về thuế, phí để tăng cường năng lực tài chính và khả năng tự cân đối.
c) Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các Sở ngành có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng Phương án cổ phần hóa, các thủ tục có liên quan để thực hiện cổ phần hóa đối với các đơn vị đã được phê duyệt.
d) Thực hiện cơ chế kết hợp công - tư về nhân lực và thương hiệu trong lĩnh vực y tế; xây dựng cơ chế hợp tác đầu tư giữa bệnh viện công và bệnh viện tư, giữa các bệnh viện công. Minh bạch hóa các hoạt động liên doanh, liên kết, hợp tác công - tư nhất là các đơn vị thuộc lĩnh vực Nhà nước cấp phép hoạt động; bảo toàn và phát triển vốn, tài sản nhà nước.
Thứ hai, nâng cao năng lực quản trị của đơn vị sự nghiệp công lập
a) Đổi mới phương thức quản lý, nâng cao năng lực quản trị đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công, đáp ứng yêu cầu của xã hội.
b) Nâng cao chất lượng quản trị tài chính, tài sản công của đơn vị; ban hành quy chế quản lý tài chính, tài sản công, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng bộ phận, cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu; thực hiện chế độ kiểm toán, giám sát, bảo đảm công khai, minh bạch hoạt động tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Thứ ba, hoàn thiện cơ chế tài chính
a) Xây dựng khung giá dịch vụ sự nghiệp công, từng bước tính đủ các chi phí đối với các loại dịch vụ cơ bản, thiết yếu (lấy ý kiến thẩm định của Sở Tài chính) để tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành; đồng thời cần gắn với chính sách hỗ trợ phù hợp cho người nghèo, đối tượng chính sách; đối với giá dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước thì giao quyền tự chủ cho các đơn vị cung ứng dịch vụ tự quyết định theo nguyên tắc bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy.
b) Xây dựng cơ chế tài chính phù hợp để huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công thuộc ngành, lĩnh vực quản lý, kể cả hình thức hợp tác công - tư, liên doanh, liên kết.
c) Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành các quy định, hướng dẫn đổi mới cơ chế phân bổ nguồn lực, quản lý, cấp phát ngân sách nhà nước, trong đó: ngân sách nhà nước bảo đảm đầu tư cho các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu (giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; y tế dự phòng, y tế cơ sở, khám, chữa các bệnh phong, lao, tâm thần; nghiên cứu khoa học cơ bản; văn hóa, nghệ thuật dân gian truyền thống, đào tạo huấn luyện vận động viên, huấn luyện viên thể thao quốc gia; bảo trợ xã hội và chăm sóc người có công,...). Ngân sách nhà nước chuyển từ hỗ trợ cho các đơn vị sự nghiệp công lập sang hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng người nghèo, đối tượng chính sách khi sử dụng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu; chuyển từ hỗ trợ theo cơ chế cấp phát bình quân sang cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công căn cứ vào chất lượng đầu ra hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công. Thực hiện cơ chế giao vốn, tài sản cho đơn vị sự nghiệp công lập.
Thứ tư, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước
a) Các sở, ban, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí đối với từng loại hình dịch vụ sự nghiệp công thuộc ngành quản lý; danh mục sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước; tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ và chất lượng dịch vụ của đơn vị theo ngành, lĩnh vực.
b) Thực hiện rà soát, hoàn thiện quy hoạch định hướng mạng lưới các đơn vị sự nghiệp gắn với phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, địa phương; chuyển từ quy hoạch theo đơn vị hành chính sang quy hoạch theo ngành, lĩnh vực, nhu cầu của xã hội và thị trường.
c) Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm tăng cường phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân quận, huyện về cơ chế đầu tư và chính sách tài chính chi cho lĩnh vực sự nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, tránh chồng chéo, lãng phí.
d) Thực hiện phân loại, xếp hạng các đơn vị sự nghiệp, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ và chất lượng dịch vụ của đơn vị theo ngành, lĩnh vực.
đ) Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, tài chính các cấp trong quản lý ngân sách nhà nước chi cho lĩnh vực sự nghiệp. Quy định rõ quyền hạn gắn với trách nhiệm người đứng đầu các sở ngành, đơn vị sự nghiệp và địa phương đặc biệt là người đứng đầu đơn vị sự nghiệp./.
Việt Uyên - Sở Nội vụ Cần Thơ