Cần Thơ ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số thành phố Cần Thơ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Căn cứ Nghị quyết số 59-NQ/TW, ngày 05 tháng 8 năm 2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 04 tháng 8 năm 2021 của Thành ủy Cần Thơ về chuyển đổi số thành phố Cần Thơ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số thành phố Cần Thơ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với những nội dung chủ yếu như sau:

Thành phố Cần Thơ phấn đấu thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố thực hiện chuyển đổi số tốt; tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý của bộ máy chính quyền, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

Mục tiêu cụ thể

a) Đến năm 2025:

- Về hoàn thiện Chính quyền điện tử và phát triển Chính quyền số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động:

+ 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ đạt tối thiểu 50%.

+ 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được cấp định danh và xác thực điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương.

+ Số hóa 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực, thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn thành phố đảm bảo việc kết nối, chia sẻ dữ liệu trong giải quyết thủ tục hành chính (viết tắt là TTHC) trên môi trường điện tử.

+ 80% các hệ thống thông tin của các sở, ngành, quận, huyện có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại Trung tâm dữ liệu của thành phố không phải cung cấp lại.

+ 90% hồ sơ công việc tại cấp thành phố; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được quản lý, xử lý và luân chuyển hoàn toàn trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật).

+ 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

+ 100% báo cáo định kỳ (không bao gồm nội dung mật) của các cơ quan hành chính nhà nước được cập nhật, chia sẻ trên hệ thống thông tin báo cáo của thành phố và kết nối với hệ thống thông tin báo cáo Quốc gia, phục vụ hiệu quả hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành.

+ Triển khai Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ đến Ủy ban nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân cấp huyện; 100% cuộc họp của Ủy ban nhân dân thành phố, 80% cuộc họp của Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện họp thông qua hệ thống này.

- Về phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh:

+ Kinh tế số chiếm 20% GRDP.

+ Năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%.

+ Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%.

- Về phát triển xã hội số:

+ Hạ tầng băng rộng cáp quang phủ trên 90% hộ gia đình, 100% xã, phường, thị trấn.

+ Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh.

+ Tỷ lệ người dân và doanh nghiệp có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%.

+ Mỗi người dân có danh tính số kèm theo QR code.

+ Mỗi người dân đều có hồ sơ số về sức khỏe cá nhân. Mỗi Trạm Y tế xã đều triển khai hoạt động quản lý Trạm Y tế xã trên môi trường số. Mỗi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đều triển khai tư vấn khám, chữa bệnh từ xa dựa trên nhu cầu thực tế. Mỗi bệnh viện, trung tâm y tế công đều triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, đơn thuốc điện tử. Công khai giá thuốc, giá trang thiết bị y tế, giá khám chữa bệnh.

+ Mỗi học sinh, sinh viên đều có hồ sơ số về việc học tập cá nhân. Mỗi cơ sở đào tạo đều triển khai hoạt động quản lý dạy và học trên môi trường số. Triển khai thanh toán học phí không dùng tiền mặt, học liệu số.

b) Đến năm 2030:

- Phát triển Chính quyền số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động:

+ 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ đạt tối thiểu 80%.

+ 100% hồ sơ công việc tại cấp thành phố, 90% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 80% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật).

+ Hình thành đầy đủ nền tảng dữ liệu của đô thị thông minh phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, dữ liệu được chia sẻ rộng khắp giữa các cơ quan nhà nước (trừ những dữ liệu thuộc phạm vi bí mật nhà nước). Giảm 30% thủ tục hành chính; mở dữ liệu cho các tổ chức, doanh nghiệp, tăng 30% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp.

+ 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

- Về phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh:

+ Kinh tế số chiếm 30% GRDP.

+ Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%.

+ Năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 8%.

- Về phát triển xã hội số:

+ Phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng, cáp quang trên địa bàn thành phố.

+ Phổ cập dịch vụ mạng di động 5G.

+ Tỷ lệ người dân và doanh nghiệp có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%.

UBND TP Cần Thơ giao Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan đầu mối phối hợp với các Sở, Ban ngành thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện và các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này; theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, tổng hợp tình hình triển khai các nhiệm vụ, chương trình, dự án của các ngành, địa phương. Phối hợp, tham gia ý kiến đối với các chương trình, dự án của Đề án do các ngành, địa phương chủ trì thực hiện. Chủ động nắm bắt, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc có khả năng ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ của Đề án và phối hợp với các ngành, địa phương tìm phương án giải quyết, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định.

Hoàng Nhân