Báo cáo Đề án “Khảo sát, đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) TP Cần Thơ” năm 2023, được Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ công bố vào trung tuần tháng 1-2024, cho thấy điểm số DDCI năm 2023 có tăng so với năm 2022 ở khối sở, ngành và quận, huyện. Kết quả nổi bật ở các chỉ số: hiệu quả thực hiện các văn bản pháp luật và thiết chế pháp lý, chất lượng dịch vụ công; sự chủ động hỗ trợ kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, điểm đáng quan ngại là chi phí không chính thức có điểm số thấp trong 12 chỉ số DDCI; còn tồn tại phân biệt đối xử trong tiếp cận nguồn lực của Nhà nước qua thực hiện chính sách hỗ trợ DN.
Các đại biểu góp ý tại hội nghị công bố Chỉ số DDCI thành phố năm 2023, để việc khảo sát DDCI trong năm 2024 được triển khai đảm bảo khách quan, khoa học và thuyết phục hơn.
Theo Ban chủ nhiệm Đề án, điểm số DDCI thành phố năm 2023 tăng đều cả 2 khối: sở, ngành và quận, huyện. Điểm trung bình cấp sở, ngành đạt 77,19 điểm (năm 2022 đạt 51,74 điểm); cấp quận, huyện đạt 69,54 điểm (năm 2022 đạt 54,97 điểm). Điều đó cho thấy, kết quả chỉ đạo, điều hành của thành phố trong xây dựng bộ máy năng động, thích nghi với nhiệm vụ phát triển trong bối cảnh kinh tế mới đã phần nào đạt được hiệu quả. Một số chỉ số nổi bật là các sở, ban, ngành đã thực hiện hiệu quả các văn bản pháp luật và thiết chế pháp lý; tính năng động và trách nhiệm giải trình được đánh giá cao; chất lượng dịch vụ công và bộ phận một cửa được đánh giá rất tốt. Các đơn vị còn chủ động hỗ trợ kinh doanh, hỗ trợ DN; công tác xây dựng chính quyền điện tử thực hiện khá tốt. Trong khi đó, ở các quận, huyện, các chỉ số thành phần: vai trò trung tâm vùng; tính năng động, tiên phong của lãnh đạo UBND cấp huyện đạt yêu cầu chung của DN (tỷ lệ không hài lòng chỉ dưới 5%). Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được thực hiện nghiêm túc, chất lượng dịch vụ công được nâng lên, hiệu quả thực hiện các văn bản pháp luật, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự được DN đánh giá cao về tính nghiêm túc triển khai.
Ông Lê Minh Triết, Phó Chủ tịch UBND quận Thốt Nốt, cho biết: “Năm 2022, Chỉ số DDCI của quận xếp thứ 5/9 quận, huyện, năm 2023, đã vươn lên đứng đầu bảng. Để đạt kết quả trên, quận tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân và DN. Trong đó, chú trọng chất lượng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đảm bảo thật sự thông thoáng, minh bạch, công bằng, thể hiện cụ thể một số chỉ số thành phần đạt điểm tối đa, như: tính năng động và tiên phong của lãnh đạo; khả năng tiếp cận đất đai; hiệu quả cải cách TTHC, chất lượng dịch vụ công và hiệu quả hoạt động của Bộ phận Một cửa quận”. Theo ông Triết, bài học kinh nghiệm là phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác kiểm soát TTHC; tăng cường đối thoại, lắng nghe ý kiến của người dân, DN để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, đồng thời đẩy nhanh phát triển chính quyền số...
Tuy nhiên, đối với cấp sở, ban, ngành, điểm đáng quan ngại là chi phí không chính thức có điểm số thấp trong 12 chỉ số DDCI; còn tồn tại phân biệt đối xử trong tiếp cận nguồn lực của Nhà nước qua thực hiện chính sách hỗ trợ DN; kết quả đào tạo lao động chưa tương xứng với vai trò quan trọng là trung tâm đào tạo nhân lực vùng ĐBSCL; DN còn phải đi lại nhiều lần để thực hiện TTHC, đặc biệt các lĩnh vực đầu tư xây dựng, thuế, đất đai. Đối với khối quận, huyện, chỉ số tính minh bạch thông tin và đối xử công bằng có điểm số thấp nhất. Theo đó, DN phản ánh khó khăn khi tiếp cận các quy định về thuế, ưu đãi liên quan đến thuế và các chương trình hỗ trợ sản xuất. Đặc biệt, DN phải đi lại nhiều lần để hoàn thiện hồ sơ gia nhập thị trường tại UBND cấp huyện, kể cả các trường hợp đã có được giấy hẹn.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ yêu cầu từ kết quả khảo sát của Đề án, các sở, ban, ngành đánh giá đúng thực trạng, xác định nguyên nhân hạn chế, từ đó đề ra giải pháp cải thiện điểm số các chỉ số thành phần có điểm đạt thấp; nâng cao chất lượng quản lý, điều hành, cải thiện môi trường đầu tư cho DN. Thành phố quyết tâm cải cách trong chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành các cấp và chính quyền địa phương, xây dựng “chính quyền kiến tạo” phục vụ DN, nhân dân trong quá trình thực thi công vụ. Chủ tịch UBND thành phố giao giám đốc sở, thủ trưởng ban, ngành và Chủ tịch UBND các quận, huyện phát huy vai trò người đứng đầu, trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về cải thiện Chỉ số DDCI của đơn vị trong năm 2024 để thực hiện mục tiêu đột phá về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách TTHC, giúp thành phố tăng tốc phát triển. Viện Kinh tế - Xã hội thành phố cũng cần tiếp thu ý kiến đóng góp của đại biểu, nghiên cứu, rà soát, xây dựng phương án thực hiện khảo sát đánh giá DDCI thành phố năm 2024 và những năm tiếp theo khách quan, đúng thực chất. Đồng thời, tổ chức khảo sát, học tập những mô hình điểm, cách làm tốt của các đơn vị, địa phương để tham mưu UBND thành phố nhằm cải thiện chỉ số, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Bộ công cụ DDCI là bộ chỉ số đánh giá chất lượng năng lực điều hành của các sở, ban, ngành và địa phương thuộc tỉnh/thành phố. Năm 2023 là năm thứ 2 thành phố thực hiện báo cáo Chỉ số DDCI, nhằm đánh giá khách quan năng lực điều hành của các sở, ban, ngành và quận, huyện trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến DN, hộ kinh doanh và hợp tác xã. Kết quả khảo sát là cơ sở để so sánh, đánh giá chất lượng phục vụ của các đơn vị trong giải quyết TTHC và triển khai các hoạt động liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn thành phố. |
Bài, ảnh: QUỐC THÁI