Cải thiện chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính

Báo cáo kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn TP Cần Thơ năm 2023 (chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính), do Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ thực hiện cho thấy, tuy chỉ số này đạt ở mức cao (93,02%), nhưng lại giảm so với 2 năm trước.

Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Cần Thơ đã thành lập Tổ hỗ trợ thực hiện TTHC, qua đó giúp người dân thực hiện hồ sơ nhanh chóng và thuận tiện hơn. Trong ảnh: Thành viên Tổ hỗ trợ thực hiện TTHC hướng dẫn người dân xác thực thông tin bằng nhận diện khuôn mặt qua thiết bị Smart Kiosk.

Có 5 nhóm chỉ số thành phần đo lường mức độ hài lòng chung của người dân, tổ chức, gồm: tiếp cận dịch vụ, thủ tục hành chính (TTHC), công chức trực tiếp giải quyết công việc, kết quả cung ứng dịch vụ hành chính công và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị. Kết quả khảo sát cho thấy, nhóm chỉ số thành phần về công chức trực tiếp giải quyết TTHC được người dân đánh giá cao nhất, trong khi nhóm chỉ số về kết quả giải quyết TTHC là thấp nhất. Ngoài ra, chỉ số tiếp cận dịch vụ ở mức thấp (có đến 3/4 chỉ tiêu dưới mức trung bình chung); chỉ số tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị cũng ở mức thấp hơn trung bình chung của thành phố.

Theo ông Nguyễn Khánh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ, có nhiều nguyên nhân, đơn cử như việc rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC còn chậm; trang thiết bị, cơ sở hạ tầng thông tin chưa đáp ứng nhu cầu của đơn vị trong giải quyết TTHC; hệ thống công nghệ thông tin của các cấp chưa được liên kết đồng bộ, hiệu quả; công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chưa chặt chẽ, thiếu tính chủ động; một số TTHC có thành phần hồ sơ khá phức tạp, thanh toán các khoản phí, lệ phí trực tuyến hiện nay vẫn còn bất cập; người dân còn tâm lý e ngại với việc nộp hồ sơ trực tuyến, có thói quen thực hiện TTHC trực tiếp…

Từ những khó khăn trên, ông Nguyễn Khánh Tùng khuyến nghị nhiều giải pháp nâng cao chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính. Cụ thể, cần nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ cho người dân, tổ chức, trong đó quan tâm đến 3 nội dung: cung cấp thông tin về việc giải quyết TTHC bằng nhiều hình thức, dễ tiếp cận, dễ hiểu; trụ sở cơ quan tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC cần có bộ nhận diện thương hiệu, hướng dẫn rõ ràng, dễ thấy; trang thiết bị cần đầy đủ, chất lượng tốt, mang đến nhiều tiện ích phục vụ người dân. Ðồng thời, tăng cường các hình thức hướng dẫn, hỗ trợ người dân, tổ chức nộp hồ sơ TTHC, đặc biệt là hình thức trực tuyến và khai thác ứng dụng định danh điện tử VNeID trong thực hiện TTHC. Các đơn vị, địa phương cần có giải pháp nâng cao năng lực của cán bộ, công chức, viên chức thông qua việc đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ, kỹ năng, đi đôi với việc nêu cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ của công chức, viên chức; tiếp tục cải thiện quy trình giải quyết TTHC theo hướng tiện lợi, đơn giản hơn; tăng cường các kênh tiếp nhận và xử lý kịp thời các phản ánh, khiếu nại của người dân, tổ chức.

Nhắc đến sự kiện Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Cần Thơ vừa vận hành (từ ngày 26-2), ông Tùng kiến nghị cần đẩy mạnh truyền thông qua mạng xã hội, xây dựng hình ảnh nhận diện trang web của đơn vị, cử công chức hỗ trợ người dân thực hiện TTHC trực tuyến, đồng thời xây dựng bản đồ cơ sở dữ liệu dùng chung về kinh tế - xã hội của các quận, huyện để tư vấn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp… Từ các giải pháp đồng bộ sẽ góp phần nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, dần cải thiện chỉ số cải cách hành chính của thành phố.

Q. THÁI

Nguồn: baocantho.com.vn