Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, việc thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp dịch vụ công (DVC) ở các bộ, ngành, địa phương có nhiều chuyển biến tích cực, bước đầu đã gắn kết với chuyển đổi số. Chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước được cải thiện. Tuy nhiên, công tác cải cách TTHC vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đòi hỏi các cấp, các ngành cần có giải pháp quyết liệt hơn nữa để khắc phục.
Tất cả 63 tỉnh, thành đã hoàn thành kết nối hệ thống trực tuyến giải quyết TTHC với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trong ảnh: Người dân thực hiện TTHC tại Bộ phận Một cửa UBND quận Cái Răng, TP Cần Thơ.
Tại phiên họp thứ hai của Tổ công tác cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ vào giữa tháng 10-2023, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC - Văn phòng Chính phủ đánh giá, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp đổi mới trong thực hiện TTHC, cung cấp DVC, bước đầu đạt được kết quả khả quan. Tính đến cuối tháng 9-2023, tỷ lệ hồ sơ được cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử tại các bộ, ngành đạt 24,48% (tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2022); tại các địa phương đạt 38,94% (tăng 25,8% so với cùng kỳ năm 2022). Tất cả 63 tỉnh, thành đã triển khai và cấp được hơn 3 triệu bản sao chứng thực điện tử. Việc chuyển từ hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử của cấp bộ đạt 81,39% (tăng 29,7% so với cùng kỳ năm 2022), địa phương đạt 70,24% (tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2022). Thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, có 15 bộ, ngành và 63 địa phương hoàn thành kết nối hệ thống trực tuyến giải quyết TTHC với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tổng cộng đã có 91,2 triệu thông tin nhân khẩu được làm sạch giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm xã hội và dân cư; 64,3 triệu hồ sơ cấp định danh điện tử, kích hoạt trên 42 triệu tài khoản.
Hệ thống dữ liệu số và DVC ngày càng hoàn thiện góp phần thúc đẩy quá trình cải cách TTHC nhanh chóng, hiệu quả hơn. Cổng DVC quốc gia đã kết nối, tích hợp với 150 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các cơ quan, đơn vị phục vụ xác thực định danh, đăng nhập một lần để giải quyết TTHC. Trong đó, đã công khai, đồng bộ thông tin 6.413 TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC với các Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh; tích hợp, cung cấp gần 4.500 DVC trực tuyến, chiếm hơn 70%; phục vụ xác thực, định danh và đăng nhập một lần của gần 10 triệu tài khoản, với trung bình mỗi ngày có 106.000 hồ sơ trực tuyến, 50.000 giao dịch thanh toán trực tuyến.
Tại TP Cần Thơ, các chỉ tiêu về cung cấp DVC trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia, kết quả xử lý hồ sơ giải quyết TTHC, tỷ lệ thanh toán trực tuyến đều hoàn thành và vượt chỉ tiêu Chính phủ giao trong năm 2023. Đến tháng 9-2023, tỷ lệ thanh toán trực tuyến đạt 36,79% (mục tiêu Chính phủ giao tối thiểu 30% trong tổng số hồ sơ có yêu cầu nghĩa vụ tài chính); tỷ lệ cung cấp DVC trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia của thành phố đạt 85% (mục tiêu Chính phủ giao tối thiểu 70%). Toàn bộ quy trình nội bộ đã được phê duyệt xây dựng quy trình điện tử giải quyết TTHC tại phần mềm của Hệ thống thông tin một cửa điện tử thành phố để áp dụng thống nhất tại địa phương. Thành phố cũng kiện toàn tổ chức Bộ phận Một cửa các cấp; bố trí trụ sở, trang thiết bị, với chủ trương ưu tiên chuyển đổi công năng, nâng cấp, cải tạo trụ sở Bộ phận Một cửa và thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố (hiện đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục để Trung tâm đi vào hoạt động), góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân.
Nhiều địa phương như Lâm Đồng, Đồng Tháp, Gia Lai, Bình Định đã chuyển giao một số công việc trong hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả TTHC cho doanh nghiệp bưu chính công ích thực hiện. Qua đó, góp phần tăng năng suất lao động, giảm nhân lực, tiết kiệm chi phí. Tỉnh Lâm Đồng giảm 40 nhân sự, bình quân cấp huyện giảm từ 4-5 công chức đối với mỗi Bộ phận Một cửa cấp huyện; tỉnh Đồng Tháp tiết kiệm ngân sách khoảng 250 triệu đồng/tháng cho Bộ phận Một cửa các cấp.
Tuy nhiên, công tác cải cách TTHC vẫn còn tồn tại một số vướng mắc, hạn chế. Đó là việc xử lý hồ sơ trực tuyến của một số cơ quan, đơn vị còn chậm trễ; công tác phối hợp trong xử lý hồ sơ giữa các cơ quan, đơn vị trong giải quyết TTHC, nhất là các nhóm TTHC, DVC liên thông còn yếu, chưa có quy trình nội bộ, xác định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm, thời hạn giải quyết của từng cơ quan, đơn vị. Chậm rà soát, sửa đổi các quy định TTHC tại các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành; chất lượng thực hiện TTHC, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đã được cải thiện nhưng chưa đáng kể; việc nâng cấp hệ thống trực tuyến giải quyết TTHC tại một số bộ, ngành, địa phương còn chậm; kỷ luật, kỷ cương hành chính của một số cơ quan, đơn vị chưa nghiêm.
Phát biểu tại Phiên họp thứ hai Tổ công tác cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ, ông Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ.yêu cầu từng cấp, từng ngành xác định rõ vai trò của người đứng đầu trong công tác cải cách TTHC; rà soát, sửa đổi các quy trình cũ, xây dựng quy trình mới để đảm bảo minh bạch, tạo thuận lợi hơn trong giải quyết TTHC; hoàn thành việc tích hợp, đồng bộ hệ thống thông tin, kết nối liên thông và chia sẻ; đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC theo đúng quy định của Chính phủ. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát; xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ, trách nhiệm, đạo đức công vụ; gắn nhiệm vụ cải cách hành chính vào kiểm điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức; lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nghiệp để kịp thời điều chỉnh chính sách cho phù hợp.
Bài, ảnh: QUỐC THÁI
Nguồn: baocantho.com.vn