Cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số

Ðó là ý kiến của nhiều chuyên gia, đại diện bộ, ngành và địa phương tại Phiên họp thứ nhất Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ trực tuyến với các địa phương vào cuối tuần qua. Bên cạnh việc rà soát, đơn giản hóa TTHC, thì thúc đẩy chuyển đổi số (CÐS) góp phần xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch và chuyên nghiệp, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Người dân thực hiện TTHC tại Bộ phận Một cửa UBND quận Cái Răng, TP Cần Thơ.

Theo Văn phòng Chính phủ, công tác cải cách TTHC ở các bộ, ngành và địa phương thời gian có nhiều chuyển biến tích cực. Ðối với cấp bộ, cơ quan ngang bộ, từ năm 2021 đến nay, đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 2.394 quy định kinh doanh tại 195 văn bản quy phạm pháp luật. Ðồng thời, công bố, công khai đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin về TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC; triển khai thực hiện có hiệu quả việc đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; tập trung nguồn lực đẩy nhanh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC.

Tại Phiên họp thứ nhất Tổ công tác cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ trực tuyến với các địa phương vừa qua, ông Ngô Hải Phan, Cục Kiểm soát TTHC - Văn phòng Chính phủ cho biết, đối với nhóm nhiệm vụ của bộ, ngành, phấn đấu từ nay đến cuối năm 2023, thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, TTHC, giấy tờ công dân đã được phê duyệt gồm 126 TTHC, nhóm TTHC của 16 bộ, cơ quan ngang bộ; 402 quy định kinh doanh, nhóm quy định kinh doanh của 9 bộ, cơ quan ngang bộ và 111 TTHC cần phân cấp thẩm quyền giải quyết của 17 bộ, cơ quan ngang bộ. Ðối với các địa phương, phấn đấu hoàn thành rà soát ít nhất 50% TTHC nội bộ thuộc phạm vi quản lý, đề xuất phương án đơn giản hóa tối thiểu 20% TTHC, cắt giảm 20% chi phí tuân thủ pháp luật. Hằng tháng, các địa phương công khai kết quả đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; công bố, công khai TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, thống kê TTHC được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: “Lãnh đạo thành phố rất quan tâm công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách TTHC, trọng tâm là chỉ đạo sắp xếp tổ chức Bộ phận Một cửa các cấp để giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp thuận lợi hơn”. TP Cần Thơ hiện có 111 Bộ phận Một cửa, với 709 cán bộ, công chức, viên chức làm việc; có 1.873 TTHC thuộc thẩm quyền xử lý. Cơ sở vật chất, trang thiết bị tại Bộ phận Một cửa các cấp cơ bản đáp ứng yêu cầu của tổ chức, cá nhân đến giao dịch; đội ngũ cán bộ được cử đến làm việc tại Bộ phận Một cửa đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định. Năm 2022 và 8 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công của thành phố lần lượt đạt 93,89% và 99,99%.

Tuy nhiên, theo ông Trần Việt Trường, cơ cấu tổ chức Bộ phận Một cửa hiện nay vẫn còn một số hạn chế: điều kiện cơ sở vật chất chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới (dịch vụ công trực tuyến, số hóa kết quả giải quyết TTHC, thanh toán trực tuyến). Ðiều kiện ngân sách còn hạn hẹp nên không thể cân đối bố trí kinh phí đầu tư trụ sở, mua sắm trang thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin cho tất cả Bộ phận Một cửa. Cũng có đơn vị số lượng phát sinh hồ sơ rất ít hoặc không phát sinh hồ sơ, nếu vẫn đầu tư cho Bộ phận Một cửa theo quy định sẽ lãng phí và không hiệu quả. Từ thực trạng đó, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 595/QÐ-UBND ngày 6-3-2023 thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Cần Thơ (hiện đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục để Trung tâm đi vào hoạt động).

Theo nhiều chuyên gia, công tác cải cách TTHC vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần được khắc phục. Tiến sĩ Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cho rằng trong thực hiện TTHC, cần có tính công bằng theo hướng cần có cơ chế trách nhiệm giữa cán bộ, công chức và doanh nghiệp, bên nào không thực hiện đúng phải chịu trách nhiệm. Các chuyên gia, đại diện hiệp hội cho rằng cải cách TTHC cần song hành nhiệm vụ CÐS, với sự hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết TTHC.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Tổ trưởng Tổ công tác cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ, cho biết, việc cải cách quy trình, thủ tục nội bộ sẽ góp phần nâng cao hiệu quả xử lý TTHC đối với người dân và doanh nghiệp, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; đồng thời, không thực hiện cắt giảm TTHC một cách máy móc, mà phải đáp ứng 2 yêu cầu vừa bảo đảm thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, vừa tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chú trọng đẩy mạnh phân cấp giải quyết TTHC; tăng cường nỗ lực CÐS để công khai minh bạch quy trình, thủ tục và kết quả giải quyết TTHC...

Bài, ảnh: TÚ ANH

Nguồn: baocantho.com.vn