Cải cách hành chính ở các quận, huyện chuyển biến tích cực

Công tác cải cách hành chính (CCHC) ở các quận, huyện trên địa bàn TP Cần Thơ thời gian qua có sự chuyển biến rõ nét. Theo đánh giá của Hội đồng Thẩm định chỉ số CCHC thành phố, năm 2023, chỉ số CCHC của 9 quận, huyện đều đạt từ 90% trở lên và không có đơn vị nào xếp loại khá. Ðiều này cho thấy lãnh đạo các địa phương có sự quan tâm, chỉ đạo trong công tác CCHC; đồng thời tích cực nghiên cứu, đánh giá và áp dụng, nhân rộng mô hình, sáng kiến hay về CCHC.

Sở Nội vụ TP Cần Thơ phối hợp UBND huyện Phong Điền tổ chức tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm về công tác CCHC, góp phần giúp các địa phương khắc phục những tồn tại, hạn chế, cải thiện chỉ số CCHC.

Theo ông Nguyễn Thành Út, Chủ tịch UBND huyện Thới Lai, để công tác CCHC đạt hiệu quả, thực chất, thì vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị rất quan trọng. Từ nhận thức đó, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các chỉ tiêu, nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực về CCHC, trong đó xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. UBND huyện đã chỉ đạo, triển khai nhiều mô hình cải cách thủ tục hành chính (TTHC), chế độ công vụ nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Nổi bật là niêm yết công khai, minh bạch, đầy đủ, kịp thời các TTHC, các loại phí, chính sách về ưu đãi, thu hút đầu tư... tại Bộ phận Một cửa UBND các cấp và Trang thông tin điện tử của huyện. UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC (từ 1-7 ngày) các lĩnh vực thiết thân với cuộc sống người dân như: Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Ðăng ký kinh doanh, Lao động - Thương binh và Xã hội…

“Hằng năm, UBND huyện tổ chức 2-3 cuộc đối thoại với người dân, doanh nghiệp về cải cách TTHC, đồng thời, thường xuyên họp mặt doanh nghiệp; tổ chức hội thảo, tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp về các thủ tục đăng ký thương hiệu, giới thiệu và trưng bày sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, sản phẩm OCOP. Qua đó, giúp UBND huyện nắm bắt thực tiễn và chỉ đạo xử lý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp. Năm 2023, chỉ số CCHC của huyện xếp thứ 3/9 quận, huyện và đứng đầu bảng xếp hạng chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước” - ông Nguyễn Thành Út cho biết.

Theo Hội đồng Thẩm định chỉ số CCHC thành phố, năm 2023, các quận, huyện thực hiện tốt việc ban hành kế hoạch triển khai công tác CCHC; tổ chức kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất việc thực hiện CCHC. Ðồng thời, triển khai và nhân rộng nhiều mô hình tuyên truyền về CCHC, như: “Ngày thứ 2 không hẹn”, “Ngày thứ 6 trực tuyến” (huyện Cờ Ðỏ); “Ngày thứ 3 không viết”, "Ngày thứ 6 không hẹn” (huyện Vĩnh Thạnh); xây dựng Trung tâm điều hành thông minh gắn với chuyển đổi số (huyện Phong Ðiền).

Huyện Phong Ðiền có sự cải thiện đáng kể về chỉ số CCHC khi năm 2023, dẫn đầu bảng xếp hạng khối quận, huyện, tăng 6 bậc so với năm 2022. Theo UBND huyện Phong Ðiền, địa phương chú trọng việc xây dựng và phát triển chính quyền điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước, với phương châm xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, công khai và minh bạch. UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn cấp huyện và các xã, thị trấn phối hợp VNPT Cần Thơ triển khai sử dụng phần mềm thanh toán trực tuyến trong quá trình tiếp nhận và giải quyết hồ sơ của người dân tại Bộ phận Một cửa cấp huyện và cấp xã. Tính đến thời điểm cuối tháng 2-2024, tỷ lệ thanh toán trực tuyến của huyện đạt trên 47%, tăng hơn 25% so với cùng kỳ. UBND huyện đã thành lập 1 nhóm Zalo điều hành chung, 7 nhóm Zalo của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số cấp xã và tất cả 75 ấp đều đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng, với 146 nhóm Zalo, thu hút 11.244 thành viên tham gia. Ðây là kênh hữu ích phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về các lĩnh vực, hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến và các nền tảng số đến người dân.

Bên cạnh kết quả đạt được, tình trạng trễ hẹn trong giải quyết TTHC vẫn còn diễn ra; một số nơi chưa thực hiện toàn bộ quy trình tiếp nhận và giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả) tại Bộ phận Một cửa. Công tác xây dựng và phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số còn một số hạn chế: tỷ lệ văn bản đi gửi các cơ quan hành chính nhà nước được phát hành dưới dạng điện tử còn thấp, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình không cao, ít phát sinh giao dịch thanh toán trực tuyến. Việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trong tiếp nhận và giải quyết TTHC tại Bộ phận Một cửa chưa đạt 100% theo yêu cầu.

Theo Hội đồng Thẩm định chỉ số CCHC thành phố, các đơn vị, địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt các quy định về cơ chế một cửa, một cửa liên thông, nâng cao hiệu quả giải quyết hồ sơ TTHC trên phần mềm. Khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế trong việc niêm yết, công khai TTHC, thời gian giải quyết hồ sơ của người dân. Tăng cường tuyên truyền về CCHC, trong đó tập trung các nội dung trọng điểm: dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến. Ðồng thời, chú trọng công tác kiểm tra CCHC, tập trung kiểm tra chuyên đề, kiểm tra đột xuất về công vụ; tiếp tục chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Bài, ảnh: QUỐC THÁI

Nguồn: baocantho.com.vn