TP Cần Thơ xác định công tác cải cách hành chính (CCHC) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm huy động các nguồn lực xã hội, tạo đà phát triển thành phố theo hướng hiện đại, bền vững. Cả hệ thống chính trị của thành phố đã và đang chung sức tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhằm xây dựng nền hành chính hiện đại, hướng đến mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp (DN) làm trung tâm phục vụ.
CCHC gắn với chuyển đổi số (CĐS)
Theo các chuyên gia, để xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, cần thống nhất quan điểm gắn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) với CĐS; cải cách TTHC đóng vai trò dẫn dắt, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) là công cụ hiệu quả để thực hiện nhiệm vụ, giải pháp đề ra, thực hiện hiện đại hóa nền hành chính. Từ quan điểm trên, TP Cần Thơ tập trung ứng dụng mạnh mẽ CNTT để nâng cao hiệu quả quản lý, đưa vào ứng dụng các phương thức quản trị hiện đại. Cán bộ, công chức, viên chức các sở, ngành, địa phương từng bước đổi mới tư duy từ nền “hành chính quản lý” sang “hành chính phục vụ”, xây dựng chính quyền đồng hành, phục vụ, hướng tới sự hài lòng của DN và người dân.
TP Cần Thơ tăng cường công tác kiểm tra, góp phần nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức đối với người dân. Trong ảnh: Tổ kiểm tra đột xuất về công tác CCHC (Sở Nội vụ TP Cần Thơ) kiểm tra việc giải quyết TTHC tại UBND phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn. Ảnh: Q. THÁI
Lĩnh vực đất đai là lĩnh vực thường bị than phiền nhiều nhất về quy trình, thủ tục và thời gian thực hiện các TTHC. Theo ông Đỗ Thanh Thảo, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, ngành đẩy mạnh CĐS để công khai minh bạch và giải quyết TTHC đất đai nhanh hơn. Sở đã thực hiện phân cấp thẩm quyền ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xác nhận thay đổi vào giấy chứng nhận đã cấp cho chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai các quận, huyện theo quy định. Qua 2 tháng thực hiện, đã giảm được chi phí, thời gian luân chuyển hồ sơ, thời gian giải quyết hồ sơ cho người dân. Mặt khác, người dân có thể thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bằng hình thức trực tuyến và nhận hồ sơ qua bưu điện để tiết kiệm thời gian đi lại và chi phí.
Từ tháng 4-2023 đến nay, quận Bình Thủy, huyện Phong Điền, huyện Vĩnh Thạnh đã vận hành thử nghiệm Trung tâm điều hành đô thị thông minh. Các địa phương triển khai thực hiện, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại giám sát: việc điều hành kinh tế - xã hội; hiệu quả hoạt động của chính quyền; an ninh trật tự và an toàn giao thông; du lịch; hệ thống tiếp nhận và phân tích ý kiến của người dân; giáo dục; y tế; chiếu sáng thông minh; truyền thanh thông minh. Riêng lĩnh vực giám sát hệ thống tiếp nhận và phân tích ý kiến của người dân là hệ thống tương tác trực tiếp giữa người dân và chính quyền qua trang web 1022.cantho.gov.vn và tổng đài 1022. Hệ thống này thống kê tình trạng và thời gian xử lý phản ánh của người dân trên địa bàn, có thể xác định rõ đơn vị nào làm tốt hoặc chưa tốt. Từ đó, lãnh đạo các địa phương theo dõi, nắm bắt tình hình và chỉ đạo xử lý kịp thời.
Theo ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, CCHC phải gắn chặt với CĐS, trên cơ sở khai thác dữ liệu về dân cư. Hiện thành phố tập trung đầu tư nền tảng phát triển chính quyền số. Đây là nền tảng hỗ trợ phát triển đô thị thông minh như một hợp phần thống nhất, cho phép chuyển đổi nhanh từ chính quyền điện tử sang chính quyền số, giúp phát triển nhiều ứng dụng số đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ của cơ quan công quyền mà không cần lập trình, giảm chi phí đầu tư rất lớn về sau. Đồng thời phát triển nền tảng công dân số nhằm tạo môi trường thuận lợi nhất cho người dân, DN tiếp cận, sử dụng các dịch vụ công và các dịch vụ số khác. Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Cần Thơ đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục để đi vào hoạt động, sẽ tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức thực hiện TTHC.
Lãnh đạo Công an TP Cần Thơ và Hội LHPN thành phố, Thành đoàn Cần Thơ ký kết kế hoạch phối hợp phát huy vai trò đoàn viên, hội viên trong hướng dẫn đăng ký, sử dụng tài khoản định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: Q. THÁI
Quyết tâm của cả hệ thống chính trị
Bám sát Chương trình số 26-Ctr/TU ngày 31-12-2021 của Thành ủy Cần Thơ về CCHC, trọng tâm là xây dựng chính quyền điện tử hành động, phục vụ, hằng năm UBND thành phố đều ban hành các chỉ thị, kế hoạch thực hiện công tác này. Đồng thời, luôn theo dõi, bám sát cơ sở và có những chỉ đạo sát sao, kịp thời để chấn chỉnh từ kỷ luật, kỷ cương công vụ, đến các hoạt động về cải cách TTHC, CĐS, cải thiện môi trường đầu tư… hướng đến tăng mức độ hài lòng của người dân, DN.
Ngay khi các chỉ số liên quan đến CCHC như: Chỉ số CCHC (PARINDEX), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được công bố, thành phố đã có những cuộc họp phân tích các chỉ số và UBND thành phố ban hành kế hoạch cải thiện, nâng cao các chỉ số. Mục tiêu thành phố đặt ra là thuộc nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu về Chỉ số PARINDEX, Chỉ số SIPAS và Chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo. Đối với chỉ số PCI thì cải thiện vị trí xếp hạng và đạt kết quả xếp hạng trong “Nhóm địa phương có chất lượng điều hành tốt”.
Công tác CCHC muốn đạt hiệu quả cao, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về CCHC giữ vai trò quyết định. Theo ông Huỳnh Trung Trứ, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị là phải đôn đốc, đánh giá, kiểm tra, giám sát, thực hiện nghiêm quy định về thời hạn xử lý công việc, bảo đảm chất lượng, hiệu quả; gắn chặt công tác CCHC với công tác nhận xét, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và công tác bình xét thi đua khen thưởng; tập trung chỉ đạo thực hiện khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện CCHC gắn với CĐS.
Nhiệm vụ CCHC là nhiệm vụ chung, cần có sự đồng lòng, quyết tâm thực hiện của cả hệ thống chính trị mới đạt hiệu quả. Giai đoạn 2019-2022, quận Ô Môn xếp hạng nhất, nhì về Chỉ số CCHC khối quận, huyện. Theo bà Nguyễn Ngọc Hồng Nhung, Phó trưởng Phòng Nội vụ quận Ô Môn, đó là nhờ cả hệ thống chính trị của quận đã vào cuộc. Lãnh đạo quận thực hiện nghiêm việc tiếp công dân định kỳ, đột xuất để lắng nghe và kịp thời điều chỉnh các chủ trương, chính sách hoặc chỉ đạo cơ quan chuyên môn kiểm tra, rà soát. HĐND quận cũng triển khai mô hình tiếp xúc cử tri gắn với lắng nghe ý kiến người dân về CCHC. Từ đó, tạo dựng niềm tin của người dân đối với chính quyền địa phương.
Để cải thiện vị trí xếp hạng Chỉ số PCI, theo ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, đơn vị tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch hành động thực hiện cải thiện Chỉ số PCI. Trong đó, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, quận, huyện thực hiện các giải pháp theo từng chỉ số thành phần năm qua bị giảm điểm và cả tăng điểm nhằm cải thiện bền vững điểm số. Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục nghiên cứu rút ngắn thời gian giải quyết TTHC thuộc lĩnh vực đăng ký DN, đầu tư so với quy định; hỗ trợ và khuyến khích DN thực hiện đăng ký DN trực tuyến; hỗ trợ DN thực hiện các thủ tục sau đăng ký thành lập DN như đăng ký tài khoản ngân hàng, đăng ký chữ ký số điện tử.
Đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường, ông Đỗ Thanh Thảo, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết: “Sở sẽ tăng cường đối thoại với người dân, DN để kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn liên quan đến TTHC, nhất là lĩnh vực đất đai. Bên cạnh đó, quán triệt công chức, viên chức xem việc xin lỗi đối với hồ sơ bị trễ hẹn vừa là nét văn hóa, vừa thể hiện thái độ cầu thị và tinh thần trách nhiệm đối với nhân dân. Chỉ đạo thủ trưởng đơn vị xem xét xử lý trách nhiệm các cá nhân gây nên tình trạng hồ sơ trễ hẹn hoặc gây khó khăn, nhũng nhiễu trong quá trình tiếp nhận và giải quyết TTHC cho người dân, DN”.
* Lan Phương - Quốc Thái
Nguồn: baocantho.com.vn