Cải cách hành chính - Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ
Bài 2: Từ “hành chính quản lý” đến “hành chính phục vụ”
Chuyển đổi tư duy từ quản lý sang hỗ trợ, phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các cấp, các ngành trên địa bàn TP Cần Thơ tập trung thực hiện và đã có những chuyển biến tích cực. Qua đó, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, DN.
Đồng hành cùng DN
Đại diện hơn 100 DN rất phấn khởi khi tham gia buổi tọa đàm “Đối thoại giữa chính quyền và DN trên địa bàn TP Cần Thơ” do UBND TP Cần Thơ vừa tổ chức. Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy Cần Thơ và đồng chí Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố, chủ trì buổi tọa đàm, như lời cam kết sẵn sàng lắng nghe, đồng hành cùng cộng đồng DN. Các doanh nhân kiến nghị ban, ngành thành phố quan tâm hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn đầu tư, đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ, sở hữu trí tuệ và kết nối các nguồn quỹ trong và ngoài nước; đề nghị hàng loạt vấn đề về giảm lãi suất vay vốn ngân hàng, gia hạn nợ bảo hiểm xã hội, hỗ trợ DN trong thực hiện thủ tục giao đất và chuyển mục đích sử dụng đất, hỗ trợ để sản phẩm được tiếp cận thị trường dễ dàng…
Mô hình “Cà phê doanh nhân” thu hút nhiều đại biểu tham gia, thể hiện cam kết của chính quyền TP Cần Thơ sẵn sàng lắng nghe ý kiến, phản hồi từ cộng đồng DN. Ảnh: Q. THÁI
Lắng nghe ý kiến từ các DN, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu ghi nhận và cho biết mặc dù cấp ủy không làm thay chính quyền, nhưng có trách nhiệm đề nghị, theo dõi, giám sát, chỉ đạo đôn đốc lãnh đạo chính quyền quan tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho DN. Bí thư Thành ủy đề nghị Sở Nội vụ nhanh chóng tham mưu UBND thành phố về việc cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tạo thuận lợi hơn cho DN; yêu cầu giảm bớt sự phức tạp của các giấy tờ không cần thiết, không có trong quy định mà DN đã đề cập. Đồng chí Trần Việt Trường cũng giao các sở, ngành nghiên cứu, đề xuất giải pháp hỗ trợ DN trong cung cấp thông tin về lao động, tuyển dụng, đào tạo lao động phù hợp với nhu cầu của DN; đề xuất các giải pháp về cung cấp thông tin thị trường, thông tin về các hiệp định thương mại cho cộng đồng DN. Sở Nội vụ tăng cường kiểm tra hoạt động thực hiện hướng dẫn, tiếp nhận và giải quyết TTHC nhằm giảm tình trạng nhũng nhiễu, yêu cầu thêm các loại giấy tờ không có trong quy định hoặc không cần thiết. Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện và lãnh đạo tổ chức thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, luôn có tinh thần lắng nghe, hỗ trợ DN.
Gặp gỡ và đối thoại với DN là một trong những kênh tương tác giữa cấp ủy, chính quyền thành phố với cộng đồng DN, từ đó có những chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Việc thay đổi từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ, chủ động cung cấp thông tin và tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn của người dân, DN là điểm sáng trong bộ máy hành chính nhà nước. UBND thành phố, các sở, ban, ngành chức năng cũng đã thiết lập nhiều kênh thông tin trao đổi trực tiếp, trực diện, tiếp xúc, lắng nghe để cùng phối hợp tháo gỡ những khó khăn và duy trì việc tiếp xúc cộng đồng DN một cách thường xuyên.
Từ tháng 8-2022, UBND thành phố chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Hiệp hội DN TP Cần Thơ làm đầu mối tổ chức chương trình “Cà phê doanh nhân”. Đến nay, qua 8 kỳ được tổ chức, tùy chủ đề của mỗi kỳ, phối hợp các sở, ngành liên quan bố trí lãnh đạo trả lời những thắc mắc, kiến nghị từ DN. Tư duy phục vụ còn lan tỏa ở các cấp, các ngành và địa phương thể hiện qua các hoạt động thiết lập Zalo tư vấn TTHC cho người dân, DN; gặp gỡ và đối thoại cải cách hành chính (CCHC), triển khai mô hình điểm dịch vụ công trực tuyến… Qua đó, giúp các đơn vị, địa phương lắng nghe ý kiến từ tổ chức, cá nhân, tìm giải pháp thúc đẩy CCHC, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.
Lắng nghe để phục vụ nhân dân
Phan Huy Cường, sinh viên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Trường Cao đẳng Cần Thơ, tạm trú ở phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, chia sẻ: “Tháng 3-2023, tôi tham gia một buổi hướng dẫn về thực hiện thủ tục đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông qua dịch vụ công trực tuyến, do Công an TP Cần Thơ tổ chức. Nhờ vậy, tôi biết cách tạo tài khoản, các bước nộp hồ sơ trực tuyến và hoàn thành thủ tục xin cấp hộ chiếu một cách dễ dàng”. Theo Cường, việc Công an thành phố tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn TTHC cho người dân, nhất là giới trẻ về các TTHC được tiếp nhận và giải quyết trên môi trường mạng, là rất phù hợp. Hơn nữa, việc nộp hồ sơ trực tuyến rất tiện lợi, vừa tiết kiệm thời gian đi lại, vừa có thể theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ của ngành chức năng. Qua hoạt động tuyên truyền, ngành chức năng cũng lắng nghe ý kiến người dân về những khó khăn trong thực hiện TTHC để kịp thời tháo gỡ khó khăn, phục vụ người dân tốt hơn.
HĐND quận Ô Môn triển khai mô hình tiếp xúc cử tri gắn với lắng nghe ý kiến người dân được lồng ghép vào các buổi tiếp xúc cử tri của HĐND quận. Từ đó, ý kiến người dân (nếu có liên quan) sẽ được tổng hợp và gửi về từng cơ quan chuyên môn phụ trách lĩnh vực để trực tiếp trả lời đến người dân. Tại huyện Thới Lai, định kỳ hằng năm đều tổ chức diễn đàn lắng nghe ý kiến của người dân và DN về hoạt động của chính quyền địa phương và cải cách TTHC. UBND huyện chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức nghiêm túc chấp hành kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát thực thi nhiệm vụ, công vụ trong CCHC; xử lý nghiêm những công chức, viên chức vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính. Đồng thời, tập trung rà soát, công khai, minh bạch các thông tin liên quan đến lĩnh vực đất đai: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kế hoạch, kết quả giao đất, cho thuê đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Đối với cấp xã, nhiều địa phương lựa chọn nội dung đối thoại gắn với nhu cầu thiết thân của người dân để công tác đối thoại đạt thực chất, hiệu quả. Theo anh Nguyễn Thành Nhơn, Phó Chủ tịch UBND phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, hằng năm, UBND phường tổ chức hội nghị gặp gỡ và đối thoại CCHC, trong đó chọn nhóm TTHC thiết thân với người dân như: Tư pháp - Hộ tịch, đăng ký thường trú, tạm trú, đất đai. Qua đối thoại, UBND phường kết hợp tuyên truyền TTHC ở các lĩnh vực trên, đồng thời ghi nhận ý kiến, kiến nghị của người dân để chỉ đạo thực hiện tốt hơn nữa trong giải quyết TTHC.
Thành phố cũng xây dựng nhiều kênh tương tác để lắng nghe ý kiến, phản ánh, kiến nghị của người dân. Từ tháng 4-2021, thành phố đã vận hành chính thức Hệ thống dịch vụ công 1022 (Dịch vụ 1022) tiếp nhận, xử lý, phản hồi thông tin, yêu cầu, phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các vấn đề liên quan đến quy định hành chính, dịch vụ công, các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố. Dịch vụ 1022 gồm các kênh: đường dây nóng 0292.1022 (Tổng đài 1022), Cổng thông tin điện tử 1022, ứng dụng trên điện thoại di động (App 1022), mạng xã hội (Zalo, Facebook) và trực tiếp tại Văn phòng UBND thành phố; đăng tải công khai những đơn vị, công chức xử lý hồ sơ trễ hẹn trên Cổng thông tin điện tử của thành phố để người dân giám sát.
Từ những mô hình này, chính quyền các cấp đã kịp thời tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị của nhân dân để phục vụ công tác quản lý hành chính nhà nước; nắm bắt, xử lý nhanh các điểm nóng, mới phát sinh, định hướng dư luận, góp phần đấu tranh, phản bác các thông tin thiếu chính xác, giả tạo, gây hoang mang trong cộng đồng, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ của công chức, viên chức tại Bộ phận Một cửa các cấp trong quá trình giải quyết TTHC cho người dân, DN. Nhiều sở, ngành thành phố, UBND quận, huyện đã chủ động tự kiểm tra tại các phòng, ban chuyên môn hoặc đơn vị trực thuộc thuộc thẩm quyền quản lý, qua đó nâng cao ý thức kỷ luật, kỷ cương của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, tạo sự hài lòng của người dân, tổ chức, DN đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.
Lan Phương - Quốc Thái
Nguồn: baocantho.com.vn
-------------
Bài 3: Còn nhiều “điểm nghẽn”