Bộ Tài chính: Sau sắp xếp, sáp nhập, có nơi còn lãng phí tài sản công

Bộ Tài chính: Sau sắp xếp, sáp nhập, có nơi còn lãng phí tài sản công

TPO - Đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, về quản lý tài sản công sau sắp xếp các đơn vị hành chính, có nơi làm rất hiệu quả, nhưng có nơi lãng phí. Nguyên nhân là do khi tiến hành sắp xếp chưa lường hết các vấn đề liên quan.

Có trường hợp sắp xếp cơ học

Sáng 14/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục họp phiên thứ 9, thảo luận về "Kết quả bước đầu việc thực hiện giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021”.

Theo báo cáo, trong giai đoạn 2019 - 2021, cả nước đã thực hiện sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.056 đơn vị hành chính cấp xã, qua đó giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã.

Tuy nhiên, việc sắp xếp ở một số địa phương có chậm hơn so với tiến độ theo kế hoạch. Trách nhiệm trong việc chậm trễ này có phần là do nhận thức của các cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác sắp xếp đơn vị hành chính còn chưa đầy đủ và hạn chế; chưa thật sự chủ động, quyết liệt trong việc triển khai thực hiện chủ trương, quy định về sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn.

Cũng theo báo cáo, đến hết năm 2021, số lượng cán bộ, công chức, viên chức dôi dư còn phải tiếp tục sắp xếp chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với số lượng dôi dư khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính. Việc giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức,người hoạt động không chuyên trách dôi dư và việc chấm dứt hợp đồng đối với người lao động đã được thực hiện theo đúng quy định. Nhiều địa phương đã ban hành quy định riêng để hỗ trợ thêm cho cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau khi sắp xếp đơn vị hành chính.

Dù thế, báo cáo cũng chỉ ra, một số địa phương cho rằng, do số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau sắp xếp khá lớn, nhất là các địa phương có nhiều đơn vị hành chính được sắp xếp nên không thể hoàn thành việc bố trí, sắp xếp vị trí mới hay cho nghỉ việc trong thời gian ngắn.

Cùng với đó, việc thực hiện chế độ, chính sách ở một số địa phương còn lúng túng do các văn bản quy định chưa thật đầy đủ; chưa có cơ chế tài chính để khuyến khích các trường hợp chưa đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi hoặc có nhu cầu thôi việc để chờ nghỉ hưu. Chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách khi thôi việc chưa đủ để hỗ trợ cho các đối tượng này ổn định cuộc sống hay bắt đầu công việc khác.

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu vấn đề, vẫn có những trường hợp sắp xếp cơ học, chưa đủ các tiêu chí liên quan về diện tích, dân số, như vậy chất lượng sau khi sắp xếp, sáp nhập sẽ như thế nào, cần làm gì để đảm bảo phát triển.

Cùng với đó, việc cán bộ dôi dư chưa được sắp xếp còn lớn, cần có chính sách đặc thù như thế nào để giải quyết...Ông Thanh cũng nêu, trong bối cảnh dịch COVID-19 xảy ra, việc sắp xếp các đơn vị y tế ở cơ sở cần phải cân nhắc để đảm bảo nhân lực phòng, chống dịch, đảm bảo cho y tế dự phòng...

Tâm lý ngại sáp nhập

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, một số nơi vẫn có tâm lý không muốn sáp nhập bởi động chạm đến con người. Vấn đề đặt ra là sau sáp nhập, sắp xếp có tốt hơn không, điều kiện có tốt hơn không hay đơn giản mục tiêu chỉ để giảm đầu mối về bộ máy, nhân sự.

Ông Cường cho rằng, cần phải đánh giá thêm, đi khảo sát không có sự chuẩn bị từ trước ở cơ sở. "Xuống làm việc với tỉnh, sau đó đi về cơ sở, chủ động xuống nghe chứ không phải để chuẩn bị trước. Nghe rất nhiều chiều, đánh giá kỹ lưỡng. Phải làm rất khách quan. Nếu để chuẩn bị trước theo hướng đồng thuận thì sẽ không còn dân chủ, khách quan", ông Cường nói.

Từ kinh nghiệm thực tế khi làm lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk, ông Cường cho biết, những địa bàn lớn ở miền núi rất khó sắp xếp. Bởi nếu 2 xã sáp nhập, diện tích rộng, đi lại hàng vài chục cây số. "Quan trọng là hiệu quả, thiết thực hơn không. Trong bối cảnh nhân sự ở cơ sở vẫn còn hạn chế, nếu địa bàn nhỏ thì có thể đáp ứng tốt, nhưng lớn hơn thì khó", ông Cường nói, đồng thời cho rằng, cần nghe báo cáo từ các vùng miền, có đánh giá khách quan, toàn diện về vấn đề. Theo ông Cường, ngoài 6 tỉnh phía Bắc như dự kiến, Đoàn giám sát cũng cần khảo sát thực tế tại một số tỉnh, thành phố ở phía Nam.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu một số vấn đề tiếp tục làm rõ như nhập xã không phải nông thôn mới vào xã nông thôn mới thì giải quyết thế nào; xã đang ở mức nghèo vào xã không nghèo thì chính sách có thay đổi hay không?...

Giải trình làm rõ thêm một số vấn đề, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, thời gian vừa qua sức ép về giải quyết dôi dư, tinh giản biên chế là rất lớn. Thời gian này, Bộ và các cơ quan liên quan đang xử lý nốt những trường hợp dôi dư sau sắp xếp (cấp huyện hơn 400 người; cấp xã hơn 3.400 người; hoạt động không chuyên trách hơn 400 người - số liệu tính đến 6/2021). Ông Thăng cũng khẳng định, sau sắp xếp, sáp nhập, về thủ tục hành chính, con dấu, giấy tờ không ảnh hưởng nhiều.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho biết, việc sáp nhập giữa các xã nghèo với xã không nghèo không làm thay đổi chính sách, không ảnh hưởng đến tiêu chí đánh giá. "Tinh thần là các chính sách với vùng, với khu vực đều được quan tâm, không để bị ảnh hưởng", ông Thăng nêu.

Liên quan đến vấn đề quản lý tài sản công sau sắp xếp, sáp nhập, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết, có nơi sắp xếp hiệu quả, có nơi có lãng phí. Nguyên nhân do khi sắp xếp chưa lường hết các vấn đề, triển khai việc sắp xếp nhanh. Có phần do những thủ tục hành chính quản lý về tài sản công. "Chúng tôi đang có yêu cầu các địa phương, các bộ ngành có đơn vị sắp xếp, sáp nhập có báo cáo về sắp xếp, quản lý tài sản công sau khi tiến hành sắp xếp", ông Tuấn nói.

Đánh giá hiệu quả của việc sắp xếp đơn vị hành chính

Thứ nhất, về tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức: Đã tinh gọn được tổ chức bộ máy thông qua việc giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã; 3.437cơ quan, tổ chức ở cấp xã và 429 cơ quan, tổ chức ở cấp huyện;

Đã rà soát, bố trí sử dụng những cán bộ, công chức có năng lực, trình độ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị của các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới hình thành sau sắp xếp và thực hiện tinh giản đối với những người không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ;

Đã chủ động thực hiện sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định.

Thứ hai, về ngân sách nhà nước, theo báo cáo của Chính phủ, đã tiết kiệm chi ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2019 - 2021 khoảng 2.008,63 tỷ đồng, trong đó giảm chi hoạt động của chính quyền cấp huyện, cấp xã là 1.132,63tỷ đồng và giảm chi phụ cấp người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố khoảng 876 tỷ đồng. Tuy nhiên, cũng do thời gian thực hiện còn ngắn nên ở một vài địa phương, tổng kinh phí tiết kiệm được do thực hiện sắp xếp chưa được thể hiện rõ do nguồn kinh phí tiết kiệm được chưa bảo đảm đủ cho việc chi các chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức dôi dư sau sắp xếp. Về vấn đề này, Đoàn giám sát sẽ trực tiếp làm việc với địa phương để tìm hiểu cụ thể tình hình.

Thứ ba, về hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, theo báo cáo của các địa phương, sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cơ bản đạt kết quả tốt, bảo đảm các chỉ tiêu đề ra; đồng thời, công tác quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn đều được bảo đảm.

Trường Phong

Nguồn: tienphong.vn