Thành phố Cần Thơ đẩy mạnh công tác cải cách hành chính phát triển kinh tế xã hội
Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước (2004 – 2015) trên địa bàn thành phố Cần Thơ, một trong những thành tựu đáng ghi nhận là chính quyền các cấp ngày càng gần dân hơn; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) ngày càng nâng cao năng lực và tinh thần trách nhiệm trong phục vụ người dân, doanh nghiệp, tổ chức. Đặc biệt, trong giai đoạn 2011 - 2015, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công cuộc CCHC với mục tiêu “hướng đến nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, vì người dân, doanh nghiệp và xã hội”.
1. Công tác chỉ đạo, điều hành
Thực hiện Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ (Nghị quyết 30c), Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Cần Thơ đã ban hành Quyết định số 3362/QĐ-UBND ngày 29/12/2011 về Chương trình CCHC thành phố Cần Thơ giai đoạn 2011-2020 Quyết định số 2527/QĐ-UBND ngày 12/10/2012 về Chương trình CCHC thành phố Cần Thơ giai đoạn 2011-2015, bám sát nội dung của Nghị quyết 30c phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Bên cạnh việc triển khai toàn diện các nhiệm vụ CCHC trên 06 lĩnh vực theo Nghị quyết 30c, trong giai đoạn 2011-2015, thành phố xác định 03 nội dung trọng tâm (cải cách thể chế, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công) với 09 mục tiêu cụ thể. Các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, xã căn cứ Quyết định số 3362/QĐ-UBND của UBND Thành phố xây dựng chương trình, kế hoạch CCHC để triển khai trong phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị. Toàn Thành phố đã có 21 đơn vị (sở, ngành, UBND cấp huyện) xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện CCHC giai đoạn 2011-2020.
Trong hai năm 2013 và 2014, Thành ủy, Hội đồng nhân dân và UBND thành phố chọn chủ đề năm là “Cải cách hành chính, huy động mọi nguồn lực, hướng về cơ sở”, thể hiện ở các khía cạnh sau:
Một là, về công tác thông tin, tuyên truyền.
Cùng với việc ban hành nhiều văn bản chỉ đạo CCHC, từng bước chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, nâng cao ý thức trách nhiệm trong thi hành công vụ của CBCCVC; Thành phố đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền CCHC, coi đây là giải pháp quan trọng nhằm đưa các nội dung CCHC đến với CBCCVC và người dân biết để giám sát và thực hiện.
Hàng năm, UBND Thành phố đều có các kế hoạch tuyên truyền, thông tin về CCHC nhằm quán triệt và nâng cao nhận thức đúng đắn đầy đủ về CCHC của CBCCVC; phổ biến sâu rộng về chương trình CCHC của Nhà nước và Thành phố đến nhân dân, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, qua đó tạo sự đồng thuận trong thực hiện các nội dung CCHC Nhà nước.
Hai là, về cải cách thể chế.
Nhằm hoàn thiện hệ thống thể chế, cơ chế chính sách về các lĩnh vực quản lý nhà nước của địa phương, từ năm 2011 đến nay các sở, ban, ngành đã tham mưu, đề xuất với Hội đồng nhân dân, UBND Thành phố ban hành 151 văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực. Các văn bản được ban hành đều tuân thủ đúng quy trình, thủ tục, thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản theo theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, UBND năm 2004; Thông tư liên tịch số 55/2005/TTLT-BNV-VPCP ngày 06/5/2005 của Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ hướng dẫn về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản.
Ba là, về cải cách thủ tục hành chính.
Với nhận thức thủ tục hành chính (TTHC) là phương tiện đưa pháp luật vào thực tiễn cuộc sống, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, từ năm 2006, trước khi có đề án đơn giản hóa TTHC theo Quyết định số 30/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Cần Thơ đã tiến hành liệt kê thủ tục, mẫu hóa các hồ sơ tại hầu hết các sở, ngành. Tuy quy mô, cách làm chưa đạt yêu cầu đề ra, nhưng việc làm này đã góp phần đơn giản hóa TTHC, giúp cho cơ quan nhà nước và nhân dân có sự thống nhất chung trong thực hiện TTHC.
Khi thực hiện Quyết định số 30/QĐ-TTg, thành phố đã thống kê, rà soát, công bố các bộ TTHC cấp sở, cấp huyện, cấp xã bước đầu bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, áp dụng thống nhất trong toàn thành phố, đáp ứng mục tiêu quản lý của các cơ quan nhà nước, nâng cao trách nhiệm và tính truyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức. Việc làm này đã tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, góp phần giảm chi phí cho xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân và doanh nghiệp vào chính quyền.
Hiện nay, thành phố có tổng số 1.677 TTHC, trong đó, cấp thành phố là 1.354 TTHC; cấp huyện là 171 TTHC; cấp xã là 152 TTHC. Trên cơ sở các TTHC hiện hành, hàng năm UBND thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành tiến hành rà soát nhằm đơn giản hóa thủ tục theo hướng đơn giản thành phần, số lượng hồ sơ; loại bỏ những yêu cầu, điều kiện không cần thiết hoặc không hợp lý; giảm tối đa thời gian giải quyết TTHC. Trong năm 2015, thành phố Cần Thơ tích cực thực hiện nhiệm vụ đơn giản hóa TTHC theo chỉ đạo và hướng dẫn của Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành liên quan; đồng thời tiến hành rà soát, chuẩn hóa, công bố, công khai TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý và thẩm quyền giải quyết của địa phương trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC theo quy định tại Quyết định số 08/QĐ-TTg ngày 06/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch đơn giản hóa TTHC trọng tâm năm 2015.
Bốn là, về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Thực hiện Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ngày 22/6/2007 về việc ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 2308/QĐ-UBND ngày 22/9/2008 về quy định lĩnh vực thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước thuộc Thành phố. Từ năm 2007 đến nay, việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn Thành phố luôn được duy trì và đạt hiệu quả tốt.
Tính đến nay, trên địa bàn Thành phố đã có 19/19 cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố, 9/9 UBND cấp huyện, 85/85 UBND cấp xã thực hiện cơ chế một cửa trong tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính cho tổ chức và công dân, đạt tỷ lệ 100%. Đồng thời, Thành phố thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (một cửa hiện đại) cho 100% sở, ngành, quận, huyện và xã, phường, thị trấn.
Hiện nay, thành phố đang thực hiện cơ chế một cửa liên thông giữa các sở, ban, ngành thành phố. Một cửa liên thông trong cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế, giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu và con dấu và giữa 100% UBND quận, huyện với 100% UBND xã, phường, thị trấn gồm: từ phường lên quận trên 4 lĩnh vực tư pháp - hộ tịch, địa chính, xây dựng, đăng ký kinh doanh; từ UBND xã, thị trấn lên UBND huyện trong lĩnh vực đất đai; đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp bảo hiểm y tế trẻ em dưới 06 tuổi (gọi tắt là 3 trong 1); trong việc đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú (gọi tắt là 2 trong 1).
Số lượng TTHC thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tính đến ngày 08/4/2015, của Thành phố là 1.653 thủ tục, trong đó cấp thành phố là 1.308 thủ tục; cấp huyện là 183 thủ tục, cấp xã là 162 thủ tục. Số TTHC giải quyết theo cơ chế một cửa liên thông giữa các sở, ban, ngành thành phố là 87 TTHC, cấp huyện liên thông cấp xã là 85 TTHC.
Hiện tại, thành phố đang cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 1: 1.653 TTHC, mức độ 2: 1.653 TTHC, mức độ 3: 160 TTHC, mức độ 4: 78 TTHC.
Năm là, về cải cách tổ chức bộ máy.
Việc bố trí cơ cấu, số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố, UBND cấp huyện theo quy định tại Nghị định số 24/2014/NĐ-CP và Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 là phù hợp, đảm bảo thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của UBND các cấp và sự thống nhất quản lý ngành, lĩnh vực công tác từ Thành phố đến cơ sở; thể hiện sự tinh gọn trên cơ sở thực hiện mô hình quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Thành phố thực hiện chủ trương không phải cấp thành phố có sở, ban, ngành nào thì cấp huyện có tổ chức tương ứng hay thiết kế mô hình đồng nhất cơ quan cấp quận, huyện, mà tùy vào điều kiện tự nhien, dân số, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và yêu cầu CCHC nhà nước.
Sáu là, về xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.
Việc xây dựng đội ngũ CBCCVC của thành phố Cần Thơ đủ về số lượng, mạnh về chất lượng để đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài của một thành phố trực thuộc Trung ương là một thách thức lớn.
Ngay từ kỳ thi tuyển công chức năm 2011 cho đến nay, thành phố Cần Thơ đã thực hiện việc thi tuyển trên máy tính đối với môn thi tin học (01 trong 04 môn thi bắt buộc trong thi tuyển công chức) nhằm xác định chất lượng tuyển dụng công chức thông qua ứng dụng công nghệ thông tin. Trong khi chờ Bộ Nội vụ hoàn thành việc áp dụng thi tuyển qua phần mềm trên máy tính, UBND thành phố đã giao Sở Nội vụ phối hợp với Trường Đại học Kỹ thuật – Công nghệ nghiên cứu áp dụng phần mềm thi ngoại ngữ trong kỳ thi tuyển công chức. Đối với môn thi kiến thức chuyên ngành, việc áp dụng phần mềm sẽ từng bước được thực hiện sau khi các văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện được ban hành đầy đủ.
Bên cạnh đó, Thành phố thực hiện tốt việc đổi mới phương thức tuyển chọn lãnh đạo cấp vụ, cấp sở, cấp phòng ban hành quy định về chế độ thực tập, tập sự lãnh đạo, quản lý. Đề án “Thí điểm thi tuyển cạnh tranh chức danh trưởng, phó phòng tại các đơn vị hành chính cấp thành phố” là một trong những đề án quan trọng nhằm xây dựng, hoàn thiện quy trình bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý.
Đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý tại các đơn vị sự nghiệp, hiện nay Thành phố đã hoàn thành công tác tổ chức thi tuyển chức danh Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ, Phó Giám đốc bệnh viện Đa khoa huyện Thới Lai, Phó Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Bùi Hữu Nghĩa.
Bảy là, về cải cách tài chính công.
Thực hiện Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ về chế độ tự chủ tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính, hiện nay cấp thành phố đã thực hiện đạt tỷ lệ 100%; cấp huyện đã có 36/36 đơn vị thực hiện khoán đối với 175/175 đơn vị đạt tỷ lệ 100%; cấp xã đã thực hiện khoán 85/85 đơn vị đath tỷ lệ 100%. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cơ chế tài chính theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ, ở cấp thành phố đã có 110/111 đơn vị thực hiện; cấp huyện là 446/446 đơn vị.
Qua thực hiện khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính, các đơn vị hành chính cấp thành phố, các quận, huyện và xã, phường, thị trấn đã nâng cao trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị, từng bước tinh gọn bộ máy tổ chức, cán bộ, công chức đảm bảo chất lượng, hiệu quả, thời gian, quy trình xử lý công việc đúng tiến độ công tác được giao.
Tám là, về hiện đại hóa hành chính.
Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 56/KH-UBND ngày 03/6/2014 về việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, đến nay đã hoàn thành những nhiệm vụ trong kế hoạch đề ra, như:
Thực hiện nâng cấp đồng bộ hạ tầng kỹ thuật nhằm khai thác có hiệu quả mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ việc vận hành các hệ thống phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin dùng chung (như phần mềm quản lý văn bản và điều hành; phần mềm một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến; cổng thông tin điện tử thành phố và 33 cổng thông tin điện tử thành phần…). Đã hoàn thành 100% mạng truyền số liệu chuyên dùng nối đến 100% xã, phường, thị trấn của Thành phố.
Toàn Thành phố có 32 cơ quan, đơn vị (gồm 19 sở, ban, ngành; 09 quận, huyện; 04 cơ quan: Thành Đoàn, Trung tâm Xúc tiến - Đầu tư - Thương mại - Du lịch, Hội Liên hiệp Hữu nghị, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân) sử dụng phần mềm quản lý văn bản, trong đó có 28/32 đơn vị thường xuyên sử dụng phần mềm quản lý văn bản trong quản lý và điều hành.
Tỷ lệ cán bộ, công chức sử dụng hộp thư điện tử thường xuyên đạt 94%, tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử trong nội bộ cơ quan thông qua thư điện tử, phần mềm quản lý văn bản và điều hành đạt 94%; tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử giữa các đơn vị đạt tỷ lệ 77%, vượt mục tiêu của kế hoạch CCHC năm 2014 là 60%.
Thành phố có 01 cổng thông tin điện tử thành phố và 33 cổng thông tin điện tử thành phần (24/24 sở, ban, ngành 09/09 quận, huyện); trong đó, cổng thông tin điện tử thành phố tiếp tục đẩy mạnh việc cung cấp thông tin phục vụ cho người dân và doanh nghiệp, đã cập nhật hơn 1.400 tin, bài (tăng 8% so với cùng kỳ), tổng số lượt truy cập là 1.100.000 lượt (tăng 10% so với năm 2013). UBND Thành phố đã tổ chức 24 hội nghị truyền hình trực tuyến.
Thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 22/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước, với mục tiêu giảm giấy tờ trong cơ quan nhà nước, tăng cường trao đổi văn bản điện tử, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dịch vụ hành chính công phục vụ người dân, doanh nghiệp, trong năm 2014, UBND thành phố chỉ đạo thực hiện chữ ký số, đồng thời, tiếp tục cấp phát 500 chữ ký số cá nhân cho đối tượng là trưởng, phó phòng, ban chuyên môn cấp huyện, chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp xã. Lũy kế từ năm 2012 đến nay, Thành phố đã hoàn thành cấp phát 1.020 chữ ký số cho tổ chức và cá nhân. Việc sử dụng chữ ký số được các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc trong phát hành các văn bản như: công văn (trừ văn bản mật), giấy mời, thông báo, lịch làm việc… đã tiết kiệm số tiền là hơn 2 tỷ đồng.
2. Những kết quả đạt được trong công tác CCHC
Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2004 - 2015 thành phố Cần Thơ đã đạt được một số kết quả sau đây:
Thứ nhất, đội ngũ cán bộ, công chúc chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, sự năng động, tác phong, đạo đức, năng lực, hiệu quả làm việc; khắc phục dần các biểu hiện thờ ơ, gây phiền hà, nhũng nhiễu cho người dân, doanh nghiệp; kiến thức, kỹ năng hành chính được nâng lên, tham mưu tốt hơn cho lãnh đạo trong quản lý, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Thứ hai, trình tự thực hiện các TTHC ngày càng được quy định cụ thể, rõ ràng; địa điểm tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ được đầu tư khang trang, lịch sự, thể hiện sự trân trọng của cơ quan hành chính nhà nước đối với nhân dân. TTHC được niêm yết công khai, minh bạch, tạo thuận lợi và điều kiện cho nhân dân tham gia giám sát các hoạt động giải quyết TTHC của cơ quan hành chính nhà nước và hoạt động của cán bộ, công chức.
Thứ ba, cải cách TTHC theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” cùng với việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001-2000 (nay là TCVN ISO 9001-2008) đó giảm được phiền hà, giảm thời gian và công sức của người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong các quan hệ giao dịch hành chính; giải quyết thủ tục nhanh chóng hơn, đúng hạn, đúng luật và được người dân đồng tình ủng hộ.
3. Một số giải pháp
Để tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả CCHC, UBND thành phố đó xây dựng Chương trình CCHC thành phố Cần Thơ giai đoạn 2011 - 2020, với mục tiêu “Đến năm 2020, xây dựng được một nền hành chính trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội”, trong đó xác định tập trung vào một số nội dung sau:
Một là, tiếp tục triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.
Nghiên cứu, có ý kiến đề xuất, kiến nghị sửa đổi các quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước; rà soát, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố, cấp huyện cho phù hợp với yêu cầu; cụ thể hóa các thể chế về công chức, viên chức, về tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công.
Hai là, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.
Minh bạch hóa, xác định rõ và phù hợp chức năng, nhiệm vụ của các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã; rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước và chủ động đề xuất chuyển giao những công việc không nhất thiết do các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện cho xã hội, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội đảm nhận; tiếp tục thực hiện phân cấp hợp lý giữa các cấp chính quyền địa phương, bảo đảm các điều kiện cần thiết để chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả thẩm quyền được phân cấp; nâng cao chất lượng trong thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” tại cơ quan hành chính nhà nước; tiến hành đánh giá mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính các cấp.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.
Rà soát, cắt giảm và đơn giản hóa TTHC trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước, nhất là TTHC liên quan tới người dân, doanh nghiệp; kiểm soát chặt chẽ việc ban hành mới các TTHC theo quy định của pháp luật; công khai, minh bạch tất cả các TTHC. Thực hiện thống nhất cách tính chi phí mà cá nhân, tổ chức phải trả khi giải quyết các TTHC tại cơ quan hành chính nhà nước.
Bốn là, cải cách chế độ công vụ, công chức, viên chức.
Xây dựng, bổ sung và hoàn thiện hệ thống vị trí chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ CBCCVC, viên chức, kể cả cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý; thực hiện Đề án Đào tạo nguồn nhân lực đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 của Thành phố; hoàn thiện chế độ tuyển dụng, bố trí, phân công nhiệm vụ phù hợp với trình độ, năng lực, sở trường của công chức, viên chức trúng tuyển; thực hiện thí điểm chế độ thi nâng ngạch theo nguyên tắc cạnh tranh, thi tuyển cạnh tranh để bổ nhiệm vào một số vị trí lãnh đạo, quản lý; thực hiện đánh giá CBCCVC, trên cơ sở kết quả công việc; thực hiện tốt các chủ trương về cải cách tiền lương do Chính phủ ban hành, đồng thời có những cơ chế thực hiện chế độ khen thưởng đối với CBCCVC hoàn thành xuất sắc công vụ; nâng cao trách nhiệm kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ của CBCCVC.
Năm là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của cơ quan hành chính.
Ứng dụng công nghệ thông tin xử lý quy trình công việc trong nội bộ cơ quan hành chính, trong giao dịch với các cơ quan hành chính khác và trong giao dịch với tổ chức, cá nhân; xây dựng và sử dụng thống nhất biểu mẫu điện tử trong giao dịch giữa cơ quan hành chính, tổ chức và cá nhân đáp ứng yêu cầu đơn giản, minh bạch và thuận tiện; công bố danh mục các dịch vụ hành chính công trên mạng thông tin điện tử của các cơ quan hành chính nhà nước; bảo đảm các điều kiện và xây dựng lộ trình thích hợp để thực hiện các dịch vụ hành chính công trực tuyến trên môi trường mạng./.
Lê Hùng Dũng
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ
(Nguồn: Tạp chí Tổ chức Nhà nước số 6/2015)