Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về cải cách hành chính tại thành phố Cần Thơ
Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2001-2010 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17/9/2001 có 4 nội dung lớn: cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công. Tiếp theo, Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011- 2010 theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ đã xác định 06 nội dung lớn: cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; CCHC công và hiện đại hóa hành chính.
Có thể nói, Chương trình tổng thể CCHC theo chỉ đạo của Chính phủ hiện nay đã và đang tập trung kế thừa, phát triển và hướng vào nội hàm thực chất của CCHC đã đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển của đất nước. Nội dung trọng tâm được xác định là: “Cải cách thể chế, xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chú trọng cải cách chính sách tiền lương nhằm tạo động lực thật sự để cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ có chất lượng, hiệu quả cao; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính, chất lượng dịch vụ công”. Như vậy, có ba yếu tố quan trọng, cốt lõi cần quan tâm chỉ đạo và thực hiện đồng bộ trong giai đoạn này là: thể chế, con người và chất lượng dịch vụ công.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ và sự chỉ đạo của Bội Nội vụ, trong thời gian qua công tác CCHC của thành phố Cần Thơ đã đạt được những kết quả tương đối toàn diện, tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và mở rộng hội nhập quốc tế. UBND cấp huyện, cấp xã, các sở, ban ngành đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện CCHC từng giai đoạn và hàng năm.
Trong những năm qua, công tác tuyên truyền CCHC luôn được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Cần Thơ quan tâm chú trọng chỉ đạo thực hiện. Công tác tuyên truyền được triển khai sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân và cán bộ, công chức, viên chức nhằm đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong việc nắm bắt, tìm hiểu thông tin về công tác CCHC nhà nước, nhất là cải cách TTHC.
Từ năm 2005, thực hiện sự chỉ đạo của UBND thành phố và Bộ Nội vụ, công tác tuyên truyền về CCHC của thành phố Cần Thơ đã được đẩy mạnh và đi vào thực chất. Hàng năm, UBND thành phố đều ban hành các kế hoạch tuyên truyền, trong đó quy định rõ các hình thức, nội dung tuyên truyền, cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp với những định hướng trọng tâm phù hợp theo từng giai đoạn và hàng năm.
Sở Nội vụ đã phối hợp tích cực, có hiệu quả với các cơ quan thông tin, truyền thông như: Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố, Báo Cần Thơ, Cổng Thông tin và điện tử của thành phố Cần Thơ, Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND quận, huyện, Đài Truyền thanh quận, huyện… để tuyên truyền, quán triệt, giới thiệu, chuyển tải các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của Thành ủy, HĐND thành phố về CCHC bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú; đồng thời thực hiện Chương trình "Gặp gỡ và đối thoại" định kỳ 1 tháng/chương trình; phát hành sổ tay, tổ chức hội thi khảo sát kiến thức tin học, kiến thức CCHC,…
Kết quả từ năm 2011 đến nay, Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố Cần Thơ phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, các cơ quan có liên quan tổ chức 23 chương trình “Gặp gỡ và đối thoại” với chuyên đề về các lĩnh vực mà người dân và tổ chức quan tâm như: môi trường, an toàn thực phẩm, nộp thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đất đai, xây dựng,… Ngoài ra, Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố thực hiện 103 chuyên mục CCHC (02 lần/tháng) phản ánh những việc làm tốt của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) trong CCHC, những việc chưa tốt cần uốn nắn, chấn chỉnh.
Báo Cần Thơ đã thực hiện 225 chuyên trang CCHC vào ngày thứ năm hàng tuần, mở “Diễn đàn trao đổi ý kiến” tiếp nhận phản ánh của tổ chức, công dân về những mặt được và chưa được trong hoạt động CCHC của Thành phố.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức 04 cuộc đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo các ngành, các cấp với doanh nghiệp ở cấp thành phố. Đã tổ chức các diễn đàn đối thoại trực tiếp giữa UBND cấp huyện với người dân về TTHC tại các quận, huyện: Bình Thủy, Thới Lai, Ô Môn, Phong Điền, Ninh Kiều. Diễn đàn gặp gỡ đối thoại là hình thức tuyên truyền gần gũi, hiệu quả giúp người dân, doanh nghiệp gặp gỡ trực tiếp cán bộ, công chức thực thi công vụ cũng như cán bộ lãnh đạo để trao đổi tại chỗ những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong thực hiện TTHC.
Thực hiện có hiệu quả mô hình niêm yết TTHC tại nhà thông tin ấp, khu vực của các xã, phường, thị trấn. Năm 2013, Thành phố tổ chức thí điểm niêm yết TTHC tại nhà thông tin ấp, khu vực của xã Mỹ Khánh huyện Phong Điền; phường Trường Lạc, quận Ô Môn; thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai đã thu hút nhiều lượt người dân đến xem. Tính đến nay đã có 238/443 ấp, khu vực thực hiện niêm yết TTHC.
Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thực hiện tuyên truyền CCHC bằng nhiều hình thức: ấn hành tranh cổ động, tin ảnh; cổ động trực quan và chương trình văn nghệ. Từ năm 2011 đến nay, sáng tác 20 mẫu tranh cổ động in 20.000 tờ; thực hiện 5 tờ tin ảnh in 10.000 tờ (64cm x84cm); thực hiện 16 cụm pano tại trung tâm Thành phố các quận, huyện; 85 pano tuyên truyền tại 85 xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố; biên tập, dàn dựng 5 kịch bản và tổ chức 150 biểu diễn tại các xã, phường, thị trấn thuộc 9 quận, huyện của Thành phố, thu hút trên 45.000 lượt người xem.
Hàng năm, Sở Nội vụ tổ chức thi kiến thức tin học nhằm kiểm tra kỹ năng sử dụng máy vi tính của cán bộ, công chức. Từ năm 2012 đến nay, đã tổ chức thi cho 621 công chức là lãnh đạo văn phòng các sở; lãnh đạo phòng, ban chuyên môn cấp huyện; chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp xã. Sau 3 năm tổ chức thi, trình độ tin học của cán bộ, công chức đã được nâng cao, các thao tác trên máy vi tính như soạn thảo văn bản, gửi, nhận thư điện tử... được thực hiện nhanh chóng, chính xác.
Bên cạnh đó, hàng năm Sở Nội vụ còn phối hợp với sở, ban ngành, UBND cấp huyện tổ chức thi khảo sát kiến thức CCHC. Từ năm 2011 đến nay đã tổ chức thi cho 2.074 CBCCVC là lãnh đạo văn phòng cấp sở, lãnh đạo phòng, ban chuyên môn cấp huyện, lãnh đạo UBND cấp xã, công chức phụ trách bộ phận “một cửa” các cấp. Thông qua thi, cán bộ, công chức, viên chức quán triệt các nội dung của Chương trình CCHC giai đoạn 2011-2020 của Chính phủ và Thành phố, các văn bản chỉ đạo, điều hành CCHC của Thành phố.
Thông qua công tác tuyên truyền về CCHC, hầu hết các đơn vị, địa phương đã phổ biến, quán triệt sâu rộng đến cán bộ, công chức, viên chức, các nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về quan điểm, mục tiêu, nội dung, sự cần thiết phải thực hiện CCHC và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh CCHC… Nhìn chung, các cấp, các ngành đã gắn nội dung Chương trình tổng thể CCHC vào nghị quyết của cấp ủy và chương trình, kế hoạch triển khai nhiệm vụ hàng năm, góp phần đẩy mạnh CCHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; bước đầu tạo điều kiện cho nhân dân tham gia và giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức.
Trong giai đoạn tới, để thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011- 2020, sớm khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong công tác tuyên truyền về CCHC thành phố Cần Thơ, cần quan tâm đến một số nội dung sau:
Một là, CCHC phải được xác định là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị với phương châm là thường xuyên, kiên trì, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm. Xác định chủ thể được thụ hưởng những lợi ích của CCHC chính là nhân dân, các nhà đầu tư và doanh nghiệp nói chung. Vì vậy, tư tưởng chỉ đạo nhất quán, xuyên suốt là phải luôn lấy sự hài lòng của nhân dân, các nhà đầu tư, doanh nghiệp làm thước đo cho hiệu quả công tác CCHC.
Hai là, đẩy mạnh xã hội quá công tác CCHC, nhất là việc huy động, khai thác có hiệu quả các nguồn lực phục vụ cho công tác này. Nghiên cứu xây dựng cơ chế để phát huy tối đa dân chủ hóa trong CCHC, trước hết là sự tham gia ngày càng nhiều hơn, hiệu quả hơn của nhân dân, nhà đầu tư và các doanh nghiệp đối với công cuộc CCHC, nhất là giám sát trong việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức cũng như tổ chức, hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Ba là, xác định nhiệm vụ tuyên truyền, quán triệt về CCHC là nhiệm vụ thường xuyên cả trước mắt và lâu dài. Đây vừa là trách nhiệm của các cơ quan thông tin, truyền thông, vừa là trách nhiệm của những người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước. Do đó, cần có cơ chế phối hợp tích cực, có hiệu quả giữa các cơ quan hành chính nhà nước với các cơ quan thông tin, truyền thông, qua đó, tuyên truyền, quán triệt, giáo dục để cán bộ, công chức, viên chức cùng nhân dân và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về CCHC, phải coi CCHC là nhiệm vụ cấp bách có tính chất đột phá tạo phát triển bền vững.
Bốn là, nội dung tuyên truyền phải phù hợp, thiết thực với các đối tượng khác nhau. Cần phân biệt các đối tượng khác nhau với tư cách là các chủ thể khác nhau trong tiếp cận, tiến tới hiện thực hóa cũng như kiểm tra, giám sát công tác CCHC. Ví dụ như: đối tượng là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu các cấp ủy đảng, tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan nhà nước, các tổ chức sự nghiệp; đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức; đối tượng là người dân, các nhà đầu tư, các chủ doanh nghiệp… Sẽ có sự lựa chọn hình thức thông tin, tuyên truyền với các nội dung, khác nhau nhằm chuyển tải sinh động đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung, giải pháp của CCHC trên cơ sở phù hợp với yêu cầu, đặc điểm, tính chất, vai trò, nhiệm vụ của các chủ thể. Về nội dung tuyên truyền, cần nêu rõ những nêu những mặt tốt, tích cực cả những mặt yếu kém, hạn chế, khuyết điểm, chưa làm được hoặc các biểu hiện vi phạm chế độ, chính sách, vi phạm đạo đức công vụ… Sớm đưa nội dung Chương trình tổng thể CCHC nhà nước vào chương trình giảng dạy chuyên đề hoặc ngoại khóa của hệ thống các trường chuyên nghiệp và dạy nghề một cách thích hợp.
Năm là, công tác tuyên truyền CCHC phải thông qua nhiều hình thức với những giải pháp, biện pháp cụ thể, thiết thực, đồng bộ và cần được triển khai sâu rộng. Phát huy tối đa vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng và một số hình thức khác như: bản tin của các cơ quan, tờ rơi, tờ gấp, pano, áp phích, đối thoại trực tiếp, hội nghị phổ biến quán triệt, họp thôn, tổ dân phố. Duy trì ổn định tiến tới mở rộng các chuyên mục, chuyên trang về CCHC trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Cần Thơ, Cổng thông tin điện tử tỉnh và Trang thông tin điện tử của các sở, ngành, UBND cấp huyện. Thiết lập mục hỏi - đáp và trả lời ý kiến của người dân về TTHC của cơ quan, đơn vị hoặc điển hình hóa công tác CCHC. Xây dựng hệ thống đối thoại chính quyền - doanh nghiệp. Tăng cường tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về nội dung Chương trình tổng thể CCHC. Đẩy mạnh việc tổ chức đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo cấp tỉnh, lãnh đạo các ngành, địa phương với nhân dân, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp để trao đổi, tháo gỡ những vướng mắc, kiến nghị liên quan đến TTHC. Tổ chức biên soạn và phát hành rộng rãi các tài liệu, tờ gấp thông tin về CCHC, về quy trình giải quyết các loại TTHC theo từng lĩnh vực phù hợp.
Sáu là, cần bố trí đủ nguồn lực phục vụ cho công tác CCHC, trong đó có công tác tuyên truyền, trước hết là bố trí hợp lý cán bộ, công chức theo dõi công tác tuyên truyền trong các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện. Cán bộ, công chức phải được đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên để đáp ứng yêu cầu về phẩm chất, kỹ năng tổ chức thực hiện các nhiệm vụ CCHC, đồng thời còn là những “tuyên truyền viên” đích thực, hiệu quả về công tác này. Bên cạnh đó, cần tăng cường năng lực, ý thức trách nhiệm và kỹ năng nghề nghiệp cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên thuộc các cơ quan thông tấn, báo chí hoặc trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị. Tăng cường củng cố và phát triển đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên về CCHC. Bố trí đủ kinh phí và các trang thiết bị cần thiết phục vụ tuyên truyền về CCHC từ ngân sách nhà nước. Đồng thời, khuyến khích các cơ quan, đơn vị huy động các nguồn lực ngoài ngân sách để triển khai thực hiện công tác tuyên truyền về CCHC./.
Phạm Việt Trung
Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Cần Thơ
(Nguồn: Tạp chí Tổ chức Nhà nước số 6/2015)