Những điểm mới của Quyết định 09/2015/QĐ-TTg so với Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương

Những điểm mới của Quyết định 09/2015/QĐ-TTg so với Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương

Ngày 25 tháng 3 năm 2015 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg về ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, thay thế Quyết định 93/2007/QĐ-TTg ngày 22 tháng 6 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 5 năm 2015. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông phù hợp với tiến trình cải cách hành chính, trên cơ sở kế thừa những quy định của Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg, một số nội dung đã được sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh với mục tiêu nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho nhân dân. So sánh, đối chiếu với các quy định cũ, Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có những điểm mới quan trọng sau:

 

1. Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg làm rõ khái niệm cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông; bổ sung khái niệm về Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại;

 

2. Các nguyên tắc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông bổ sung thêm 02 điểm mới là: Việc yêu cầu bổ sung hồ sơ chỉ thực hiện không quá một lần trong suốt quá trình giải quyết hồ sơ tại một cơ quan chuyên môn; Việc thu phí phí, lệ phí của cá nhân, tổ chức được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

 

3. Quy định cụ thể 05 lĩnh vực về cơ chế một cửa liên thông được thực hiện trong giải quyết thủ tục hành chính là đầu tư, đất đai, đăng ký kinh doanh, cấp giấy phép xây dựng, tư pháp và các lĩnh vực khác tùy vào điều kiện của từng địa phương.

 

4. Bổ sung quy trình thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, gồm 04 bước:

a. Tiếp nhận hồ sơ:

- Có quy định nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính, nộp hồ sơ trực tuyến;

- Quy định bốn biểu mẫu chung là: Phiếu hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ; Sổ theo dõi hồ sơ và hẹn trả kết quả; phiếu kiểm soát quá trình giải quyết hồ sơ.

- Quy định thêm trường hợp công chức tiếp nhận hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả được phân công giải quyết hồ sơ.

b. Chuyển hồ sơ:

Sau khi tiếp nhận hồ sơ theo quy định, công chức lập phiếu kiểm soát quá trình giải quyết hồ sơ;

Chuyển hồ sơ và phiếu kiểm soát quá trình giải quyết hồ sơ cho cơ quan, tổ chức liên quan giải quyết;

Quy định phiếu kiểm soát quá trình giải quyết hồ sơ được chuyển theo hồ sơ và lưu tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

c. Giải quyết hồ sơ:

Trường hợp không quy định phải thẩm tra, xác minh hồ sơ;

Trường hợp có quy định phải thẩm tra, xác minh hồ sơ;

Quy định đối với các hồ sơ sau khi thẩm định không đủ điều kiện giải quyết;

Quy định đối với các hồ sơ quá hạn giải quyết.

d. Trả kết quả giải quyết hồ sơ:

Các hồ sơ đã giải quyết xong (có quy định trả hồ sơ qua dịch vụ bưu chính);

Đối với hồ sơ chưa đủ điều kiện giải quyết (yêu cầu có văn bản xin lỗi của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả nếu là lỗi của công chức khi tiếp nhận hồ sơ);

Đối với hồ sơ không giải quyết;

Đối với hồ sơ quá hạn giải quyết (yêu cầu có văn bản xin lỗi của cơ quan, đơn vị làm quá hạn giải quyết hồ sơ);

Đối với hồ sơ giải quyết xong trước thời hạn trả kết quả;

Trường hợp cá nhân, tổ chức chưa đến nhận hồ sơ theo giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả.

 

5. Xác định rõ các loại hình thực hiện liên thông: Liên thông giữa các cơ quan hành chính nhà nước cùng cấp (có 4 trường hợp); Liên thông giữa các cơ quan hành chính nhà nước các cấp (có 4 trường hợp).

 

6. Về Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả:

Bổ sung thêm trang thiết bị của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại (có phần cứng của hạ tầng công nghệ thông tin và các thiết bị chuyên dụng theo quy định; có đủ điều kiện để thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; áp dụng phầm mềm Một cửa điện tử theo quy định);

Quy định về yêu cầu, trách nhiệm, quyền lợi và quản lý công chức làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả Huyện Phong Điền

Ngoài ra, Quyết định 09/2015/QĐ-TTg còn nhiều quy định khác cụ thể hơn về: trách nhiệm triển khai cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông; kinh phí thực hiện; khen thưởng kỷ luật; thu phí, lệ phí; loại biểu mẫu áp dụng./.

Phòng CCHC