Kết quả triển khai cải cách chế độ công vụ, công chức của thành phố Cần Thơ

Kết quả triển khai cải cách chế độ công vụ, công chức của thành phố Cần Thơ

1. Thực hiện các nội dung về cải cách chế độ công vụ, công chức theo Quyết định số 1557/QĐ-TTg ngày 18 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Cần Thơ đã tập trung chỉ đạo triển khai công tác rà soát, sắp xếp về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, biên chế các cơ quan chuyên môn theo quy định tại Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, thành phố trực thuộc Trung ương(1) và Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2014 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh(2). Đến nay, UBND thành phố ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy của một số cơ quan theo hướng dẫn của Bộ, ngành có liên quan(3). Các cơ quan còn lại hiện đang chờ các Bộ chuyên ngành hướng dẫn để tổ chức thực hiện ổn định hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.

 

Nhìn chung, việc củng cố, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy quản lý hành chính các cấp, các ngành theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả; các sở, ban, ngành, UBND các cấp thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao; tổ chức phân công lao động và cơ chế hoạt động phù hợp, góp phần khắc phục sự chồng chéo, trùng lặp, trung gian.

 

Trên cơ sở Kế hoạch triển khai thực hiện “đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức trên địa bàn thành phố Cần Thơ”, UBND thành phố đã tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung, ban hành các văn bản thay thế những quy định về quản lý không còn phù hợp với quy định mới(4). Thông qua công tác phân cấp, các sở, ban ngành, UBND quận, huyện chủ động hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ, phát huy mạnh mẽ tính năng động, sáng tạo, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác chỉ đạo, điều hành; nâng cao tính chủ động, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác quản lý tổ chức, CBCCVC. 

 

Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, UBND thành phố tiếp tục triển khai thực hiện chính sách thu hút, hỗ trợ, khuyến khích nguồn nhân lực của thành phố Cần Thơ. Tuy nhiên, việc thu hút nguồn nhân lực trình độ cao trong thời gian qua chưa phát huy hiệu quả xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Do đó, tại kỳ họp Hội đồng nhân dân lần thứ 14, UBND thành phố đã trình Hội đồng nhân dân thành phố ban hành Nghị quyết số 17/2014/NQ-HĐND ngày 05 tháng 12 năm 2014 về chính sách thu hút, hỗ trợ, khuyến khích nguồn nhân lực thành phố Cần Thơ, giai đoạn 2015 – 2020 (trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá và khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 10/2010/NQ-HĐND về chính sách thu hút, hỗ trợ, khuyến khích nguồn nhân lực của thành phố). Theo đó, ngoài chính sách thu hút người có trình độ cao về công tác và chính sách hỗ trợ, khuyến khích CBCCVC đào tạo nâng cao trình độ, Thành phố còn thực hiện chính sách mời cộng tác ngắn hạn (thông qua hoạt động thẩm định dự án, chương trình, quy hoạch, chuyển giao công nghệ, dịch thuật …) theo hình thức hợp tác cá nhân hoặc theo nhóm chuyên môn.

 

Trên cơ sở tổng hợp chỉ tiêu, ngành nghề thu hút do các cơ quan, đơn vị đăng ký, ngày 09 tháng 4 năm 2015, UBND thành phố ban hành Quyết định số 1087/QĐ-UBND phê duyệt chỉ tiêu, danh mục ngành nghề thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực thành phố Cần Thơ năm 2015 – 2016. Theo đó, dự kiến số lượng thu hút năm 2015: Đơn vị sự nghiệp nghiên cứu, khoa học công nghệ, bảo trợ xã hội:  21 (Tiến sĩ: 18; Bác sĩ: 03); Đơn vị sự nghiệp y tế: 80 (Tiến sĩ: 02; Thạc sĩ - Bác sĩ: 27; Bác sĩ chuyên khoa cấp 1: 41; Bác sĩ, cử nhân ngành y: 10).

 

2. Kết quả triển khai thực hiện việc xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức

 

a) Xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch viên chức

 

 Đối với Đề án vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 41/2012/NĐ-CP ngày 08 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập, Thông tư số 14/2012/TT-BNV ngày 18 tháng 12 năm 2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định số 41/2012/NĐ-CP; UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Nội vụ tổ chức triển khai, hướng dẫn cơ quan, đơn vị tiếp cận, nghiên cứu và tổ chức thực hiện. Đến nay, 100% đơn vị sự nghiệp trên địa bàn thành phố đã hoàn chỉnh Đề án.

 

b) Xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức

 

Thực hiện Nghị định số 36/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, Thông tư số 05/2013/TT-BNV ngày 25 tháng 6 năm 2013 của Bộ Nội vụ. UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 05/KH-UBND ngày 22 tháng 01 năm 2014 về xây dựng Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức trong cơ quan hành chính trên địa bàn thành phố và đã tổ chức Hội nghị triển khai, tập huấn các nội dung liên quan cho Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, ban ngành thuộc UBND dân thành phố; Chủ tịch UBND quận, huyện và đại diện lãnh đạo các Ban Đảng, đoàn thể trên địa bàn thành phố. Đồng thời, đối tượng lãnh đạo, quản lý cấp phòng cũng được hướng dẫn cụ thể phương pháp tiếp cận do Ban Quản lý Dự án Tăng cường tác động cải cách hành chính thành phố Cần Thơ và Sở Nội vụ phối hợp thực hiện.

 

Trong quá trình thực hiện xây dựng Đề án vị trí việc làm của thành phố đã gặp một số vướng mắc, khó khăn nên tiến độ xây dựng Đề án hoàn thành chậm so với Kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, trên tinh thần bám sát theo nội dung quy định của Nghị định số 36 và Thông tư số 05, đến nay 100% các cơ quan hành chính và UBND quận huyện của thành phố (22/22 Sở, và cơ quan nganh Sở; 9/9 UBND quận, huyện) đã hoàn thành việc xây dựng Đề án vị trí việc làm và UBND thành phố đã tổng hợp, xây dựng Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức của thành phố Cần Thơ gửi Bộ Nội vụ thẩm định, phê duyệt.

 

3. Việc ứng dụng phần mềm tổ chức thi trên máy tính vào các kỳ thi tuyển, thi nâng ngạch công chức

 

Ngay từ kỳ thi tuyển, thi nâng ngạch năm 2011 đến nay, thành phố Cần Thơ đã thực hiện việc thi tuyển trên máy đối với môn thi tin học (01 trong số 04 môn thi bắc buộc trong thi tuyển, thi nâng ngạch công chức) nhằm góp phần nâng cao xác định chất lượng thi tuyển, thi nâng ngạch thông qua ứng dụng công nghệ thông tin. Riêng năm 2014, thành phố Cần Thơ đã hoàn thành công tác tổ chức kỳ thi thi tuyển công chức với 1.086 thí sinh đăng ký dự thi vào 81 chỉ tiêu (kết quả: 71 thí sinh trúng tuyển theo chỉ tiêu vị trí việc làm được phê duyệt, thiếu 10 chỉ tiêu ở một số nhóm ngành không người dự thi hoặc không có người trúng tuyển tại chỉ tiêu dự thi).

 

Trong thời gian hoàn thiện triển khai và nhân rộng việc áp dụng thi tuyển qua phần mềm trên máy tính, UBND thành phố đã giao Sở Nội vụ phối hợp với Trường Đại học Kỹ thuật – Công nghệ nghiên cứu áp dụng thi trên máy đối với môn ngoại ngữ và trắc nghiệm chuyên ngành. Hiện nay phần mềm này đang ở giai đoạn hoàn thành các nội dung cuối cùng, dự kiến áp dụng vào kỳ thi tuyển công chức 2015 (tổ chức vào tháng 10 – 11/2015).

 

4. Triển khai thực hiện thí điểm đổi mới tuyển chọn lãnh đạo cấp sở, cấp phòng

 

Trong năm 2014, thành phố đã hoàn thành công tác tổ chức thi tuyển chức danh Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ (đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố), chức danh Phó Giám đốc bệnh viện Đa khoa huyện Thới Lai (đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Y tế), Phó Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Bùi Hữu Nghĩa (đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo).

 

Tuy nhiên, sau khi Bộ Chính trị ban hành Thông báo số 202-TB/TW ngày 26 tháng 5 năm 2015 thông báo Kết luận của Bộ Chính trị về Đề án Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng; theo đó, thành phố đã tạm dừng việc tổ chức thi tuyển công chức lãnh đạo, quản lý theo các đề án do địa phương xây dựng để chờ Trung ương có văn bản hướng dẫn thực hiện.

 

5. Triển khai thực hiện việc cập nhật, quản lý thông tin hồ sơ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương

 

Thời gian qua, các cơ sở dữ liệu về đội ngũ CBCCVC chỉ đơn thuần phục vụ cho việc thống kê, báo cáo khi có yêu cầu; việc tổng hợp số liệu được thực hiện thủ công, mất nhiều thời gian và nguồn nhân lực để thực hiện, chưa mang tính khoa học do chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu về đội ngũ CBCCVC để phục vụ cho công tác quản lý CBCCVC. Hiện nay, thành phố đang triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu về CBCCVC toàn thành phố, thông qua việc ứng dụng phần mềm quản lý văn bản thông tin CBCCVC tại sở, ban, ngành, quận, huyện, xã, phường, thị trấn. Đến tháng 6/2015 phần mềm đã được đưa vào sử dụng bước đầu tại tất cả các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, đã cập nhật thông tin của 12.568/25.228 CBCCVC toàn thành phố; đạt tỷ lệ 49,81%. Dự kiến hoàn thành nhập liệu thông tin CBCCVC và phần mềm quản lý thông tin CBCCVC thành phố vào cuối tháng 9 năm 2015.

 

Đạt được những kết quả nêu, nguyên nhân quan trọng nhất là thành phố được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nội vụ, Thành ủy và HĐND thành phố Trong thời gian qua UBND thành phố đã có sự chỉ đạo, điều hành sát sao, quyết liệt các nội dung, nhiệm vụ cải cách chế độ công vụ, công chức. Chính vì vậy công tác này bước đầu đã có những chuyển biến tích cực, hoàn thành phần lớn các nội dung, nhiệm vụ theo kế hoạch đặt ra. Các cơ quan, đơn vị, địa phương không ngừng hoàn thiện, kiện toàn tổ chức bộ máy, ban hành quy chế tổ chức, làm việc theo yêu cầu tình hình mới, nâng cao tính kỷ cương, kỷ luật, trách nhiệm trong hoạt động công vụ;

 

Bên cạnh đó, việc phân cấp thẩm quyền cho các cơ quan, đơn vị, địa phương quản lý một số lĩnh vực đối với CBCCVC thuộc quyền quản lý đã tạo điều kiện cho việc quản lý CBCCVC đảm bảo sát với điều kiện thực tế, công tác quản lý được chặt chẽ hơn, góp phần nâng cao chất lượng quản lý đội ngũ CBCCVC; giảm thiểu khối lượng công việc mang tính chất sự vụ, sự việc tập trung quá mức ở một cơ quan đầu mối quản lý CBCCVC. Đồng thời, việc phân cấp thẩm quyền cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trực tiếp thực hiện một số nội dung trong công tác quản lý CBCCVC đã rút ngắn thời gian giải quyết một số thủ tục hành chính liên quan đến công tác quản lý CBCCVC, góp phần tiết kiệm đáng kể thời gian, công sức của CBCCVC trực tiếp tham gia giải quyết các thủ tục hành chính và công dân. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ CBCCVC cơ bản đã đáp ứng cho công tác quản lý.

 

Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Đó là:

 

Hiện nay do chưa có hướng dẫn cụ thể về cách thức tính định mức thời gian lao động (hao phí lao động) cho một công việc hay nhiệm vụ cụ thể để làm cơ sở cho việc xác định số lượng người làm việc phù hợp, ảnh hưởng đến công tác thực hiện và thẩm định. Một số Bộ, ngành Trung ương quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành chậm ban hành văn bản quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức thuộc ngành, lĩnh vực quản lý nên khi triển khai xác định vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập không đồng bộ và ảnh hưởng đến việc tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp của viên chức.

 

Hiện tại, việc phân cấp quản lý CBCCVC của từng địa phương thực hiện theo quy định riêng của mỗi địa phương. Tuy nhiên tình trạng phân cấp quản lý không đồng bộ và không thống nhất giữa các địa phương đã gây trở ngại và khó khăn đối với một số lĩnh vực, đơn cử như công tác điều động, thuyên chuyển công chức, viên chức giữa các tỉnh, thành phố. Mỗi địa phương triển khai phân cấp quản lý CBCCVC ở những thời điểm khác nhau và mức độ phân cấp, nội dung phân cấp khác nhau đã gây nên tình trạng không đồng bộ và không thống nhất. Việc quản lý CBCCVC theo phân cấp trong nội bộ tỉnh, thành phố có thể thực hiện tương đối ổn định nhưng nếu phát sinh quan hệ với các tỉnh, thành phố có phân cấp khác sẽ gây nên rất nhiều khó khăn.

 

Thành phố Cần Thơ đã xác đinh những định hướng cải cách chế độ công vụ, công chức trong thời gian tới cụ thể như sau:

 

1. Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp trong công tác quản lý, sử dụng công chức; gắn thẩm quyền tuyển dụng với thẩm quyền sử dụng; kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan chuyên môn, cơ quan trực thuộc UBND thành phố, UBND quận, huyện theo hướng tinh gọn, tránh chồng chéo hay bỏ sót chức năng, nhiệm vụ.

 

2. Tiếp tục hoàn thiện việc xác định danh mục vị trí việc làm, xác định vị trí việc làm và cơ cấu công chức theo ngạch trong cơ quan, đơn vị, địa phương theo quy định và hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương.

 

3. Tổ chức thực hiện việc hệ thống tiêu chuẩn, chức danh ngạch công chức và tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng trở lên theo văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

 

4. Nâng cao hơn nữa chất lượng thi tuyển, thi nâng ngạch công chức, trên cơ sở lựa chọn người có phẩm chất, trình độ và năng lực để tuyển dụng hoặc bổ nhiệm vào các ngạch cao hơn. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào thi tuyển, nâng ngạch công chức.

 

5. Thực hiện các quy định của Chính phủ đề cao trách nhiệm trong hoạt động thực thi công vụ của cán bộ, công chức và gắn chế độ trách nhiệm cùng kết quả thực thi công vụ với các chế tài về khen thưởng, kỷ luật, thăng tiến, đãi ngộ. Đặc biệt là đề cao trách nhiệm và thẩm quyền của người đứng đầu.

 

6. Thực hiện có hiệu quả chính sách tinh giản biên chế gắn với công tác sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị, địa phương và đánh giá phân loại CBCCVC để tinh gọn bộ máy quản lý và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC.

 

7. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 19/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực trong công tác quản lý công chức, viên chức và thi đua, khen thưởng./.

Nguyễn Việt Thuỳ Uyên - PTP. CCHC