Theo kết quả công bố các Chỉ số năm 2019, Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) Thành phố Cần Thơ đạt 81,25%, xếp vị trí thứ 29/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 0,15% và giảm 23 bậc so với năm 2018. Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công (PAPI) đạt 45,71/80 điểm, xếp thứ 08/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, giữ nguyên thứ hạng so với năm 2018, Chỉ số Đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2019 đạt 80,39% (mức trung bình của cả nước là 84,45%), đứng thứ 51/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; giảm 6 bậc so với năm 2018. Qua kết quả đó cho thấy tính bền vững của các chỉ số là chưa cao, nhiều nội dung vẫn cần được cải thiện để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Để khắc phục những hạn chế, tiếp tục cải thiện và nâng cao các chỉ số nêu trên trong năm 2020 và những năm tiếp theo Chủ tịch UBND thành phố vừa có văn bản chỉ đạo triển khai một số giải pháp nâng cao các chỉ số liên quan đến công tác cải cách hành chính.
Hình ảnh người dân đang làm thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa quận Cái Răng
Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan ban, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn triển khai đầy đủ và nghiêm túc các nội dung theo Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Tất cả các hồ sơ trễ hẹn phải được công khai xin lỗi; đồng thời, phải thông báo trước cho người dân, tổ chức về việc hồ sơ trễ hẹn, không để tình trạng đến ngày người dân, tổ chức nhận kết quả mới thông báo hồ sơ chưa có kết quả hoặc cần điều chỉnh, bổ sung. Việc hẹn lại tối đa không quá 1 (một) lần. Xác định trách nhiệm của các cá nhân liên quan đến từng hồ sơ trễ hẹn. Xem xét, đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ đối với công chức có từ 3 (ba) lần gây trễ hẹn hồ sơ của người dân, tổ chức trở lên trong một năm. Đối với các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn từ 5% xem như không hoàn thành nhiệm vụ và xem xét xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị;
Thực hiện "4 xin, 4 luôn" (xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ trong công việc hàng ngày) đối với người dân, tổ chức trong quá trình tiếp nhận và giải quyết TTHC; Kịp thời tiếp nhận và giải quyết các phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức. Xem xét giải quyết triệt để, thỏa đáng các phản ánh, kiến nghị theo quy định của pháp luật. Không bao che, giấu giếm các vi phạm để người dân khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp lên cấp trên;
Giao Sở Nội vụ là cơ quan thường trực tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố theo dõi Chỉ số PAR INDEX, PAPI, SIPAS; đôn đốc, nhắc nhở các sở, ban, ngành thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện trong việc triển khai thực hiện các giải pháp cải thiện chỉ số. Lồng ghép kiểm tra việc triển khai giải pháp khắc phục các hạn chế của chỉ số vào nội dung kiểm tra cải cách hành chính hàng năm. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc tuyển dụng, công chức, viên chức, đảm bảo việc tuyển dụng khách quan, công bằng, đúng quy định pháp luật;
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo chSở Thông tin và Truyền thông; Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố; Sở Tư pháp; Sở Tài chính; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Kế hoạch và Đầu tư ; Thanh tra thành phố triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để cải thiện các chỉ số thành phần có liên quan
Ngoài ra, Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường đến cuối năm 2020 giảm tối thiểu 50% số lượng hồ sơ trễ hẹn so với năm 2019. Xem xét xử lý trách nhiệm các cá nhân gây nên tình trạng hồ sơ trễ hẹn hoặc gây khó khăn, nhũng nhiễu trong quá trình tiếp nhận và giải quyết TTHC cho người dân, tổ chức; Chủ động phối hợp đề xuất, xây dựng các quy trình liên thông với các ngành, các cấp có liên quan để rút ngắn thời gian giải quyết TTHC trong lĩnh vực đất đai.
Trung Hậu