Ý kiến của Bộ Nội vụ về trình tự phê duyệt, giao biên chế công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập của địa phương

Ngày 03/9/2023, Bộ Nội vụ ban hành Công văn 4966/BNV-TCBC về trình tự phê duyệt, giao biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập của địa phương.

Theo đó, ngày 18/7/2022, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 70-QĐ/TW về quản lý biên chế của hệ thống chính trị đã giao Ban Tổ chức Trung ương trực tiếp quản lý và giao biên chế cho địa phương (bao gồm biên chế của Hội đồng nhân dân và UBND cấp tỉnh trở xuống), Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực tiếp quản lý biên chế được giao, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai giao biên chế cho các cơ quan, địa phương.

Để thực hiện chủ trương của Đảng tại Quy định số 70-QĐ/TW và bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Tổ chức chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Nghị định số 62/2020/NĐ-CP và Nghị định số 106/2020/NĐ-CP, Bộ Nội vụ có ý kiến về trình tự phê duyệt, giao biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập của địa phương hằng năm trong giai đoạn 2022 - 2026 như sau:

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên) của địa phương căn cứ quy định tại Nghị định số 62/2020/NĐ-CP, Nghị định số 106/2020/NĐ-CP và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về định mức biên chế công chức, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập để xây dựng kế hoạch biên chế công chức, số lượng người làm việc (bao gồm: số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước và số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp) hằng năm gửi Sở Nội vụ để thẩm định.

Sở Nội vụ tiếp nhận hồ sơ, thẩm định kế hoạch biên chế công chức, số lượng người làm việc hằng năm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên của địa phương; tổng hợp, lập kế hoạch biên chế công chức, số lượng người làm việc hằng năm của địa phương, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

UBND cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy để báo cáo Ban Tổ chức Trung ương quyết định giao biên chế, số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và có ý kiến đối với số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp trong các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên thuộc ngành, lĩnh vực chưa có hướng dẫn của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực về định mức số lượng người làm việc của địa phương.

Trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định biên chế công chức, phê duyệt số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên của địa phương sau khi được Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy thông qua/phê duyệt trong tổng biên chế đã được Ban Tổ chức Trung ương giao.

Quyết định giao, điều chỉnh biên chế công chức, số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước đối với từng cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của địa phương trong tổng biên chế đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

Quyết định giao, điều chỉnh số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên thuộc phạm vi quản lý theo quy định.

Trên cơ sở các ý kiến nêu trên, Bộ Nội vụ đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu để thực hiện theo đúng quy định./.

Khang Anh