(CT) - Chiều 30-8, Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số tổ chức phiên họp chuyên đề lần thứ 2, với chủ đề “Giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực”.
Phiên họp do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì, được tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến tại 63 điểm cầu UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Tại điểm cầu TP Cần Thơ, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cùng lãnh đạo các sở, ngành hữu quan dự phiên họp.
Theo báo cáo của Bộ TT&TT, hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ là lĩnh vực có mức độ lan tỏa công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), chiếm 28% quy mô kinh tế số ngành, lĩnh vực; hoạt động của Ðảng, tổ chức chính trị - xã hội, quản lý Nhà nước, an ninh quốc phòng..., chiếm 20,5%; hoạt động giáo dục và đào tạo, chiếm 19%; hoạt động bán buôn, bán lẻ, chiếm 17%… Các tỉnh, thành phố có mức độ lan tỏa ICT trong các ngành, lĩnh vực nhiều nhất là TP. Hồ Chí Minh, TP. Ðà Nẵng, tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Phú Thọ và tỉnh Thừa Thiên Huế. Tại phiên họp, đại diện các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong lĩnh vực ICT đã tập trung thảo luận, chia sẻ các giải pháp nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh để thúc đẩy kinh tế số; phát triển cửa khẩu số để thúc đẩy kinh tế cửa khẩu địa phương; chuyển đổi số thành công ở doanh nghiệp ngành dệt may, chuyển đổi số ngành logistics, chuyển đổi số hoạt động cảng biển… Qua đó, phiên họp được kỳ vọng giúp các tỉnh, thành phố tìm kiếm được các công cụ, giải pháp đột phá thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực.
Ðể đạt mục tiêu kinh tế số, chiếm tối thiểu 20% GDP vào năm 2025 theo “Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030”, Bộ TT&TT phối hợp cùng các bộ, ngành và các địa phương, khẩn trương triển khai kế hoạch, chương trình hành động thực hiện chiến lược phát triển kinh tế số. Tại mỗi vùng kinh tế trọng điểm, sẽ hình thành ít nhất một trung tâm dữ liệu lớn vùng và một trung tâm chuyển đổi số vùng, trong đó tập trung các doanh nghiệp số phát triển, thí điểm các giải pháp số, sản phẩm số, bồi dưỡng nguồn nhân lực số của vùng; giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất về chuyển đổi số để tiếp tục lan tỏa đến các địa phương trong vùng; tập trung các nguồn lực triển khai, thúc đẩy các nền tảng số quốc gia, trong đó sẽ thực hiện thí điểm ở 10 nhóm nền tảng số các ngành, lĩnh vực. Cùng với đó, các địa phương xây dựng, bổ sung kế hoạch, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại 100% các cơ sở giáo dục và đào tạo, các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đô thị; đồng thời triển khai bồi dưỡng, hướng dẫn chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng bộ công cụ đánh giá mức độ trưởng thành về chuyển đổi số, đảm bảo đến năm 2023 sẽ có trên 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận, dùng thử các nền tảng chuyển đổi số doanh nghiệp và có trên 30% doanh nghiệp thường xuyên sử dụng các nền tảng chuyển đổi số… Qua đó, góp phần tạo điều kiện cho các địa phương xác định được mục tiêu thực hiện các giải pháp đột phá, thúc đẩy phát triển nền tảng số ở các ngành, lĩnh vực.
Tại phiên họp, Bộ TT&TT cùng với Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đã ký kết bản thỏa thuận hợp tác về hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và thúc đẩy phát triển kinh tế số.
MỸ HOA
Nguồn: baocantho.com.vn