Trong 8 tháng đầu năm 2024, có hơn 7,2 triệu văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2024 (từ ngày 01/01/2024 đến ngày 19/8/2024), có hơn 7,2 triệu văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia. 

Trong 8 tháng đầu năm 2024, có hơn 7,2 triệu văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia.

Về hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số

Chính phủ, các bộ, ngành đã tập trung xây dựng, ban hành thể chế, chính sách để hoàn thiện môi trường pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Cụ thể, trong tháng 8/2024, đã ban hành thêm 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 01 Thông tư. 

Thủ tướng Chính phủ đồng ý đề nghị của Bộ Tư pháp về việc mở rộng thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID trên toàn quốc từ 01/10/2024 đến 30/6/2025. 

Bộ Thông tin và Truyền thông - cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã xây dựng, ban hành hướng dẫn Khung chuyển đổi số cấp Bộ, bao gồm các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm các bộ, ngành cần tập trung triển khai trong thời gian tới, kèm theo là hướng dẫn chi tiết các bước, cách làm.

Về lãnh đạo, điều hành triển khai chuyển đổi số

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 715/QĐ-TTg ngày 26/7/2024 về việc kiện toàn thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Quyết định số 791/QĐ-TTg ngày 05/8/2024 về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; Công điện số 83/CĐ-TTg ngày 23/8/2024 về việc tăng cường đào tạo nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây; Quyết định số 805/QĐ-TTg ngày 07/8/2024 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hạ tầng thông tin và Truyền thông thời kỳ 221-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 865/QĐ-TTg ngày 17/8/2024 phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119 - 1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2 - 1089 thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc).

Về cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT)

Về cung cấp DVCTT toàn trình: Triển khai cung cấp DVCTT toàn trình đạt tỷ lệ 55,5%, trong đó khối bộ đạt tỷ lệ 59,68%, khối tỉnh đạt tỷ lệ 55,38%. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của cả nước đạt 43%, trong đó khối bộ đạt tỷ lệ 50%, khối tỉnh đạt tỷ lệ 17%.

Về ban hành chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp thực hiện DVCTT: Có 63/63 địa phương đã ban hành chính sách về phí, lệ phí, trong đó có 03 tỉnh, thành phố ban hành chính sách miễn phí, lệ phí; 57 tỉnh, thành phố ban hành chính sách giảm tối đa 50% phí, lệ phí. Có 15/63 tỉnh, thành phố đã ban hành chính sách giảm thời gian để khuyến khích người dân sử dụng DVCTT.

Về các nền tảng, hệ thống phục vụ công tác quản lý, điều hành, tác nghiệp trong cơ quan nhà nước trên môi trường số

Xử lý hồ sơ công việc trong cơ quan nhà nước: Đến hết tháng 7/2024, tỷ lệ hồ sơ công việc tại cấp bộ được xử lý trên môi trường mạng đạt 89,35%. Tỷ lệ công tác báo cáo được thực hiện trên hệ thống thông tin báo cáo quốc gia là 37,4%.

Trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước: 100% hệ thống quản lý văn bản và điều hành của các bộ, ngành, địa phương đã được kết nối thông suốt qua Trục liên thông văn bản quốc gia.

Phát triển dữ liệu số: Đến nay hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã hoạch định rõ và ban hành danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung của mình với tổng số gần 3 nghìn cơ sở dữ liệu. Đến thời điểm tháng 8/2024, đã có 08 địa phương ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030 (Hải Dương, Sơn La, Hà Giang, Lạng Sơn, Nghệ An, Ninh Thuận, Thừa Thiên Huế, Yên Bái).

Trục liên thông văn bản quốc gia: Từ ngày 20/7/2024 đến ngày 20/8/2024, số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia là 768,390 nghìn văn bản (143,756 nghìn văn bản gửi và 624,634 nghìn văn bản nhận). Trong 8 tháng đầu năm 2024 (từ ngày 01/01/2024 đến ngày 19/8/2024), có hơn 7,2 triệu văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia. Tính đến nay, có 42,2 triệu văn bản gửi, nhận qua Trục.

Cổng Dịch vụ công quốc gia: Từ ngày 20/7/2024 đến ngày 20/8/2024, Cổng đã có hơn 9,2 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 2,7 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; hơn 2,9 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 832 tỷ đồng. Tính đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 4,473 nghìn dịch vụ công trực tuyến; hơn 353 triệu hồ sơ đồng bộ; 58,4 triệu hồ sơ trực tuyến từ Cổng; hơn 34,4 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 16,533 nghìn tỷ đồng; hơn 539 nghìn cuộc gọi tới tổng đài.

Hiện có 63/63 địa phương, 13/20 bộ, ngành hoàn thành việc kết nối Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh với Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Về kết nối Phần mềm dịch vụ công liên thông “Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, giải quyết mai táng phí, tử tuất”, tính đến ngày 21/8/2024, đã có 34/63 địa phương chính thức triển khai theo quy trình của Nghị định số 63/2024/NĐ-CP, còn 29 địa phương chưa thực hiện xong công tác tích hợp trên môi trường kiểm thử, chưa gửi đề nghị để kiểm tra an ninh, an toàn.

Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ: Từ ngày 20/7/2024 đến ngày 20/8/2024, Hệ thống đã phục vụ 01 phiên họp và xử lý 30 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ, thay thế hơn 09 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy. Lũy kế đến nay, Hệ thống đã phục vụ 102 hội nghị, phiên họp của Chính phủ và thực hiện xử lý 2,384 nghìn phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ, thay thế hơn 819,9 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy.

Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Văn phòng Chính phủ đã cập nhật 417 file dữ liệu lên kho dữ liệu nội dung; tiếp tục xây dựng và cập nhật kho dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, đã có 69/179 chế độ báo cáo được tích hợp hoặc nhập liệu trực tiếp trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kết nối, liên thông với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành của 15 bộ, cơ quan, tập đoàn, tổng công ty nhà nước và 63 địa phương để cung cấp thông tin, dữ liệu với 38 chỉ tiêu thông tin trực tuyến; hình thành 04 bộ chỉ số điều hành; thống kê; theo dõi, giám sát; kinh tế - xã hội địa phương.

Về phát triển kinh tế số

Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh giải pháp triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với dịch vụ ăn uống chống thất thu thuế, thất thu ngân sách với 78,588 nghìn doanh nghiệp, hộ kinh doanh đăng ký sử dụng (tăng hơn 3 nghìn doanh nghiệp, hộ kinh doanh so với tháng 7/2024), số lượng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền sử dụng là 648,1 triệu hóa đơn (tăng 81,7 triệu hóa đơn so với tháng 7/2024).

Đã có 06 tổ chức tín dụng (Vietcombank, Viettinbank, BIDV, LPBank, NamABank, MBBank) hoàn thành kết nối tài khoản an sinh xã hội với tài khoản ngân hàng phục vụ cho việc chi trả an sinh xã hội với số tiền được chi trả lên tới hơn 800 tỷ đồng.

Về triển khai thanh toán không dùng tiền mặt: Có khoảng 74% số người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại 43 tỉnh, thành phố và thống nhất từ ngày 01/9/2024 đồng loạt triển khai thực hiện chi trả không dùng tiền mặt trên toàn quốc.

Sau hơn 4 năm phát động chuyển đổi số, tỷ lệ cá nhân, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp có thể dễ dàng gửi nhận hóa đơn điện tử với nhau và với cơ quan thuế sử dụng nền tảng công nghệ số đạt 100%.

Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số: Tính đến hết ngày 12/8/2024, số lượt doanh nghiệp tiếp cận Chương trình đạt 1.255.068 lượt, ước đạt 78,45% kế hoạch năm (là 1.600.000 lượt). Số lượng doanh nghiệp sử dụng nền tảng của Chương trình là 346.670, ước đạt 86,68% kế hoạch năm (là 400.000 doanh nghiệp).

Về số lượng lượt tải ứng dụng di động: Ước tính 06 tháng gần đây, Việt Nam tiếp tục giữ thứ hạng 11 toàn cầu và thứ hạng 31 toàn cầu về doanh thu thanh toán qua ứng dụng. Mặc dù việc tải xuống các ứng dụng miễn phí giảm, tuy nhiên Việt Nam lại ghi nhận xu hướng gia tăng tải xuống các ứng dụng trả phí với số liệu tăng trưởng tăng 11% so với cùng kỳ 06 tháng trước. 07 ứng dụng Việt Nam có trên 10 triệu tài khoản người dùng hoạt động thường xuyên (chiếm 18,92% số ứng dụng thuộc nhóm này); 10 ứng dụng có từ 5-10 triệu tài khoản người dùng hoạt động thường xuyên (chiếm 23,81% số lượng ứng dụng nhóm này) và 43 ứng dụng có từ 1-5 triệu tài khoản người dùng hoạt động thường xuyên (chiếm 24,02% số lượng ứng dụng nhóm này).

Về phát triển xã hội số

Theo thống kê của Bộ Công an, đến tháng 8/2024 đã cấp trên 87,7 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip. Đã kích hoạt 57,1 triệu tài khoản định danh (tăng 0,7 triệu tài khoản so với tháng 7/2024). Bộ Công an đã triển khai bổ sung các tiện ích mới trên VNeID: Sử dụng căn cước điện tử; lý lịch tư pháp; xác thực sinh trắc học và chia sẻ thông tin trên VNeID; sử dụng bằng lái xe trên VNeID; đăng ký tạm trú trên VNeID.

Triển khai phổ cập kỹ năng số cho người dân thông qua hoạt động của Tổ Công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ): Có 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập các Tổ CNSCĐ đến từng thôn, tổ dân phố, khu dân cư, khóm, ấp dân cư với 93.524 Tổ CNSCĐ và gần 457.820 thành viên, trong đó 63/63 tỉnh, thành phố hoàn thành 100% đến cấp xã. 

Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số trên Nền tảng học trực tuyến mở đại trà (MOOCs) cho người dân, cán bộ, công chức: Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng Nền tảng học trực tuyến mở đại trà tại địa chỉ https://onetouch.mic.gov.vn (Nền tảng OneTouch) để phổ cập kỹ năng số cho mọi đối tượng.

Về An toàn thông tin

Trong tháng 8/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 349 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, giảm 75,1% so với cùng kỳ tháng 8/2023 (1,402 nghìn cuộc). Trong 8 tháng đầu năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 4,029 nghìn cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, giảm 53,2% so với cùng kỳ 2023 (8,600 nghìn cuộc).

Tính đến tháng 8/2024, tổng số hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước là 7,638 nghìn hệ thống, trong đó số hệ thống thông tin được phân loại và thực hiện bảo vệ theo cấp độ là 5,885 nghìn hệ thống, đạt tỷ lệ 77%, tăng 14% so với cùng kỳ tháng 8/2023./.

Mạnh Tuyền - Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ

Nguồn: tcnn.vn