Triển khai các giải pháp cụ thể, thiết thực nâng cao hiệu quả công tác CCHC của Bộ Nội vụ

Sáng ngày 16/01/2024, tại Trụ sở Bộ, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Bộ Nội vụ (Ban Chỉ đạo) chủ trì cuộc họp mở rộng của Ban Chỉ đạo để đánh giá kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2023 của Bộ Nội vụ; triển khai nhiệm vụ công tác cải cách hành chính năm 2024 của Bộ Nội vụ. Tham dự cuộc họp có các thành viên Ban Chỉ đạo; lãnh đạo và chuyên viên phụ trách cải cách hành chính của các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Bộ Nội vụ phát biểu chỉ đạo cuộc họp.

Báo cáo kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2023 của Bộ Nội vụ, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính Phạm Minh Hùng, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo cho biết: năm 2023 Bộ Nội vụ tiếp tục theo dõi đôn đốc hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC) bám sát các nội dung Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030; tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch kiểm tra công tác CCHC của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ (Ban Chỉ đạo), Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo - Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo - Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã tổ chức các đoàn kiểm tra công tác CCHC tại các địa phương như: Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế, Nghệ An. Thông qua kiểm tra của Ban Chỉ đạo đã đánh giá kết quả triển khai công tác CCHC và kịp thời chỉ đạo triển khai các giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các địa phương, qua đó nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC...

Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính Phạm Minh Hùng, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Bộ Nội vụ trình bày báo cáo.

Về cải cách thể chế: Các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) về lĩnh vực nội vụ đều bảo đảm tính khả thi và đồng bộ. Đến nay, Bộ Nội vụ không có văn bản nợ ban hành quy định chi tiết. Việc phối hợp với các cơ quan, đặc biệt là Bộ Tư pháp trong công tác xây dựng pháp luật, tham gia các Hội đồng thẩm định, tư vấn thẩm định VBQPPL được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc. Công tác kiểm tra, rà soát, hợp nhất VBQPPL; pháp điển hệ thống QPPL; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; công tác theo dõi thi hành pháp luật; rà soát văn bản theo yêu cầu của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ; rà soát, cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về pháp luật các VBQPPL thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ đã được nghiêm túc tổ chức thực hiện theo quy định và đạt kết quả tốt.

Về cải cách thủ tục hành chính (TTHC): Năm 2023, Bộ đã ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác kiểm soát TTHC; Kế hoạch kiểm soát TTHC năm 2023; Quyết định công bố TTHC nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Nội vụ; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa TTHC thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ; báo cáo đánh giá tình hình kết quả triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC quy định tại Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định số 107/2021/NĐ-CP của Chính phủ,…

Thực hiện tái cấu trúc các quy trình, nâng cấp và công bố Danh mục 48 TTHC có đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Nội vụ, kết nối Cổng Dịch vụ công quốc gia (Quyết định số 1006/QĐ-BNV ngày 14/12/2023); trong năm 2023, Bộ đã tiếp nhận, chuyển giao 245 hồ sơ qua Bộ phận Một cửa, trong đó: 144 hồ sơ tiếp nhận trực tiếp, 99 hồ sơ tiếp nhận qua bưu điện, 02 hồ sơ nhận trực tuyến.

Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính: Thực hiện ý kiến chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Đã tập trung xây dựng Đề án Đổi mới cơ chế quản lý, tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL), phục vụ sơ kết 05 năm Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương; tham mưu Chính phủ triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về việc tiếp tục triển khai các Nghị quyết nêu trên; báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ kết quả rà soát số liệu biên chế viên chức đang đảm nhiệm vị trí việc làm là công chức tại các bộ, ngành, địa phương để điều chỉnh, bổ sung biên chế đối với một số bộ, ngành do được giao thêm nhiệm vụ; trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 10/7/2023 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 50-KL/TW; đã xây dựng dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 62-KL/TW để xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương. Tham mưu, báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị về việc báo cáo nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định của Chính phủ về tiêu chí xác định số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức hành chính, ĐVSNCL theo tinh thần các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và Kế hoạch số 07-KH/TW ngày 27/11/2017 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Về thực hiện chính sách tinh giản biên chế: Tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 03/6/2023 quy định về tinh giản biên chế (thay thế các Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, Nghị định số 113/2018/NĐ-CP, Nghị định số 143/2020/NĐ-CP) . 

Về vị trí việc làm: Đến nay, đã có 20/20 bộ, cơ quan ngang bộ ban hành Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành; 15/15 bộ, cơ quan ngang bộ ban hành Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm viên chức nghiệp vụ chuyên ngành. Ngày 08/12/2023, Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai xây dựng, quản lý vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính, ĐVSNCL. 

Về cải cách chế độ công vụ: Tham mưu Ban Cán sự đảng Bộ báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị 02 đề án, văn bản; xây dựng Báo cáo chuyên đề của Ban Cán sự đảng Chính phủ về thực trạng và nhiệm vụ, giải pháp chấn chỉnh, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm trong đội ngũ cán bộ, công chức thuộc các cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương và địa phương,...

Công tác đánh giá, xếp loại chất lượng công chức, viên chức có nhiều đổi mới, đi vào thực chất, đánh giá năng lực và hiệu quả làm việc; tham mưu cấp có thẩm quyền bỏ quy định bắt buộc chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học và cắt giảm quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh nghề nghiệp viên chức trong công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng chính sách đổi mới về tuyển dụng công chức, viên chức, thu hút trọng dụng nhân tài,...

Về chính sách tiền lương: Tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, trong đó, tăng lương cơ sở từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.800.000 đồng/tháng (tăng 20,8%) từ ngày 01/7/2023; đã tham mưu Chính phủ trình Ban Chấp hành Trung ương và trình Quốc hội thông qua lộ trình cải cách chính sách tiền lương từ ngày 01/7/2024.

Về cải cách tài chính công: Tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính của các ĐVSNCL thuộc và trực thuộc Bộ; đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính các cơ quan hành chính; siết chặt kỷ cương tài chính, tăng cường việc kiểm tra, giám sát kịp thời chấn chỉnh công tác quản lý tài chính, tài sản công, đầu tư công tại các đơn vị dự toán thuộc và trực thuộc Bộ.

Về xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số: Bộ Nội vụ đã ban hành Kế hoạch triển khai nhiệm vụ thuộc Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Bộ Nội vụ; Kế hoạch chuyển đổi số năm 2023 của Bộ Nội vụ; Danh mục CSDL dùng chung làm nền tảng chuyển đổi số và danh mục dữ liệu mở của Bộ; Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của Bộ Nội vụ và hoàn thành xây dựng phần mềm chấm điểm chỉ số chuyển đổi số của Bộ Nội vụ,…

Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo CCHC của Bộ đã tập trung trao đổi, đóng góp ý kiến nhằm đánh giá tình hình, kết quả công tác CCHC năm 2023, đề xuất phương hướng triển khai nhiệm vụ năm 2024; đánh giá, phân tích kết quả Chỉ số CCHC năm 2023 của Bộ Nội vụ và đề xuất giải pháp cải thiện, nâng cao Chỉ số CCHC của Bộ những năm tiếp theo.

Quanh cảnh cuộc họp.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Bộ Nội vụ ghi nhận, đánh giá cao ý kiến đóng góp của các thành viên Ban Chỉ đạo và các đại biểu tham dự.

Trong thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị tập trung triển khai các nội dung sau: Đề xuất, tham mưu lãnh đạo Bộ ban hành và triển khai các giải pháp cụ thể, thiết thực để tổ chức triển khai có hiệu quả công tác CCHC của Bộ Nội vụ; tổ chức tọa đàm, hội thảo, tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng cho đội ngũ công chức, viên chức thực hiện công tác CCHC tại các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ; tham mưu giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động Bộ phận Một cửa của Bộ và các đơn vị trực thuộc Bộ; tiếp tục rà soát, đề xuất cắt giảm đơn giản hóa TTHC thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành VBQPPL và tổ chức thi hành pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ; tập trung triển khai các nhiệm vụ xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số của Bộ theo theo các kế hoạch đã ban hành..../.

Mạnh Quân

Nguồn: tcnn.vn