(CTO) - Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ vừa ký ban hành Đề án số 02/ĐA-UBND sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã giai đoạn 2023-2025 của TP Cần Thơ.
Thành phố có phương án bố trí, sắp xếp CBCC và người hoạt động không chuyên trách của ĐVHC phường mới sau sắp xếp. Trong ảnh: Công chức UBND phường An Cư, quận Ninh Kiều xử lý hồ sơ của người dân tại Bộ phận Một cửa. Ảnh: CTV
Theo đó, TP Cần Thơ có 4 phường của quận Ninh Kiều thuộc diện sắp xếp thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025. Theo Đề án, thành phố sẽ nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của 4 phường: An Phú, An Nghiệp, An Cư và Thới Bình để thành lập ĐVHC phường mới, dự kiến đặt tên là phường Thới Bình.
Sau sắp xếp, sáp nhập thì phường Thới Bình có diện tích tự nhiên là 1,99km2 (đạt 36,11% so với tiêu chuẩn); quy mô dân số 56.364 người, đạt 375,76% (so với tiêu chuẩn). Dự kiến nơi đặt trụ sở làm việc của ĐVHC: tại UBND phường Thới Bình, quận Ninh Kiều.
- Sau khi thực hiện sắp xếp, toàn thành phố có 80 ĐVHC cấp xã, gồm: 36 xã, 39 phường và 5 thị trấn. Số lượng ĐVHC cấp xã giảm do sắp xếp là 3 ĐVHC.
- Với việc sắp xếp 4 phường: An Phú, An Nghiệp, An Cư và Thới Bình để thành lập một phường mới sẽ giúp tăng thêm nguồn lực về đất đai, về nhân lực... ĐVHC mới thành lập có điều kiện để phát triển thành một trung tâm kinh tế - xã hội của quận Ninh Kiều nói riêng và của thành phố nói chung.
Về phương án bố trí, sắp xếp CBCC và người hoạt động không chuyên trách của ĐVHC phường mới sau sắp xếp:
- Đối với đội ngũ CBCC của ĐVHC phường mới thành lập được bố trí số lượng tối đa là 23 người theo Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày10/6/2023 của Chính phủ.
- Đối với đội ngũ người hoạt động không chuyên trách của ĐVHC phường mới thành lập được bố trí số lượng tối đa là 14 người theo Nghị quyết số 14/2023/NQ-HĐND ngày 08/12/2023 của Hội đồng Nhân dân thành phố.
- Ngoài ra, căn cứ quy định tại Điều 6, Điều 33 Nghị định số 33/2023/NĐ-CP và quy định của HĐND thành phố về giao số lượng CBCC, người hoạt động không chuyên trách cấp xã đối với ĐVHC phường mới thành lập để bố trí số lượng CC và người hoạt động không chuyên trách của phường được tăng thêm theo quy mô dân số và quy mô diện tích tự nhiên của ĐVHC phường.
Sau khi sắp xếp, theo phương án sắp xếp và giải pháp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, có tổng số 58 CBCC phường và 42 người hoạt động không chuyên trách của 03 ĐVHC phường dôi dư thuộc phạm vi sắp xếp, bố trí theo các phương án sau:
+ Đối với số lượng CB các phường dôi dư (bao gồm như: Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND và Trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội): các địa phương căn cứ theo các tiêu chuẩn quy định về công tác cán bộ, thực hiện lựa chọn những người đảm bảo đủ tiêu chuẩn để bầu giữ các chức vụ lãnh đạo ở phường mới theo quy định, số cán bộ lãnh đạo còn lại dôi dư thực hiện cho bảo lưu hệ số phụ cấp chức vụ theo quy định.
+ Điều động, bố trí giữ các vị trí phù hợp với trình độ chuyên môn được đào tạo và chức danh theo quy định tại các ĐVHC cùng cấp khác trên địa bàn còn khuyết nhân sự.
+ Thực hiện xét chuyển từ CBCC các phường thành CC cấp huyện trở lên đối với các trường hợp đủ điều kiện để bố trí vào các vị trí tại các phòng, ban, ngành của quận và các phòng, ban chuyên môn của sở, ban, ngành thành phố còn khuyết nhân sự.
+ Vận động CBCCVC và người hoạt động không chuyên trách lớn tuổi, chưa đạt chuẩn tự nguyện xin nghỉ để hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
+ Giải quyết chế độ nghỉ hưu, giải quyết chế độ nghỉ việc theo nguyện vọng cá nhân và thực hiện chính sách tinh giản biên chế đối với CBCCVC dôi dư sau khi sắp xếp theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP của Chính phủ về tinh giản biên chế.
Một góc phố thuộc phường An Cư - một trong 4 phường thuộc diện sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023-2025. Ảnh: Q. THÁI
Về phương án giải quyết chế độ, chính sách khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã:
- Thực hiện bảo lưu các chế độ, chính sách về tiền lương và phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với những người được tiếp tục làm việc nhưng không giữ các chức vụ trước đây cho đến hết nhiệm kỳ bầu cử hoặc hết thời hạn bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý. Trường hợp thời hạn còn lại của nhiệm kỳ bầu cử hoặc thời hạn bổ nhiệm dưới 6 tháng thì được bảo lưu tròn 6 tháng. Sau khi hết thời hạn được bảo lưu thì lương và phụ cấp chức vụ (nếu có) được thực hiện theo chức vụ, chức danh hiện giữ hoặc giải quyết nghỉ chế độ theo quy định.
- CBCCVC, người lao động dôi dư của cơ quan, tổ chức do sắp xếp ĐVHC các phường tùy từng trường hợp được tuyển dụng, tiếp nhận, điều động, luân chuyển đến làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị của quận Ninh Kiều và các quận, huyện khác; các cơ quan, tổ chức đảng cấp thành phố; các sở, ngành thành phố, các đơn vị sự nghiệp công lập cấp thành phố; các tổ chức chính trị - xã hội cấp thành phố theo yêu cầu nhiệm vụ hoặc hưởng các chế độ, chính sách đối với người nghỉ hưu, thôi việc, tinh giản biên chế theo quy định của Chính phủ.
- Ngoài các chế độ, chính sách quy định của Trung ương, trên cơ sở cân đối ngân sách địa phương, UBND thành phố sẽ trình HĐND thành phố ban hành chính sách hỗ trợ đối với CBCCVC, người lao động dôi dư của cơ quan, tổ chức do sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn.
UBND thành phố giao Sở Nội vụ phối hợp UBND quận Ninh Kiều chỉ đạo UBND của 4 phường: An Phú, An Nghiệp, An Cư và Thới Bình tổ chức lấy ý kiến trực tiếp của cử tri trên địa bàn đối với Đề án. - Thời gian lấy ý kiến: Từ ngày 26-3 đến ngày 29-3-2024. - Hình thức lấy ý kiến: Lấy ý kiến cử tri hộ gia đình thông qua phát phiếu lấy ý kiến trực tiếp. UBND thành lập các tổ phát phiếu lấy ý kiến gửi trực tiếp đến từng hộ gia đình cử tri, tổng hợp kết quả lấy ý kiến; công tác lấy ý kiến cử tri đảm bảo công khai, dân chủ theo đúng quy định pháp luật và thuận tiện cho người dân. Sau khi hoàn thành xong việc lấy ý kiến cử tri của 4 phường, sẽ tổng hợp kết quả lấy ý kiến để chuẩn bị cho công tác tổ chức kỳ họp HĐND cấp phường, cấp quận và thành phố để thông qua chủ trương sắp xếp ĐVHC các phường giai đoạn 2023-2025 của thành phố (dự kiến các kỳ họp diễn ra từ ngày 5 đến ngày 21-4-2024). |
Q. THÁI
Nguồn: baocantho.com.vn