Tại Thông báo số 252/TB-VPCP ngày 29/6/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra công vụ, trong đó chú trọng việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về cải cách thủ tục hành chính (TTHC), kịp thời đề xuất với Thủ tướng Chính phủ khen thưởng, phê bình những cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt hoặc không tốt công tác này theo quy định của pháp luật.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang giao Bộ Nội vụ chủ trì tổ chức thanh tra, kiểm tra công vụ, trong đó chú trọng việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về cải cách TTHC.
Thông báo số 252/TB-VPCP nêu rõ: bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cải cách TTHC vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như người đứng đầu một số cơ quan chưa thực sự quan tâm, quyết liệt chỉ đạo; việc rà soát, trình và thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh còn chậm (còn 714/1.146 quy định đã được phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa chưa được thực thi) và chưa chú trọng tham vấn lấy ý kiến các hiệp hội, doanh nghiệp, đối tượng chịu tác động khi ban hành TTHC, quy định kinh doanh; 618/699 TTHC chưa được thực thi phương án phân cấp; 808/1.146 TTHC chưa được đơn giản hóa theo 19 Nghị quyết chuyên đề về đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý cư dân; việc công bố TTHC nội bộ tại một số cơ quan chậm tiến độ, phạm vi chưa đầy đủ; triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; việc tái cấu trúc quy trình, cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện với người dùng. Ngoài ra, số lượng các tổ chức phối hợp liên ngành hiện nay còn nhiều, trong đó, một số tổ chức hoạt động chưa hiệu quả, chưa đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đặt ra.
Để khắc phục tồn tại, hạn chế nêu trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu:
Các bộ, ngành, địa phương: Thực hiện rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa ngay các quy định, TTHC (bao gồm cả TTHC nội bộ và phân cấp, ủy quyền trong giải quyết TTHC) liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống của Nhân dân, nhất là các quy định, TTHC theo chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại văn bản số 547/TTg-KSTT ngày 15/6/2023.
Thực hiện nghiêm việc công bố, công khai, minh bạch, đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin về TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định, hành vi hành chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Thực hiện đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công dựa trên dữ liệu trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm và công bố, công khai các cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, đơn vị để xảy ra chậm trễ, gây phiền hà.
Thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động quy định, TTHC trong đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, trong đó kiên quyết chỉ ban hành TTHC, quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh mới trong trường hợp thật sự cần thiết, bảo đảm tính hợp lý, hợp pháp với chi phí tuân thủ thấp.
Chủ động thực hiện các nhiệm vụ cải cách TTHC gắn với việc triển khai Đề án 06 và Chương trình chuyển đổi số quốc gia; tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức tạo đồng thuận trong việc triển khai.
Các bộ, cơ quan làm nhiệm vụ cơ quan thường trực của các tổ chức phối hợp liên ngành chủ động đánh giá hiệu quả hoạt động, đề xuất phương án kiện toàn, giải thể các tổ chức phối hợp liên ngành (bao gồm cả tổ chức tư vấn chính sách cho Thủ tướng Chính phủ) gửi Bộ Nội vụ trước ngày 20/7/2023 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thực hiện báo cáo điện tử về tình hình, kết quả công tác cải cách TTHC, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp trên Hệ thống thông tin báo cáo của Văn phòng Chính phủ theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ.
Bộ Nội vụ: Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra công vụ, trong đó chú trọng việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về cải cách TTHC, kịp thời đề xuất với Thủ tướng Chính phủ khen thưởng, phê bình những cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt hoặc không tốt công tác này theo quy định của pháp luật.
Trên cơ sở rà soát của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan tổng hợp rà soát, đề xuất phương án kiện toàn các tổ chức phối hợp liên ngành, trong đó bao gồm cả tổ tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian trình trong tháng 7/2023.
Văn phòng Chính phủ: Trình Thủ tướng Chính phủ kiện toàn Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ theo hướng gọn nhẹ, thực chất, hiệu quả; thành viên là đại diện các cơ quan, hội, hiệp hội, tổ chức do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ là Chủ tịch. Hội đồng phải kịp thời cung cấp thông tin, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp; định kỳ hoặc đột xuất tổ chức đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ gồm từ 10-12 thành viên do Phó Thủ tướng Chính phủ làm Tổ trưởng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm Tổ phó thường trực, Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm Tổ phó, Thứ trưởng Bộ Công an - Tổ phó thường trực Tổ công tác triển khai Đề án 06 làm Tổ phó, lãnh đạo một số bộ, cơ quan làm thành viên và Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC làm Ủy viên thường trực. Tổ công tác có nhiệm vụ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các Chương trình, Kế hoạch, Đề án về cải cách TTHC; kỷ cương hành chính và nhận diện các khó khăn, vướng mắc, kịp thời tháo gỡ, thúc đẩy triển khai, trước mắt tập trung vào các phương án cắt giảm, đơn giản hóa, phương án phân cấp đã phê duyệt nhưng chưa được thực thi..../.
Duy Thái
Nguồn: tcnn.vn