Xác định kinh tế số là động lực chính cho tăng trưởng nhanh và bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã và đang phối hợp các bộ, ngành và các địa phương, khẩn trương triển khai các kế hoạch, hành động hiện thực hóa các đột phá trong chiến lược triển kinh tế số ngành, lĩnh vực.
Công ty CP May Tây Đô tăng cường ứng dụng các trang thiết bị, công nghệ hiện đại vào sản xuất, để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường...
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, để đạt mục tiêu kinh tế số chiếm tối thiểu 20% GDP vào năm 2025 như “Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số” đề ra, kinh tế số phải tăng trưởng gấp 3-4 lần tăng trưởng GDP, tức là tăng từ 20-25%/năm. Và đây là nhiệm vụ khó khăn, thách thức và cần phải có giải pháp đột phá mới có thể đạt được. Hiện Bộ TT&TT cùng các bộ chủ quản ở các ngành, lĩnh vực đã và đang xác định vai trò, vị trí pháp lý của các nền tảng số; triển khai thi hành Luật Giao dịch điện tử và xây dựng hành lang pháp lý để quản lý các nền tảng số, quy định trách nhiệm của chủ quản nền tảng trong kết nối, phục vụ đo lường, giám sát trực tuyến để phát hiện sớm sai phạm, góp phần đảm bảo kinh tế số phát triển bền vững, lành mạnh và bảo đảm quyền lợi của các chủ thể tham gia. Ðồng thời, đề nghị các bộ, ngành và địa phương lập kế hoạch, triển khai hành động thúc đẩy các nền tảng số quốc gia. Trong đó, sẽ tập trung triển khai thí điểm 10 nền tảng số các ngành, lĩnh vực, như nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch; nền tảng du lịch Việt Nam; nền tảng sàn giao dịch nông sản kết nối nông dân, vùng trồng, hợp tác xã, cơ sở chế biến và các kênh số kinh doanh thương mại; nền tảng dữ liệu số nông nghiệp; nền tảng cảng biển số; nền tảng cửa khẩu số; nền tảng quản trị và kinh doanh vận tải; nền tảng giao hàng chặng cuối, nền tảng bản đồ số và nền tảng chuyển đổi số xưởng may.
Xác định việc phổ cập smartphone (điện thoại thông minh) là một trong những yếu tố quan trọng để người dân chuyển đổi các hoạt động, từ thế giới thực lên môi trường số, thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội số. Hiện cả nước có 25 tỉnh, thành phố có tỷ lệ thuê bao smartphone cao hơn 80% và 38 địa phương có tỷ lệ dưới 80%. Theo đó, ngoài việc triển khai chương trình hành động thúc đẩy tỷ lệ người dân sử dụng smartphone tại các tỉnh, thành còn thấp, Bộ TT&TT đã tăng cường chỉ đạo doanh nghiệp xây dựng và triển khai chương trình chuyển đổi thuê bao sử dụng công nghệ cũ 2G hoặc 3G sang smartphone (hỗ trợ chi phí máy smartphone; ban hành các gói cước hỗ trợ việc thuê bao chuyển đổi, các cơ chế hỗ trợ thanh toán cho thuê bao khi chuyển đổi); đẩy mạnh hỗ trợ ứng dụng công nghệ từ 4G trở lên, góp phần tăng cường chuyển đổi các máy di động smartphone hoạt động trên mạng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc nhập khẩu, lưu thông các máy điện thoại 2G Only, 3G Only; triển khai giải pháp ngăn chặn máy 2G Only, 3G Only (không tuân thủ Quy chuẩn QCVN 117:2020/BTTTT), kết nối vào mạng viễn thông di động và triển khai các giải pháp truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân, thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang sử dụng smartphone.
Cùng với giải pháp hoàn thiện khung pháp lý, thúc đẩy tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh tại các địa phương, kinh tế số muốn phát triển phải có đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp công nghệ số năng động, xông xáo và doanh nghiệp công nghệ số cũng phải dựa vào sự phát triển của kinh tế số. Chia sẻ về những chương trình của các bộ, ngành trong hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, nâng cao năng lực thích ứng trong tình hình mới, ông Ðỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư (KH&ÐT), cho biết: Chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số doanh nghiệp nói riêng luôn được Chính phủ xác định là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu để hiện thực hóa các đột phá chiến lược. Bởi đây chính là một trong những nhân tố quan trọng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh mới. Theo đó, Bộ KH&ÐT đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Bộ TT&TT, với mong muốn cụ thể hóa hơn nữa sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, trong hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số doanh nghiệp và phát triển kinh tế số ngày càng hiệu quả, chất lượng.
Theo ông Trung, để hỗ trợ chuyển đổi số ở doanh nghiệp, Bộ KH&ÐT đã huy động các nguồn lực trong và ngoài nước, phối hợp với các bộ, ngành, nhất là Bộ TT&TT và các địa phương triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 với nhiều nội dung cụ thể và bước đầu gặt hái được những kết quả tích cực, đáng ghi nhận. Ðến nay, đã có nhiều doanh nghiệp mạnh dạn bước vào giai đoạn chuyển đổi số, với trọng tâm là công tác số hóa dữ liệu, chuẩn hóa quy trình, ứng dụng công nghệ số, tiến tới chuyển đổi số trên phạm vi rộng và đồng bộ hơn.
Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) là một trong doanh nghiệp xuất sắc nhất năm 2022 và là đơn vị tiên phong thực hiện giải pháp chuyển đổi số quốc gia. Theo đại diện của Vinatex, đặc thù của ngành may là sử dụng nhiều công nhân lao động tại các dây chuyền sản xuất, nên việc ứng dụng công nghệ, thực hiện số hóa từ việc quản trị sản xuất, quản trị nhân sự và quản trị tài chính đã được Ban lãnh đạo Vinatex thực hiện theo từng giai đoạn và bước đầu đã thu được kết quả đáng ghi nhận. Hiện Vinatex có 100 nhà máy may mặc ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, với quy mô hơn 50.000 công nhân viên đã thực hiện chuyển đổi kỹ thuật số… Việc ứng dụng số hóa từ quy trình, công nghệ đến nguồn nhân lực đã giúp cho Ban lãnh đạo Vinatex ngày càng thuận tiện khi làm việc từ xa, đánh giá chất lượng công việc từng phòng, ban và dễ dàng ra quyết định dựa trên dữ liệu số. Không chỉ vậy, việc ứng dụng số hóa vào hoạt động động sản xuất kinh doanh đã giúp cho Vinatex tăng 20% năng suất; tiết giảm 10% chi phí sản xuất; giảm tải 15% thời gian quản lý đơn hàng và đã kết nối hơn 1.000 đơn hàng cho các xưởng may tại Việt Nam.
Ông Ngô Văn Chơn, Giám đốc điều hành Công ty CP May Tây Ðô, cho biết: Ðể nâng cao năng lực thích ứng trong bối cảnh chuyển đổi của nền kinh tế số, Công ty đã không ngừng đầu tư ứng dụng công nghệ mới, trang bị hệ thống dây chuyền sản xuất tự động; kết hợp ứng dụng các loại máy may điện tử có công nghệ hiện đại, với khả năng may từ 3-4 khâu trong quy trình may sản phẩm; áp dụng hệ thống quản lý điều hành theo tiêu chuẩn châu Âu. Bên cạnh việc đầu tư công nghệ, Công ty còn chú trọng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ quản lý và công nhân làm việc trong các xưởng may... Nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ số trong hoạt động sản xuất, nên sản phẩm của May Tây Ðô ngày càng đạt chất lượng vượt trội so với các mặt hàng may mặc cùng loại, đáp ứng được yêu cầu cũng như thị hiếu của khách hàng trong và ngoài nước. Với những ưu thế này, đã giúp cho May Tây Ðô củng cố được thị trường tiêu thụ, ổn định doanh thu, đảm bảo việc làm cho hơn 1.250 công nhân và người lao động làm việc tại May Tây Ðô trong điều kiện tình hình xuất khẩu khó khăn, ngành hàng may mặc bị sụt giảm như hiện nay.
Cùng với sự vào cuộc của các bộ, ngành và các địa phương trong bối cảnh số hóa, nhiều doanh nghiệp đã phát huy nội lực tăng cường ứng dụng số, để cắt giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thích ứng với bối cảnh mới của nền kinh tế số. Tuy nhiên, những kết quả đã đạt được vẫn còn khiêm tốn, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong quá trình chuyển đổi số. Ðể trợ lực cho doanh nghiệp, Bộ KH&ÐT cùng với Bộ TT&TT đã và đang thúc đẩy các địa phương triển khai các chương trình hành động, hướng dẫn chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng bộ công cụ đánh giá mức độ trưởng thành về chuyển đổi số, đảm bảo đến hết năm 2023, sẽ có trên 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận, dùng thử các nền tảng chuyển đổi số doanh nghiệp và có trên 30% doanh nghiệp thường xuyên sử dụng các nền tảng chuyển đổi số. Ðồng thời, đề xuất tại mỗi vùng kinh tế trọng điểm hình thành ít nhất một trung tâm dữ liệu lớn vùng và một trung tâm chuyển đổi số vùng, tập trung các doanh nghiệp số, phát triển, thí điểm các giải pháp số, sản phẩm số, bồi dưỡng nguồn nhân lực số của vùng; giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất về chuyển đổi số để tiếp tục lan tỏa đến các địa phương trong vùng… Từ đó, thúc đẩy chuyển đổi số để tạo ra kinh tế số trong từng ngành, từng lĩnh vực, đưa dữ liệu và công nghệ số thẩm thấu một cách tự nhiên, mặc định vào từng hoạt động của nền kinh tế.
Bài ảnh: MỸ HOA
Nguồn: baocantho.com.vn