Chiều 30/8/2023, tại Hà Nội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo lấy ý kiến chuyên gia về dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi). Các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang, Nguyễn Thị Mai Phương, Nguyễn Phương Thủy chủ trì Hội thảo. Cùng dự có đại diện Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ), đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan ở Trung ương và địa phương, chuyên gia trong lĩnh vực lưu trữ…
Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng trình bày Báo cáo đề dẫn về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi).
Báo cáo đề dẫn về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ) Đặng Thanh Tùng cho biết, Luật Lưu trữ năm 2011 được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để thống nhất quản lý công tác lưu trữ trong phạm vi toàn quốc. Qua hơn 10 năm thực hiện, công tác lưu trữ trong các cơ quan, tổ chức ở Trung ương, địa phương và lưu trữ lịch sử các cấp đã có những chuyển biến tích cực, đáp ứng ngày càng tốt hơn hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành công việc của cơ quan, tổ chức cũng như yêu cầu khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ của xã hội, góp phần tích cực vào công cuộc cải cách nền hành chính nhà nước và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh kết quả đã đạt được, với sự phát triển của kinh tế - xã hội, tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Luật Lưu trữ hiện hành đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, một số quy định không còn phù hợp với tình hình thực tiễn. Cùng với đó, thời gian qua, Đảng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách mới về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, toàn diện và hội nhập quốc tế, trong đó có lĩnh vực lưu trữ.
Quốc hội đã ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan trong lĩnh vực lưu trữ (như Luật An ninh mạng năm 2018, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018, Luật Tiếp cận thông tin năm 2015, Luật An toàn thông tin mạng năm 2015...). Do đó, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) và hiện đã hoàn thành đủ các thủ tục, quy trình theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: T.Hải
Phát biểu tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi Luật Lưu trữ là cần thiết nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, khắc phục kịp thời những bất cập, hạn chế trong thực tiễn công tác lưu trữ hiện nay, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia và xây dựng Chính phủ điện tử. Các đại biểu cũng đánh giá cao việc Quốc hội đưa dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và 2024, dự kiến sẽ cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Sáu (tháng 10/2023).
Tham luận và đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), các đại biểu đã tập trung vào các nội dung mới so với Luật Lưu trữ năm 2011, cụ thể về: thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ, lưu trữ tài liệu điện tử, phát huy giá trị tài liệu, hoạt động lưu trữ tư, hoạt động dịch vụ lưu trữ...
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh, các ý kiến trao đổi, thảo luận tại Hội thảo đã làm rõ hơn những bất cập, hạn chế trong chính sách, pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật về lưu trữ; đề xuất nhiều giải pháp hoàn thiện pháp luật về lưu trữ để đổi mới hoạt động quản lý và thực hiện các nghiệp vụ lưu trữ, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ… Đây là những thông tin hữu ích để Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nghiên cứu trong quá trình thẩm tra, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) gồm 09 chương, 54 điều (tăng 02 chương 12 điều so với Luật Lưu trữ năm 2011) do Bộ Nội vụ chủ trì nghiên cứu, soạn thảo; dự kiến trình Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Sáu (tháng 10/2023) và trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Bảy (tháng 5/2024). |
Nhật Nam
Nguồn: tcnn.vn