1. TÍCH CỰC XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN THỂ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐÁP ỨNG YÊU CẦU THỰC TIỄN TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC NGÀNH NỘI VỤ |
Chủ trì xây dựng, trình Chính phủ để trình Quốc hội khóa XV thông qua 02 Luật: Luật Thi đua, khen thưởng và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 06 Nghị quyết.
Chiều ngày 15/6/2022, tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). |
Trình Chính phủ ban hành 06 Nghị định và 02 Nghị quyết; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 08 Quyết định; Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành theo thẩm quyền 16 Thông tư, 09 văn bản hợp nhất và nhiều văn bản, đề án quan trọng khác. Hoàn thành việc thẩm định 26/26 dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, đến nay còn 04 dự thảo Nghị định tiếp tục hoàn thiện trình Chính phủ ban hành theo quy định.
2. TIẾP TỤC SẮP XẾP TỔ CHỨC BỘ MÁY HÀNH CHÍNH VÀ ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP
Tham mưu Ban Chỉ đạo Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối trung gian; khắc phục tình trạng trùng lặp, chồng chéo, bỏ sót hoặc không rõ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý. Trong năm 2022, ở Bộ, ngành Trung ương giảm được 17 Tổng cục và tổ chức tương đương; giảm 08 Cục thuộc Tổng cục và thuộc Bộ; giảm 145 Vụ/Ban thuộc Tổng cục và thuộc Bộ; ở địa phương, tiếp tục giảm được 711 tổ chức phòng thuộc cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện. Đến nay, 63 tỉnh, thành phố đã giảm được 2.159 tổ chức phòng và tương đương. Đến năm 2022, cả nước giảm 7.469 đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2016. Riêng năm 2022, ở Bộ, ngành Trung ương giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ cấu tổ chức của các Bộ, ngành; ở địa phương giảm 1.020 đơn vị sự nghiệp công lập.
3. ĐỔI MỚI CÔNG TÁC QUẢN LÝ CÔNG VỤ VÀ CÔNG CHỨC
Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách về tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và đổi mới quản lý biên chế; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và tháo gỡ các vướng mắc trong hợp đồng lao động đơn vị hành chính, sự nghiệp và thăng hạng, nâng ngạch công chức, viên chức…
Tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng biên chế công chức của cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước của Bộ, ngành, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, biên chế hội quần chúng; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế giai đoạn 2022 - 2026 và từng năm, đảm bảo đến hết năm 2026 giảm tối thiểu 5% biên chế công chức, giảm 10% số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021. Tham mưu Chính phủ trình cấp có thẩm quyền bổ sung 65.980 biên chế viên chức giáo dục giai đoạn 2022 - 2026. Trong đó, năm học 2022 - 2023 giao 27.850 biên chế viên chức giáo dục.
Giai đoạn 2020 - 2022 đã tuyển dụng 18.867 công chức và 125.104 viên chức. Trong đó, tuyển dụng theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP được 140 sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ; kết quả tuyển dụng đã cơ bản khắc phục kịp thời tình trạng gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, nghỉ việc thời gian qua.
4. XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG TINH GỌN
Thẩm định, trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành 04 Nghị quyết về mở rộng, nâng cấp đô thị; đang tiếp tục thẩm định các đề án mở rộng, nâng cấp đô thị theo đề nghị của 10 địa phương. Tiếp tục tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện quy định về tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng.
Toàn ngành Nội vụ đã tập trung giải quyết số lượng người dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021, kết quả: cấp huyện, đến ngày 30/6/2022, đã giải quyết được 361/706 người, đạt 51,1%; cấp xã, đến ngày 30/6/2022 đã giải quyết được 6.657/9.705 người, đạt 68,6%; đã giải quyết được 7.956/8.448 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, đạt 94,2%.
5. CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH GẮN VỚI CHUYỂN ĐỔI SỐ
Tham mưu Chính phủ, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cải cách hành chính theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ; triển khai khoa học, chặt chẽ, công phu việc công bố Chỉ số SIPAS năm 2021 và Chỉ số PAR INDEX năm 2021 của các Bộ, ngành, địa phương; Chỉ số PAR INDEX năm 2021 bình quân đạt 86,37%, tăng 2,65 điểm phần trăm so với năm 2020; Chỉ số SIPAS năm 2021 bình quân đạt 87,16% tăng 1,68 điểm phần trăm so với năm 2020.
Cải cách hành chính năm 2022 đã có nhiều bước tiến rõ nét, tiêu biểu là cải cách thể chế được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt và hiệu quả, tiếp tục cắt giảm mạnh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến quốc gia. Tính đến ngày 30/11/2022, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện mức độ 4 đạt 98% (chiếm 55,7% tổng số thủ tục hành chính); phối hợp thực hiện tích cực, hiệu quả các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chính quyền số.
Đẩy mạnh triển khai Đề án chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, xây dựng, ban hành Quy chế quản lý, vận hành và bảo đảm an toàn thông tin của Trung tâm tích hợp dữ liệu Bộ Nội vụ.
6. CÔNG TÁC THI ĐUA, KHEN THƯỞNG ĐI VÀO THỰC CHẤT
Bộ Nội vụ đã tham mưu triển khai thực hiện các nội dung về khen thưởng thành tích kháng chiến theo Kết luận của Bộ Chính trị; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tuyên truyền gương điển hình tiên tiến” giai đoạn 2021 - 2025. Tổ chức các Đoàn giám sát việc thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025” và phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025; tổ chức thành công Lễ phát động phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện.
7. CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO
Năm 2022, Bộ Nội vụ đã tổ chức thành công nhiều sự kiện quan trọng liên quan đến công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; tham mưu Chủ tịch nước gặp mặt Đoàn chức sắc Lãnh đạo Hội thánh và tổ chức Cao Đài; tổ chức thành công Hội nghị Thủ tướng Chính phủ biểu dương các tổ chức tôn giáo có đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hướng dẫn và hỗ trợ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức thành công Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022 - 2027; Đại hội của Hội đồng Giám mục Việt Nam lần thứ XV, nhiệm kỳ 2022 - 2025; Đại hội Hội thánh Cao Đài Tây Ninh và nhiều hoạt động đối ngoại về tín ngưỡng, tôn giáo, góp phần quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
8. TỔ CHỨC THÀNH CÔNG NHIỀU SỰ KIỆN ĐỐI NGOẠI
Năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng hoạt động đối ngoại của Bộ Nội vụ vẫn được chú trọng và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Sau 20 năm, Việt Nam đăng cai tổ chức thành công Hội nghị những người đứng đầu các nền công vụ ASEAN và ASEAN+3, các nước đối thoại và Diễn đàn về Quản trị đất nước tốt được Ban Thư ký ASEAN, các đại biểu tham dự Hội nghị và cộng đồng quốc tế đánh giá cao vai trò, vị trí của Bộ Nội vụ Việt Nam trong khu vực, góp phần nâng cao vị thế đất nước, hình ảnh, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Năm 2022, tổ chức thành công nhiều chuyến công tác nước ngoài tại Cộng hòa Pháp, Nhật Bản, Canada, Cu Ba, Chi Lê, Na Uy, Singapore...; ký kết nhiều văn kiện quan trọng trong hợp tác quốc tế giữa Bộ Nội vụ với các đối tác. Qua đó, góp phần vào việc hiện thực hóa mục tiêu thu hút nguồn lực và kinh nghiệm quốc tế vào việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực Nội vụ./.
Nguồn: tcnn.vn