Rắc rối khi mượn hồ sơ người khác đi làm việc

Vì nhiều nguyên nhân khác nhau, không ít người lao động (NLĐ) mượn hồ sơ tư pháp của người khác để xin việc tại các công ty, xí nghiệp. Thực trạng này gây nhiều hệ lụy, khó khăn, không chỉ cho cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) mà cả NLĐ, khi thực hiện yêu cầu xem xét, giải quyết các chế độ hưởng BHXH.

NLĐ làm thủ tục hưởng chế độ BHXH tại Bộ phận Một cửa BHXH TP Cần Thơ.

Hơn 15 năm làm công nhân một công ty chế biến thủy sản, chị Trần Thị Kiều T ở phường Thới An, quận Ô Môn quyết định nghỉ việc. Mới đây, chị làm thủ tục xin hưởng chế độ BHXH một lần thì gặp trục trặc. Nguyên nhân là trước đây, chị T cho em ruột - chị Trần Thị Bích H mượn hồ sơ tư pháp của mình để xin việc làm. Chị Kiều T kể: “Do không am hiểu quy định pháp luật, tôi đã cho em ruột mượn chứng minh nhân dân, lý lịch tư pháp của mình để đi làm công nhân cho một công ty ở tỉnh Bình Dương, vì thời điểm xin việc, em tôi chưa đủ tuổi lao động. Ban đầu, tôi nghĩ việc cho mượn không phiền phức, rắc rối gì cả. Ai ngờ, bây giờ hồ sơ xin hưởng chế độ BHXH của tôi bị ách tắc, vì cùng 1 người, cùng 1 thời điểm, nhưng lại làm việc và tham gia BHXH ở 2 nơi khác nhau. Để được hưởng chế độ BHXH, thời gian qua, tôi và em tôi phải tốn nhiều thời gian, công sức làm thủ tục điều chỉnh, nhưng kết quả thì chưa biết thế nào”.

Theo chị Kiều T, sau khi nghỉ việc, chị buôn bán nhỏ ở chợ. Chị dự tính, sau 1 năm kể từ khi nghỉ việc, chị rút BHXH 1 lần được khoảng 100 triệu đồng để làm vốn mua bán. “Tôi mong được ngành chức năng xem xét, có hướng tháo gỡ vướng mắc này” - chị T bày tỏ. Trong khi đó, chị Bích H cũng gặp không ít vấn đề phát sinh khi mượn hồ sơ tư pháp của chị T đi làm. Chị H cho biết: “Lúc sinh con, tôi không được nhận chế độ trợ cấp thai sản vì tên sản phụ trong giấy khai sinh khác với tên trong hồ sơ xin việc”.

Việc NLĐ mượn hồ sơ tư pháp của người khác để đi làm và tham gia BHXH là vi phạm khoản 1, Điều 137, Luật BHXH. Tình trạng này không chỉ gây khó khăn đối với cơ quan BHXH trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của NLĐ. Nguyên nhân của việc NLĐ mượn hồ sơ để xin việc chủ yếu do NLĐ chưa đủ tuổi đi làm, chưa có căn cước công dân (chứng minh nhân dân) hoặc lai lịch gia đình, quê quán không rõ ràng… 

Trước những vướng mắc phát sinh từ thực tế này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Công văn 1767/LĐTBXH-BHXH gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, BHXH Việt Nam về tình trạng NLĐ mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động. Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan BHXH và các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường thông tin, tuyên truyền để NLĐ, người sử dụng lao động thực hiện đúng quy định của pháp luật lao động; thường xuyên kiểm tra, thanh tra, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.

BHXH Việt Nam cũng đã ban hành quy trình tiếp nhận, giải quyết đối với trường hợp này. Trước hết, người mượn hồ sơ tư pháp phải thực hiện thủ tục khởi kiện gởi Tòa án Nhân dân cấp huyện, nơi làm việc để đề nghị tòa án tuyên hợp đồng lao động (ký kết bằng hồ sơ của người khác) là vô hiệu. Sau đó, người này trở về công ty ký lại hợp đồng chính chủ. Từ đây, cơ quan BHXH mới có căn cứ để cấp sổ BHXH mới chính chủ cho NLĐ, cũng như xem xét, giải quyết chế độ BHXH của NLĐ cho mượn hồ sơ.

Bài, ảnh: CHẤN HƯNG

Nguồn: baocantho.com.vn