Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhân lực chuyên sâu phục vụ khoa học và công nghệ, y tế, giáo dục - những vấn đề đặt ra cho TP Cần Thơ
Ðồng chí CHÂU VIỆT THA
(Thành ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ)
Nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, của mỗi địa phương. Cần Thơ, với vai trò động lực thúc đẩy sự phát triển của vùng ÐBSCL và để khẳng định tầm quan trọng công tác phát triển nguồn nhân lực của thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 29-12-2021 về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ (CB) lãnh đạo các cấp thành phố đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo. Ðể thể chế hóa quan điểm chỉ đạo, UBND thành phố đã ban hành Chương trình hành động số 07/CTr-UBND ngày 1-4-2022, thực hiện Nghị quyết này.
Giáo viên các trường THCS, THPT ở TP Cần Thơ được tập huấn chương trình giáo dục STEM Robotics – AioT. Ảnh: B.NG
Tính đến tháng 12-2022, thành phố có 25.228 CB, công chức (CC), viên chức (VC), trong đó: CC (quận, huyện trở lên): 1.761 người (trình độ chuyên môn sau đại học chiếm: 33,56%); VC sự nghiệp: 21.778 người (sự nghiệp Y tế 4.665 người; Giáo dục: 14.572 người; Khoa học công nghệ: 69 người; Văn hóa và Thông tin: 705 người; khác: 1.767 người; trong đó trình độ chuyên môn sau đại học chiếm 9,85%). Riêng VC khối khoa học công nghệ chiếm tỷ lệ sau đại học rất cao: 40,58%. CB,CC cấp xã: 1.689 người, trong đó CB,CC đạt chuẩn 100% (trình độ đại học trở lên: 89,05%; sau đại học 6,21%).
Trong những năm qua, nhân lực của ngành giáo dục và đào tạo ngày càng được quan tâm, cả về số lượng và chất lượng. Toàn ngành hiện có 14.572 CB quản lý, giáo viên, nhân viên trong đó có 12.099 giáo viên (giáo viên đạt chuẩn: tiểu học chiếm 81,76%, THCS chiếm 90,82%, THPT chiếm 99,01%. Giáo viên trên chuẩn: tiểu học 0,38%, THCS 2,27%, THPT 27,38%). Mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ tiếp tục được củng cố. Ðội ngũ nhà giáo và CB quản lý giáo dục nghề nghiệp hiện có 1.408 người; nhà giáo có trình độ trên đại học: 576, chiếm 40,9%.
Ở lĩnh vực Y tế, tổng số VC ngành y tế hiện nay là 4.665 người; bác sĩ trên vạn dân là 8,66; dược sĩ trên vạn dân là 2,34 (chưa tính các bệnh viện, hệ thống y tế ngoài công lập). Toàn ngành Y có 4.291 bác sĩ, trong đó tiến sĩ y khoa: 6, chuyên khoa II: 129, thạc sĩ: 74, chuyên khoa I: 323, trình độ chuyên môn sau đại học chiếm 12,4%. Ngành Dược có 631 người, trong đó chuyên khoa II: 12, thạc sĩ: 06, chuyên khoa I: 60, trình độ chuyên môn sau đại học chiếm: 12,37%.
Ở lĩnh vực khoa học và công nghệ, đội ngũ khoa học của thành phố trong những năm qua luôn được chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao với số lượng là 183 CC, VC, trong đó tỷ lệ sau đại học chiếm 32,79% (4 tiến sĩ, 56 thạc sĩ). Bên cạnh CC, VC lĩnh vực khoa học công nghệ, còn có đội ngũ nguồn nhân lực hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn thành phố. Tính đến năm 2021 thành phố có 6.786 người có hoạt động nghiên cứu khoa học, trong đó có 970 người có học vị tiến sĩ (trong đó có 23 giáo sư, 206 phó giáo sư); 2.660 người có học vị thạc sĩ; đại học 2.148; cao đẳng 378; nguồn nhân lực khác là 612, với hơn 1.198 nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp đang tiến hành, 557 nhiệm vụ được nghiệm thu, 279 nhiệm vụ ứng dụng vào nhiều lĩnh vực sản xuất và đời sống và hơn 1.250 lượt nhà khoa học tham gia tư vấn, phản biện, thẩm định thuộc nhiều lĩnh vực…
HÐND thành phố cũng đã ban hành Nghị quyết số 17/2014/NQ-HÐND ngày 5-12-2014 về chính sách thu hút, hỗ trợ, khuyến khích nguồn nhân lực của thành phố, giai đoạn 2015-2020 và Quyết định số 13/2015/QÐ-UBND ngày 10-3-2015 của UBND thành phố về Quy định thực hiện chính sách thu hút, hỗ trợ, khuyến khích nguồn nhân lực của thành phố Cần Thơ, giai đoạn 2015-2020. Kết quả, thành phố đã thu hút, hỗ trợ, khuyến khích 1.322 lượt CBCCVC: 6 lượt thu hút (1 tiến sĩ, 3 thạc sĩ - bác sĩ, 2 bác sĩ chuyên khoa cấp I); 1.316 lượt hỗ trợ khuyến khích sau đào tạo (75 đại học, cử nhân; 879 thạc sĩ; 236 bác sĩ CKI; 36 tiến sĩ; 90 dược sĩ - bác sĩ CKII).
Nhìn chung, đội ngũ nhân lực thành phố Cần Thơ ngày càng được nâng cao cả về số lượng và chất lượng; chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực của thành phố cơ bản được thực hiện kịp thời. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, việc thực hiện quy hoạch phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao, nhân lực chuyên sâu, chế độ thu hút, khuyến khích của thành phố trong những năm qua cũng còn một số hạn chế nhất định. Trong công tác quy hoạch, cơ cấu, ngành nghề đào tạo chưa thực hiện chặt chẽ giữa việc quy hoạch CB gắn với quy hoạch đào đạo, sử dụng đội ngũ CBCCVC, dẫn đến tình trạng cơ cấu ngành, lĩnh vực có trình độ chuyên môn sâu chưa hợp lý ở một số lĩnh vực, chuyên ngành phục vụ sự phát triển của thành phố theo định hướng phát triển Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Ngoài ra, việc thu hút người có trình độ chuyên môn cao, đội ngũ chuyên gia giỏi còn ít, đặc biệt là các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ - kỹ thuật đang thiếu chuyên gia đầu ngành; việc mời gọi chuyên gia theo hình thức hợp tác ngắn hạn chưa được phát huy (thẩm định dự án, chương trình, quy hoạch, chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ...); nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực chuyên sâu, đội ngũ bác sĩ có tay nghề cao còn thiếu, tình trạng nghỉ việc trong ngành y tế, giáo dục… ảnh hưởng phần nào đến chất lượng đội ngũ nhân lực của thành phố.
Ðể khắc phục tình trạng nêu trên, thành phố đã và đang khẩn trương thể chế hóa chủ trương của Ðảng, Nhà nước, đặc biệt là việc triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11-1-2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, tăng cường đầu tư hệ thống cơ sở giáo dục, giáo dục nghề, các trung tâm nghiên cứu chuyển giao khoa học, bệnh viện… nhằm quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố.
Thời gian tới, Cần Thơ cần có giải pháp đồng bộ để phát triển nguồn nhân lực:
Một là, phát huy lợi thế cùng các cơ sở đào tạo hiện có, thành phố cần chủ động liên kết đào tạo đi cùng với cơ chế chính sách khuyến khích hợp lý để thu hút đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực thành phố và chuẩn bị nguồn lực CB có trình độ cao tham gia vào hệ thống đào tạo với những chuyên ngành gắn với định hướng phát triển theo Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị như: kinh tế, pháp luật, khoa học công nghệ, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, y tế chuyên sâu, logistics, chuyển đổi số…
Hai là, xây dựng mối liên hệ, gắn kết với doanh nghiệp trong sử dụng lao động và thu hút doanh nghiệp cùng tham gia vào quá trình đào tạo để vừa có thêm nguồn đầu tư, vừa sử dụng lao động sau đào tạo có hiệu quả. Phát triển và gắn kết các tổ chức xã hội - nghề nghiệp với doanh nghiệp, cơ sở đào tạo để phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực chuyên sâu trong ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ.
Ba là, tiếp tục xây dựng đội ngũ nhà giáo và CB quản lý đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu; nâng cao năng lực sử dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, ngoại ngữ, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển; đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm, đáp ứng đầy đủ, kịp thời yêu cầu của thị trường lao động, của đơn vị sử dụng lao động và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương: tập trung nguồn lực đầu tư một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp có ngành, nghề trọng điểm đã được quy hoạch theo các cấp độ (quốc tế, khu vực ASEAN và quốc gia) và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuyên ngành, các nhóm đối tượng đặc thù.
Bốn là, đẩy mạnh tự chủ của các cơ sở GDNN, quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDNN, ưu tiên đầu tư phát triển các ngành nghề đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao; đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa trong GDNN và giải quyết việc làm, huy động mọi nguồn lực tham gia đầu tư vào GDNN; tiến hành rà soát, sắp xếp mạng lưới các cơ sở GDNN thành phố theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt với nhiều phương thức, nhiều trình độ đào tạo, có phân tầng về chất lượng, bảo đảm hợp lý về quy mô, cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo.
Năm là, đổi mới, tăng cường công tác quản lý nhà nước về nguồn nhân lực y tế, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành chính sách thu hút nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao; tập trung cử đi đào tạo các chuyên khoa về tim mạch, huyết học, ung bướu, nhi, ngoại lồng ngực… để người dân được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao tại Cần Thơ; tiếp tục phát huy hiệu quả công tác đào tạo bác sĩ nội trú để tăng cường nhân lực ngành y tế ở các bệnh viện cấp I; đồng thời, tăng cường công tác bồi dưỡng, tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật mới tại các bệnh viện cấp I; đẩy mạnh công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng về nghiên cứu khoa học, nhằm tạo điều kiện cho VC có năng lực tiếp cận các kỹ thuật mới trong phòng, chống, điều trị và chăm sóc bệnh nhân được tốt hơn.
Sáu là, chú trọng đào tạo chuyên sâu các khối ngành công nghệ sinh học, công nghệ giải trình tự gen thế hệ mới, kỹ thuật hóa học, kỹ thuật điều khiển - tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ chế biến nông - thủy sản, công nghệ sau thu hoạch,… để thực hiện các hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ, cung ứng các dịch vụ khoa học và công nghệ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý nhà nước và phát triển các dịch vụ khoa học và công nghệ.
Bảy là, tiếp tục nghiên cứu đề xuất xây dựng chính sách thu hút, khuyến khích nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo nhân lực chuyên sâu đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố.
Nguồn: baocantho.com.vn