Báo cáo kết quả chuyển đổi số quốc gia tháng 4/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) đã thiết lập được 388 điểm kết nối giữa các hệ thống và cơ sở dữ liệu của 95 cơ quan, đơn vị (bình quân mỗi ngày có khoảng 2,8 triệu giao dịch được thực hiện thông qua NDXP).
Bình quân mỗi ngày có khoảng 2,8 triệu giao dịch được thực hiện thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP).
Về công tác hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số
Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành: 02 Nghị định, 05 Quyết định, 02 Chỉ thị và ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản, tạo thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số. Các địa phương đã quan tâm, ban hành các chính sách hỗ sợ thúc đẩy chuyển đổi số, trong đó, 56/63 địa phương ban hành chính sách giảm, hỗ trợ về phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). 21/22 bộ, ngành và 62/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2024.
Về phát triển dữ liệu số
Các cơ quan nhà nước tiếp tục khai thác, vận hành hiệu quả các cơ sở dữ liệu quốc gia trong quản lý, điều hành kinh tế - xã hội. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước phục vụ công tác điều hành, quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai, khai thác tối đa giá trị của dữ liệu. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) đã thiết lập được 388 điểm kết nối giữa các hệ thống và cơ sở dữ liệu của 95 cơ quan, đơn vị (bình quân mỗi ngày có khoảng 2,8 triệu giao dịch được thực hiện thông qua NDXP).
Về phát triển hạ tầng số
Đến nay, có 80,2% hộ gia đình sử dụng cáp quang Internet băng rộng và 100% xã, phường, thị trấn kết nối internet cáp quang, internet băng rộng di động 4G phủ đến cấp thôn, bản, đạt yêu cầu chất lượng dịch vụ theo quy chuẩn quốc gia. Thực hiện đấu giá băng tần 5G, cấp phép cho doanh nghiệp (VNPT và Viettel) kinh doanh dịch vụ 5G; các trung tâm dữ liệu tiếp tục được các cơ quan, doanh nghiệp quan tâm, phát triển.
Về phát triển Chính phủ số cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp
100% các bộ, ngành, địa phương có cung cấp DVCTT đã ban hành danh mục DVCTT toàn trình, DVCTT một phần theo quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cung cấp thông tin và DVCTT của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. Có 80,44% thủ tục hành chính (TTHC) được cung cấp dưới dạng DVCTT; 47,79% TTHC được cung cấp dưới dạng DVCTT toàn trình. Tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết TTHC đạt khoảng 38,3%.
Cung cấp DVCTT cho người dân, doanh nghiệp được đẩy mạnh. Đến nay, đã có gần 14,6 triệu tài khoản và hơn 46,2 triệu hồ sơ nộp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; gần 26,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 12,9 nghìn tỷ đồng. Triển khai 41/53 dịch vụ công thiết yếu toàn trình, tăng 05 dịch vụ công thiết yếu so với cuối năm 2023.
Đã hoàn thành cung cấp 25/25 DVC thiết yếu theo Đề án 06/CP (trong đó 23/25 dịch vụ công thiết yếu đã được thực hiện toàn trình) và 16/28 dịch vụ công theo Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Về phát triển kinh tế số và xã hội số
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong Quý I/2024, doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin đạt gần 36,3 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ; xuất khẩu sản phẩm công nghệ thông tin đạt 31 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ. Hiện có 8,2 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile Money, tăng 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2023, trong đó hơn 5,8 triệu khách hàng tại vùng nông thôn, miền núi; 100% cơ sở khám, chữa bệnh có dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; 77% người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và trên 1 triệu đối tượng chính sách đã nhận trợ cấp an sinh xã hội qua tài khoản.
Về an toàn thông tin mạng
Hiện nay, tổng số hệ thống thông tin của cả nước là 3.418 hệ thống, trong đó số hệ thống thông tin được phê duyệt cấp độ an toàn là 2.365 hệ thống, đạt tỷ lệ 68,2%, tăng 09% so với cùng kỳ năm 2023. Công tác giám sát, cảnh báo an toàn thông tin tiếp tục được thực hiện. Trong Quý I/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 2.323 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, giảm 32,6% so với cùng kỳ Quý I/2023./.
Mạnh Tuyền - Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ
Nguồn: tcnn.vn