Luật Lưu trữ (sửa đổi) tập trung vào 4 chính sách
Sáng 19/8/2022, tại Hà Nội, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ) tổ chức gặp gỡ phóng viên, biên tập viên một số cơ quan thông tấn, báo chí nhằm thông tin về các hoạt động của ngành Văn thư và Lưu trữ trong thời gian qua; định hướng phát triển và kế hoạch các hoạt động trong thời gian tới. Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng chủ trì buổi gặp gỡ.
Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng chủ trì buổi gặp gỡ. |
Tại buổi gặp gỡ, Cục trưởng Đặng Thanh Tùng trân trọng cảm ơn các phóng viên, biên tập viên thời gian qua đã luôn đồng hành với ngành Văn thư và Lưu trữ nói chung, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước nói riêng trong công tác truyền thông về các hoạt động của Cục; bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, các cơ quan thông tấn, báo chí sẽ tiếp tục chung tay, phối hợp chặt chẽ với Cục để phát huy tốt hơn, hiệu quả hơn các giá trị tài liệu lưu trữ nhằm phục vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ chủ quyền đất nước.
Nhấn mạnh đến việc xây dựng Luật Lưu trữ (sửa đổi), Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng cho biết, Luật Lưu trữ năm 2011 được Quốc hội khóa XIII thông qua đã đánh dấu một bước phát triển mới về luật pháp lưu trữ Việt Nam, tạo khung pháp lý cao nhất về lưu trữ, cũng như điều kiện cho công tác lưu trữ phát triển, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thi hành, Luật Lưu trữ đã phát sinh một số vướng mắc, đặt ra yêu cầu phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tế hiện nay, nhằm tiếp tục tạo nền tảng pháp lý cho hoạt động của Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước nói riêng và ngành Lưu trữ nói chung; đồng thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lưu trữ, góp phần thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia và Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính và hội nhập quốc tế.
Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng cho biết thêm, trong Chương trình công tác năm 2022 của Bộ Nội vụ, lãnh đạo Bộ cũng đã giao Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước chuẩn bị hồ sơ cho việc xây dựng Luật Lưu trữ (sửa đổi). Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Lưu trữ (sửa đổi) và báo cáo Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Để khắc phục những hạn chế, bất cập của pháp luật về lưu trữ hiện hành, Luật Lưu trữ (sửa đổi) tập trung vào 4 chính sách:
Một là, thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ thuộc Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam: phân định rõ thẩm quyền quản lý tài liệu Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam giữa cơ quan lưu trữ của Đảng và cơ quan lưu trữ của Nhà nước; giữa cơ quan lưu trữ của Nhà nước ở trung ương và địa phương; thẩm quyền quản lý tài liệu của các ngành quốc phòng, công an, ngoại giao nhằm quản lý thống nhất, hiệu quả tài liệu lưu trữ.
Hai là, quản lý tài liệu lưu trữ điện tử đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và phát triển Chính phủ điện tử: quy định các quy trình nghiệp vụ lưu trữ đối với tài liệu điện tử; quản lý tập trung, thống nhất dữ liệu tài liệu lưu trữ điện tử; điều kiện, trách nhiệm của doanh nghiệp khi tham gia các dịch vụ lưu trữ tài liệu điện tử và quy định về chứng thực tài liệu luư trữ điện tử.
Ba là, hoàn thiện, bổ sung các quy định của pháp luật về quản lý tài liệu lưu trữ tư.
Bốn là, hoàn thiện quy định của pháp luật về quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và tình hình thực tế.
Thời gian dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu đối với Luật Lưu trữ (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2023); trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội khóa XV (tháng 5/2024).
Cũng tại buổi gặp gỡ, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng đã thông tin với các phóng viên, biên tập viên về một số nội dung chính của Chương trình “Công bố tài liệu lưu trữ quốc gia phục vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền đất nước” theo Quyết định số 2194/QĐ-TTg, ngày 24/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ; các hoạt động của Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập (04/9/1962 - 04/9/2022).
Ngày 04/9/1962, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102/CP thành lập Cục Lưu trữ Phủ Thủ tướng. Đây là cơ quan có tư cách pháp nhân đầu tiên của Nhà nước thực hiện chức năng quản lý tập trung thống nhất công tác lưu trữ và trực tiếp quản lý Kho Lưu trữ Trung ương. Với 60 năm hình thành và phát triển, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã phấn đấu vượt mọi khó khăn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao; được Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao và tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì nãm 2002; Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2006; Huân chương Hồ Chí Minh năm 2007 và nhiều danh hiệu cao quý khác. |
Trí Đức
Nguồn: tcnn.vn