Theo Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, tổng số giao dịch thực hiện thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) trong tháng 6/2023 là 21.790.042 giao dịch.
Về công tác chỉ đạo, điều hành
Trong 06 tháng đầu năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt để phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai quyết liệt, hiệu quả Chiến lược phát triển CPĐT hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; tập trung, quyết liệt tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06); đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ; giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục triển khai kết nối, khai thác thông tin dân cư tại Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư, thẻ căn cước công dân gắn chip, tài khoản định danh điện tử (VNeID), đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ thông tin tín dụng và phòng chống rửa tiền, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính; giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp và các cơ quan, địa phương liên quan tổ chức triển khai có hiệu quả Đề án 06 và Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ tại các bộ, ngành, địa phương năm 2023 và những năm tiếp theo; khẩn trương nghiên cứu, tham mưu đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ việc triển khai Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia sau khi Bộ Chính trị có ý kiến kết luận về Đề án; giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, nhất là dịch vụ công toàn trình và phát triển kinh tế số các ngành; bảo đảm hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ triển khai Đề án 06; đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, đặc biệt là truyền thông chính sách.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành: Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 23/02/2023 về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2023 và những năm tiếp theo; Quyết định số 17/QĐ-UBQGCĐS ngày 04/4/2023 về Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2023; Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 30/5/2023 về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ; Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 03/6/2023 về việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã.
Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì phiên họp lần thứ năm của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai Đề án 06, nhằm tập trung thảo luận, xác định các nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số và triển khai thực hiện Đề án 06, đồng thời xác định rõ các quan điểm, định hướng của Chính phủ, chia sẻ về các mục tiêu và nhiệm vụ trong kế hoạch hoạt động năm 2023 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.
Về xây dựng, hoàn thiện thể chế: Ngày 17/4/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về Bảo vệ dữ liệu cá nhân; ngày 22/6/2023, tại Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc chuyển đổi số.
Về xây dựng nền tảng phát triển Chính phủ điện tử: Tính đến ngày 20/6/2023, tổng số giao dịch thực hiện thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) trong tháng 6/2023 là 21.790.042 giao dịch; trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng số giao dịch thực hiện thông qua NDXP đạt 276.938.860 giao dịch, trung bình hàng ngày có khoảng 1,38 triệu giao dịch thực hiện thông qua NDXP; tổng số giao dịch thực hiện thông qua NDXP từ khi khai trương đến nay là hơn 1,35 tỷ giao dịch. Đến nay, đã hỗ trợ hoàn thành kết nối CSDL quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức với 23 bộ, ngành và 60 địa phương; kết nối Hệ thống đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến với 41 địa phương.
Về xây dựng các CSDL tạo nền tảng Chính phủ điện tử: Đến nay, CSDL quốc gia về dân cư đã kết nối chính thức với 13 đơn vị bộ, ngành, 01 doanh nghiệp nhà nước (EVN), 03 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương để phục vụ khai thác thông tin. Toàn quốc đã có 11 địa phương triển khai số hóa dữ liệu hộ tịch trên nền tảng CSDL quốc gia về dân cư, gồm: Thái Nguyên, Bình Phước, Bạc Liêu, Gia Lai, Quảng Bình, Quảng Nam, Hà Nam, Bình Dương, Hải Dương, Phú Thọ, Hà Nội; tiếp tục hỗ trợ các đoàn thể xây dựng dữ liệu quản lý đoàn viên, hội viên. Tiếp nhận 108,7 triệu yêu cầu xác thực thông tin thuê bao của 03 nhà mạng Viettel, Vinaphone, Mobiphone, có thông tin trùng khớp là 90,27 triệu yêu cầu (83%).
Nhằm bảo đảm tiến độ triển khai Đề án 06, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tiếp tục phối hợp với Bộ Công an thực hiện xác thực thông tin công dân trong CSDL quốc gia về dân cư. Tính đến ngày 18/6/2023, đã hoàn thành xác thực thông tin của hơn 86 triệu nhân khẩu với CSDL quốc gia về dân cư; BHXH Việt Nam tiếp tục kết nối, trao đổi, chia sẻ dữ liệu giữa BHXH với Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), Bộ Tư pháp, Tổng cục Thuế, Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Bộ Y tế; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Nội vụ; phối hợp với Văn phòng Chính phủ kết nối, cung cấp thông tin trên Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, thực hiện tổng hợp báo cáo số liệu hàng ngày; tiếp tục phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ liên quan hoàn thiện quy trình để tích hợp, cung cấp các dịch vụ công.
CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc: Tính đến ngày 21/6/2023, trên Hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch đã có 42.191.471 dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó có 8.873.051 trẻ em được cấp Số định danh cá nhân theo quy định, 5.004.800 hồ sơ khai sinh có số định danh cá nhân được chuyển sang hệ thống của BHXH; 10.444.538 dữ liệu đăng ký kết hôn; 7.211.352 dữ liệu đăng ký khai tử và 10.298.528 dữ liệu khác.
Bộ Tài chính đã hoàn thành các thủ tục ký hợp đồng với nhà thầu để triển khai dự án “Xây dựng Cơ sở dữ liệu Tổng hợp về Tài chính giai đoạn 1” trong tháng 12/2022. Trong quý I/2023, Bộ Tài chính đã tiến hành khảo sát tại các đơn vị thuộc Bộ Tài chính và các Sở Tài chính. Đến hết ngày 16/6/2023, đã hoàn thành xây dựng thiết kế chi tiết.
Các hệ thống thông tin đổi mới lề lối, phương thức làm việc, phục vụ người dân, doanh nghiệp
100% các bộ, ngành, địa phương đã kết nối gửi, nhận văn bản điện tử thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia, trong đó có khoảng 30.000 đơn vị hành chính các cấp. Ngoài khối các cơ quan hành chính nhà nước, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức kết nối tới các cơ quan của Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, Ngân hàng Chính sách xã hội, cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội, một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước…
Số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trong tháng 6/2023 là 679.277 văn bản (gửi: 125.236 văn bản, nhận 554.041 văn bản). Trong 6 tháng đầu năm 2023, số lượng văn bản điện tử gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia khoảng 3,6 triệu văn bản, gấp 1,3 lần so với cùng kỳ năm 2022. Đến nay đã có hơn 23 triệu văn bản gửi, nhận trên Trục.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ đã phục vụ 10 hội nghị, phiên họp của Chính phủ, thực hiện xử lý 199 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ (thay thế gần 60 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy); đã xây dựng 05 ấn phẩm Infographic báo cáo tình hình kinh tế - xã hội phục vụ phiên họp Chính phủ thường kỳ; phối hợp Bộ Công an kết nối thông tin tổng hợp về dân cư từ CSDL quốc gia về Dân cư theo tần suất hàng tháng, hiển thị trực quan dưới dạng Dashboard trên Hệ thống thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kết nối dữ liệu hàng tháng về tình hình sản xuất kinh doanh với Tổng Công ty Viễn thông Mobifone; thực hiện rà soát cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống mạng, đường truyền, an toàn an ninh thông tin, các yêu cầu chức năng của Hệ thống báo cáo Chính phủ và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gửi Bộ Thông tin và Truyền thông tổng hợp. Tiếp tục xây dựng và cập nhật kho dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đến nay, đã có 69/179 chế độ báo cáo được tích hợp hoặc nhập liệu trực tiếp trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kết nối, liên thông với các hệ thống thông tin, CSDL quốc gia, chuyên ngành của 15 bộ, cơ quan, tập đoàn, tổng công ty nhà nước và 63 địa phương để cung cấp thông tin, dữ liệu trực tuyến theo thời gian thực với 38 chỉ tiêu thông tin trực tuyến; hình thành 04 bộ chỉ số điều hành; thống kê; theo dõi, giám sát; kinh tế - xã hội địa phương.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cung cấp DVCTT theo hướng toàn trình quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP. Cổng Dịch vụ công quốc gia tiếp tục được duy trì và vận hành hoạt động ổn định. Hoàn thành xây dựng, ban hành Quy trình liên thông điện tử đối với 02 nhóm thủ tục hành chính liên thông “Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng - Hỗ trợ mai táng”; Phối hợp với Bộ Công an đưa vào vận hành thí điểm phần mềm dịch vụ công liên thông, kết nối với phần mềm nghiệp vụ của Bộ Tư pháp, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, BHXH Việt Nam, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam.
Đã phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan có liên quan tích hợp, cung cấp 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 và 10/28 dịch vụ công theo Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục dịch vụ công trực tuyến tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia năm 2022, hiện còn 18/28 thủ tục, nhóm thủ tục hành chính chưa được các bộ, ngành hoàn thiện việc tái cấu trúc quy trình, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Hiện Cổng đã kết nối, tích hợp với 150 hệ thống thông tin, CSDL của các cơ quan, đơn vị; công khai toàn bộ hơn 6,4 nghìn thủ tục hành chính (TTHC), trong đó đã tích hợp, cung cấp trên 4,4 nghìn DVCTT (chiếm hơn 67%).
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có hơn 3,6 triệu tài khoản đăng ký; hơn 55,98 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 7,88 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích; hơn 9,75 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; hơn 6,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 2,39 nghìn tỷ đồng. Lũy kế đến nay, Cổng có hơn 7,77 triệu tài khoản (tăng hơn 3,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái); hơn 212 triệu hồ sơ đồng bộ (tăng hơn 1,76 lần so với cùng kỳ năm ngoái); hơn 17,49 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái); 17,72 triệu hồ sơ trực tuyến từ Cổng (tăng hơn 4,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái); hơn 10,98 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 6,056 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái); hơn 315 nghìn cuộc gọi tới tổng đài.
Về xây dựng Chính phủ điện tử gắn kết chặt chẽ với bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, an ninh quốc gia, bảo vệ thông tin cá nhân: Trong tháng 6/2023, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 1.723 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, tăng gần 2,5 lần so với tháng 5/2023, tăng 46,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong 6 tháng đầu năm 2023, ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 6.362 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, giảm 4,2% so với 6 tháng đầu năm 2022./.
Mạnh Tuyền - Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ
Nguồn: tcnn.vn