Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Trên cơ sở các nghị quyết, chương trình của Chính phủ, TP Cần Thơ đã triển khai nhiều giải pháp tích cực để vừa kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế, cùng với sự nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, người dân. Theo đó, tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 phục hồi, khởi sắc, thúc đẩy tăng trưởng đạt mức tăng cao 12,64% so với năm 2021. Ðây chính là tiền đề để bước sang năm mới thành phố đạt nhiều kết quả toàn diện cao hơn nữa…
Lãnh đạo thành phố quan tâm kiểm tra thực tế, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn.
Tăng trưởng đạt 2 con số
Ông Lê Ngọc Bảy, Cục trưởng Cục Thống kê TP Cần Thơ, cho biết: GRDP năm 2022 của thành phố tăng 12,64% so với năm 2021 - là mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay, do cùng kỳ năm trước dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, thành phố thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng, chống dịch bệnh, các hoạt động kinh tế năm 2021 bị ngưng trệ. Với kết quả này, Cần Thơ là địa phương có tốc độ tăng GRDP đứng hạng thứ 6 so với cả nước; xếp thứ 2 trong vùng ÐBSCL (sau Hậu Giang, tăng 13,94%) và 5 thành phố trực thuộc Trung ương (sau Ðà Nẵng, tăng 14,05%). Lần đầu tiên thành phố có tốc độ tăng trưởng đạt 2 con số từ trước cho đến nay, đây là tín hiệu khả quan cho thấy tình hình khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội những năm tiếp theo.
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,49% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,29 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 18,18% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 5,21 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 13,19% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 6,88 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,26 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế thành phố. Về cơ cấu kinh tế năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 9,65%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 31,03%; khu vực dịch vụ chiếm 52,47%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6,85%.
Nhiều ngành kinh tế đã khôi phục mạnh mẽ và đạt mức tăng trưởng cao. Sản xuất công nghiệp phục hồi tốt, các biện pháp sản xuất kinh doanh thích ứng tình hình mới tại các doanh nghiệp đã phát huy được hiệu quả tích cực, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 29,59% so với năm 2021. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 41,48% so với cùng kỳ năm 2021, nhờ việc kiểm soát tốt dịch bệnh, các chính sách kích cầu, phục hồi phát triển kinh tế của các cấp ngành, cùng với sự nỗ lực từ các doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh cá thể. Sản xuất nông nghiệp duy trì tăng trưởng và phát triển toàn diện. Thành phố tiếp tục phát triển vườn cây ăn trái theo hướng quy hoạch vùng chuyên canh, chất lượng cao, tạo mối liên kết tập trung quy mô phù hợp; chăn nuôi chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, tập trung theo chuỗi khép kín, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Thu ngân sách nhà nước lũy kế thực hiện đến ngày 20-12-2022 ước tăng18,26% so với cùng kỳ năm 2021…
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Với quan điểm, phát huy lợi thế, hiệu quả nguồn lực và tinh thần tự lực, tự cường, vượt qua khó khăn, tận dụng thời cơ làm động lực phát triển, TP Cần Thơ tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; phấn đấu tăng trưởng GRDP đạt 9,5-10%. Song, kinh tế thế giới năm 2023 được dự báo nhiều rủi ro, thách thức, do đó cả hệ thống chính trị nỗ lực, quyết tâm thực hiện đồng bộ, linh hoạt các giải pháp hoàn thành mục tiêu đề ra.
Ðầu tư hạ tầng giao thông, gia tăng động lực tăng trưởng kinh tế, theo ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ, Sở làm tốt vai trò tham mưu UBND thành phố phối hợp với Bộ Giao thông vận tải đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư các dự án trọng điểm kết nối vùng qua địa bàn thành phố. Mặt khác, phối hợp với các sở, ngành, UBND quận, huyện, Ban Quản lý dự án thành phố tham mưu UBND thành phố triển khai đầu tư các dự án giao thông trọng điểm do thành phố quản lý. Ðối với các dự án giao thông trọng điểm do Sở làm chủ đầu tư, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các đơn vị tư vấn và các nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư và thi công các dự án; phấn đấu hoàn thành kế hoạch giải ngân năm 2023 đạt 95% kế hoạch vốn.
Phấn đấu thu vượt ngân sách nhà nước từ 3-5% dự toán năm 2023, ông Cáp Quý Phúc, Cục trưởng Cục Thuế TP Cần Thơ, cho biết: Ngành Thuế thường xuyên nắm bắt, bám sát diễn biến tình hình kinh tế - thị trường, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong điều kiện thực tế để có giải pháp phù hợp quản lý đầy đủ số thu phát sinh, bồi dưỡng nguồn thu, đảm bảo thực hiện đạt các mục tiêu đề ra. Cùng đó, phối hợp với các ngành chức năng tham mưu UBND thành phố đẩy mạnh các nguồn thu từ đất; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ chính sách, pháp luật về thuế...
Ông Lê Ngọc Bảy đề xuất thành phố tiếp tục đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, chủ động ứng phó kịp thời với các tình huống. Cùng đó, triển khai nhanh, hiệu quả nhiệm vụ, dự án đầu tư thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022-2023, tập trung vào các lĩnh vực cấp bách và có khả năng hấp thụ tốt, dự án có tính liên vùng, chương trình hỗ trợ, trợ cấp cho người lao động. Ðồng thời, khơi thông các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế để đẩy nhanh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm thực hiện. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, từ đó cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và tăng năng suất lao động nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; tạo môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng...
Bài, ảnh: T. TRINH
Nguồn: baocantho.com.vn