Đã đồng bộ hơn 2 triệu dữ liệu CBCCVC của các bộ, ngành, địa phương vào CSDL CBCCVC

Đến nay, đã đồng bộ 2.200.496/2.308.566 dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức của các bộ, ngành, địa phương vào Cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức (đạt tỷ lệ 95,3%, tăng 14.435 dữ liệu so với tháng 9/2023).

Về Chính phủ số

Công tác chỉ đạo, điều hành, thể chế số

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cắt giảm điều kiện kinh doanh, bảo đảm thực chất, hiệu quả, gắn kết chặt chẽ với chuyển đổi số quốc gia.

Trong tháng 10/2023, Văn phòng Chính phủ đã thực hiện thẩm tra và trình ban hành 01 báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội; 02 văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ (về dự thảo Nghị định quy định về danh mục cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia; về quản lý sử dụng dữ liệu dân số tại Việt Nam).

Bộ Công an phối hợp với Ủy ban Quốc phòng và An ninh và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nghiên cứu, giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước theo ý kiến của Đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội; trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 11/2023); phối hợp với Văn phòng Chính phủ xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 và Nghị định số 136/2020/NĐ-CP (Văn phòng Chính phủ đang lấy ý kiến thành viên Chính phủ, dự kiến trình ban hành trong tháng 11/2023); tổ chức thẩm định 03 Thông tư: Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 55/2021/TT-BCA quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú; Thông tư số 56/2021/TT-BCA quy định về biểu mẫu trong đăng ký, quản lý cư trú; Thông tư số 57/2021/TT-BCA quy định quy trình đăng ký cư trú.

Bộ Tư pháp ban hành văn bản hợp nhất số 4510/VBHN-BTP về việc hợp nhất Thông tư số 01/2022/TT-BTP ngày 04/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị định số 87/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 của Chính phủ quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến; báo cáo kết quả rà soát các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ triển khai Đề án 06/CP và rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo Luật Giao dịch điện tử năm 2023 trình Thủ tướng Chính phủ (Báo cáo số 334/TCT ngày 19/10/2023).

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của một số Thông tư quy định về phí, lệ phí của Bộ trưởng Bộ Tài chính nhằm khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến (Thông tư số 63/2023/TT-BTC ngày 16/10/2023). Thông tư có hiệu lực từ 01/12/2023 và áp dụng đến hết năm 2025 với mức giảm phí, lệ phí từ 10% đến 50%, dự kiến thực hiện chính sách này sẽ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khoảng 100 tỷ đồng/năm.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình Chính phủ về việc ban hành Nghị định quy định về danh mục CSDL quốc gia, việc xây dựng, cập nhật, duy trì và khai thác, sử dụng CSDL quốc gia (Tờ trình số 63/TTr-BTTTT ngày 29/9/2023); tổ chức xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử năm 2023; đôn đốc các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp có ý kiến để hoàn thiện báo cáo Chính phủ báo cáo 03 năm tình hình thực hiện Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham mưu với Chính phủ phê duyệt Quyết định ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật giao dịch điện tử (Quyết định số 1198/QĐ-TTg, ngày 13/10/2023).

Bộ Nội vụ đã hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định “quy định về chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người làm công tác chuyên trách về chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng”. Tuy nhiên, căn cứ tình hình thực tiễn và theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW; ngày 13/10/2023, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã có Tờ trình số 6014/TTr-BNV đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang xem xét, chưa ban hành Nghị định trên và giao Bộ Nội vụ nghiên cứu để đưa vấn đề này vào chế độ tiền lương mới theo hướng bố trí chuyên trách theo vị trí việc làm chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng để có căn cứ quy định về chức danh, chế độ tiền lương và phụ cấp cho phù hợp với các đối tượng này.

Nhận thức số

Các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức các chuỗi sự kiện, hoạt động nhằm lan tỏa mạnh mẽ đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và người dân trên địa bàn tỉnh hiểu rõ hơn về vai trò, lợi ích, tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với phát triển kinh tế - xã hội. Thúc đẩy hơn nữa sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số. Các hoạt động hưởng ứng tiêu biểu như: Triển khai công tác truyền thông trực quan, mới lạ kết hợp truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng và phát các phóng sự về chuyển đổi số, tuyên truyền về các điển hình trong chuyển đổi số giúp người dân dễ dàng tiếp cận và tham gia; tổ chức các cuộc thi, hoạt động cộng đồng, các hội thảo chuyên đề nhằm nâng cao nhận thức của các đối tượng trên địa bàn tỉnh và toàn thể người dân; các Tổ công nghệ số cộng đồng trực tiếp ra quân triển khai các hoạt động tại địa bàn nhằm hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng các ứng dụng, nền tảng số phục vụ nhu cầu thiết yếu của cuộc sống; các doanh nghiệp xây dựng các chương trình ưu đãi giảm giá các sản phẩm, dịch vụ số cho người dân thụ hưởng trong Tháng tiêu dùng số năm 2023.

Dữ liệu số

Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia - NDXP: Tính đến hết ngày 24/10/2023, hiện đã có hơn 103 bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp kết nối với NDXP; có 09 CSDL, 15 hệ thống thông tin đã kết nối, cung cấp dịch vụ chia sẻ dữ liệu trên NDXP; tổng số giao dịch lũy kế qua NDXP từ khi đưa vào khai thác đến nay đạt khoảng 1,5 tỷ; tổng số giao dịch qua NDXP trong năm 2023 (đến thời điểm báo cáo) đạt khoảng 486,5 triệu; trung bình hàng ngày có khoảng 1,6 triệu giao dịch thực hiện thông qua NDXP.

CSDL quốc gia về dân cư: Đã kết nối với 15 bộ, ngành, 01 doanh nghiệp nhà nước (EVN), 03 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương. Tiếp nhận 1.287.085.416 yêu cầu để tra cứu, xác thực thông tin; 537.264.707 yêu cầu đồng bộ thông tin công dân, đồng bộ thành công 227.739.598 thông tin công dân vào dữ liệu dân cư.

CSDL về bảo hiểm: Đến nay, hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xác thực 91,2 triệu thông tin nhân khẩu trong CSDL do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý với CSDL quốc gia về dân cư, đã cung cấp, chia sẻ 131.751.885 lượt bản ghi thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho CSDL quốc gia về dân cư.

CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc: Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử trực tuyến và kết nối liên thông dữ liệu giữa Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh với Hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp, giúp dữ liệu được đồng bộ, thống nhất, giảm thời gian tác nghiệp cho công chức làm công tác hộ tịch.

CSDL quốc gia về đăng ký doanh nghiệp: Hiện tại, CSDL quốc gia về đăng ký doanh nghiệp lưu trữ dữ liệu của gần 1,9 triệu doanh nghiệp (khoảng 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động), bao gồm doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán. Thông tin trong CSDL quốc gia về đăng ký doanh nghiệp được cập nhật liên tục theo thời gian thực trên cơ sở thông tin doanh nghiệp kê khai và liên thông nghiệp vụ thời gian thực với Hệ thống đăng ký thuế.

CSDL quốc gia về tài chính: Bộ Tài chính đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Xây dựng CSDL tổng hợp về tài chính (giai đoạn 1) tại Quyết định số 1326/QĐ-BTC ngày 14/7/2021 và Quyết định phê duyệt dự án số 1416/QĐ-BTC ngày 12/7/2022. Ngày 29/9/2022, Bộ Tài chính đã phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án “Xây dựng Cơ sở dữ liệu Tổng hợp về Tài chính giai đoạn 1” tại Quyết định số 1989/QĐ-BTC. Trong tháng 10/2023, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với nhà thầu để xây dựng ứng dụng. 

CSDL quốc gia về CBCCVC: Đã kết nối, đồng bộ dữ liệu với 100% các bộ, ngành, địa phương. Đến nay, đã đồng bộ 2.200.496/2.308.566 dữ liệu CBCCVC của các bộ, ngành, địa phương vào CSDL CBCCVC (đạt tỷ lệ 95,3%, tăng 14.435 dữ liệu so với tháng 9/2023); trong đó dữ liệu của bộ, ngành là 186.716 hồ sơ và dữ liệu của địa phương là 2.013.780 hồ sơ. Bộ Nội vụ đã ban hành văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát toàn bộ các trường thông tin, chỉnh sửa, bổ sung các thông tin còn thiếu hoặc chưa đúng trên CSDL quốc gia về CBCCVC, đảm bảo hoàn thành trước ngày 30/10/2023.

Tháng 10/2023, tỷ lệ TTHC đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 100%. Đến nay, đã có 40/63 địa phương tham mưu, ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân về miễn, giảm phí, lệ phí thực hiện dịch vụ công trực tuyến, nhằm thu hút người dân tham gia dịch vụ công trực tuyến. Về số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đang được các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện theo hướng người dân, doanh nghiệp chỉ cần cung cấp thông tin, giấy tờ một lần. Tuy nhiên, việc kết nối, chia sẻ, tái sử dụng kết quả số hóa vẫn còn thấp (các bộ, ngành đạt tỷ lệ 24,48%, các địa phương đạt tỷ lệ 38,94%).

Cổng Dịch vụ công quốc gia đã kết nối, tích hợp với 150 hệ thống thông tin, CSDL của các cơ quan, đơn vị  phục vụ xác thực, định danh, đăng nhập một lần và giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công. Trong đó, đã công khai, đồng bộ thông tin 6.413 TTHC trên CSDL quốc gia về TTHC với Hệ thông thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh; tích hợp, cung cấp 4.515 dịch vụ công trực tuyến (chiếm hơn 70%); phục vụ xác thực, định danh và đăng nhập một lần của gần 10 triệu tài khoản. Từ ngày 20/9/2023 đến ngày 20/10/2023, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tiếp nhận 539 nghìn tài khoản đăng ký mới; hơn 8,4 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái, (các bộ, ngành đạt tỷ lệ 78,58%, địa phương đạt 68,57%). Các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành tiếp nhận, xử lý hơn 1,6 triệu lượt thực hiện các dịch vụ công tiện ích; hơn 2,3 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện; hơn 1,4 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến (bộ, ngành đạt tỷ lệ 9,64%, địa phương đạt 30,36%) trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, với tổng số tiền là 571 tỷ đồng; Đưa vào triển khai 02 nhóm dịch vụ công liên thông “Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử - Xóa hộ khẩu thường trú - Trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng” đã giúp cắt giảm hồ sơ, giấy tờ, thời gian thực hiện, chi phí đi lại của người dân (từ 21 ngày xuống còn 04 ngày làm việc đối với nhóm khai sinh và từ 25 ngày xuống còn 10 ngày làm việc đối với nhóm khai tử). Tính đến nay, Phần mềm Dịch vụ công liên thông đã tiếp nhận và xử lý thành công đối với 240.720 hồ sơ liên thông khai sinh và 20.023 hồ sơ liên thông khai tử.

Đến ngày 18/10/2023, đã có 34.600 doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền thành công (tăng 1.960 doanh nghiệp so với tháng 9/2023), với số lượng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là 43,6 triệu hóa đơn (tăng 13,3 triệu hóa đơn so với tháng 9/2023). Tổng số tiền thuế thu trên hóa đơn 2.819,7 tỷ đồng (tăng 826,9 tỷ đồng so với tháng 9/2023).

Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Trong tháng 10, Văn phòng Chính phủ đã trình các Phó Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến về dự thảo Quyết định ban hành Khung Chỉ số phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước; Trong tháng, đã cập nhật được 321 file dữ liệu lên Hệ thống. Triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu thử nghiệm về thu chi ngân sách với một số địa phương gồm tỉnh Lâm Đồng và Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ ngày 20/9/2023 đến ngày 20/10/2023, số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia là 700.331 văn bản (gửi: 124.156, nhận: 576.175). Trong 10 tháng đầu năm 2023, số lượng văn bản điện tử, gửi, nhận qua Trục khoảng 6,2 triệu văn bản. Tính đến nay đã có khoảng 26,7 triệu văn bản gửi, nhận trên Trục. 

Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ: Từ ngày 20/9/2023 đến ngày 20/10/2023, Hệ thống đã phục vụ 02 phiên họp Chính phủ và xử lý 64 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ (thay thế hơn 17 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy). Đến nay, Hệ thống đã phục vụ 83 hội nghị, phiên họp của Chính phủ và thực hiện xử lý 1.881 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ (thay thế hơn 633 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy).

An toàn, an ninh mạng

Tháng 10/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 1.010 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, tăng 11,8% so với tháng 9/2023 (903 cuộc tấn công), tăng 17,9% so với cùng kỳ tháng 10/2022 (857 cuộc tấn công).

Tính đến tháng 10/2023, tổng số Hệ thống thông tin (HTTT) của cả nước là 3.230 hệ thống, trong đó số HTTT được phê duyệt cấp độ là 2.020 hệ thống, đạt tỷ lệ 63%, tăng 32,5% so với cùng kỳ tháng 10/2022 (số HTTT được phê duyệt/tổng số HTTT của cả nước là 962/3.149 đạt tỷ lệ 30,5%).

Về Kinh tế số, Xã hội số

Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số: đến hết ngày 13/10/2023, số lượt doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tiếp cận Chương trình là 1.029.484 lượt; số lượng doanh nghiệp SME sử dụng nền tảng của Chương trình là 171.170 doanh nghiệp. Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và Thường trực Ban Bí thư báo cáo chuyên đề Kinh nghiệm phát triển kinh tế số của Trung Quốc và bài học cho Việt Nam.

Về phát triển công dân số, đến nay Bộ Công an đã cấp trên 84,7 triệu Thẻ căn cước công dân gắn chíp. Đã thu nhận trên 67,5 triệu hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt trên 45,4 triệu tài khoản (tỷ lệ kích hoạt trên tổng số hồ sơ thu nhận đạt 67,5%). Có 29 địa phương đã hoàn thành cấp tài khoản định danh điện tử và có tỷ lệ kích hoạt tài khoản định danh điện tử cao nhất cả nước. Đồng thời, các địa phương tiếp tục mở đợt cao điểm cấp tài khoản định danh điện tử cho người dân./.

Mạnh Tuyền - Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ

Nguồn: tcnn.vn